Sáng 21/2, tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ ra quân đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo.
Tới dự và phát biểu tại lễ ra quân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu ngành y tế cần tập trung nguồn lực cũng như vật lực tạo động lực cho đội ngũ bác sỹ trẻ khi đi tình nguyện bảo đảm làm việc tốt góp phần phát huy những giá trị tinh thần và đạo đức của người thầy thuốc.
Đánh giá về dự án đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định dự án không những giúp nâng cao chất lượng, dịch vụ y tế ở những vùng khó khăn, mà còn góp phần khắc phục sự bất cập trong phân bổ nhân lực của ngành y tế, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương.
Để thực hiện đề án tốt hơn trong thực tiễn, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý Bộ Y tế trong việc phân bổ bác sỹ trẻ tình nguyện cần đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, phù hợp với nhu cầu của địa phương đăng ký cũng như khả năng đáng ứng của các bệnh viện trực thuộc Bộ và các cơ sở đào tạo của Trung ương.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh các cơ quan chức năng có liên quan cần có cơ chế chính sách, hệ thống đãi ngộ như chế độ lương và phụ cấp thỏa đáng, tạo môi trường để bác sỹ trẻ khi tới vùng sâu, vùng xa làm việc tốt, đảm bảo có đầy đủ các trang thiết bị, thuốc thiết yếu, hạ tầng, hệ thống thông tin y tế.
Ngoài ra, ngành y tế cũng cần tăng cường giáo dục y đức về tinh thần, trách nhiệm, nghĩa vụ xã hội của đội ngũ thầy thuốc trẻ.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, hiện nay người dân ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn nhiều vất vả trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do hệ thống y tế còn bất cập. Một trong những nguyên nhân là do thiếu nguồn nhân lực y tế, nhất là bác sỹ có trình độ chuyên môn chuyên sâu.
Nhằm giải quyết những bất cập kể trên, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng và phê duyệt dự án đưa bác sỹ trẻ tốt nghiệp loại khá, giỏi, tình nguyện về phục vụ ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là 62 huyện nghèo. Những bác sỹ này được hưởng các quyền lợi như được xét tuyển vào làm việc ở một trong các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, được đào tạo chuyên khoa I; sau thời gian đào tạo, sẽ được ưu tiên xét cấp chứng chỉ hành nghề; những bác sỹ trẻ này sẽ trở thành nguồn cán bộ được đào tạo về chuyên khoa sâu hoặc đào tạo về quản lý y tế.
Tại lễ ra quân, Ban quản lý dự án cũng bàn giao 6 bác sỹ trẻ đầu tiên được tuyển chọn tham gia dự án cho các bệnh viện ở 5 huyện khó khăn ở vùng Tây Bắc, trong đó có 2 bác sỹ nữ. Đây là những người đã vượt qua vòng tuyển chọn gắt gao và được các bệnh viện trong khu vực tiếp nhận.
Các bác sỹ trẻ sẽ tham gia tình nguyện có thời gian công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm đối với nữ, tính từ thời gian trực tiếp làm việc tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế tuyến huyện.
Dự án thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.
Dự án sẽ tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân và xã hội./.