Chiều 19/5, Bộ Y tế thông báo trong ngày không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới bệnh COVID-19.
Như vậy, tính từ 6 giờ ngày 16/4 đến 18 giờ ngày 19/5 là 33 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Việt Nam vẫn ghi nhận 324 trường hợp mắc bệnh COVID-19, trong đó 264 trường hợp đã được chữa khỏi, chưa có trường hợp nào tử vong.
Tính đến 18 giờ ngày 19/5: Việt Nam có tổng cộng 184 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 11.326 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện: 302 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 8.929 người, cách ly tại nhà/nơi lưu trú: 2.095 người.
[Bệnh nhân 92 mắc COVID-19 là du học sinh trở về từ Pháp]
Về tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, BN92, nam, 21 tuổi, quốc tịch Việt Nam, được công bố khỏi bệnh. Đây là bệnh nhân dương tính lại sau khi được công bố khỏi bệnh vào ngày 14/4.
Trong quá trình điều trị và theo dõi tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh nhân được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 liên tục từ ngày 30/4 đến ngày 13/5.
Bệnh nhân đang tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình lây lan của dịch bệnh
Kỳ họp trực tuyến Đại hội đồng Y tế Thế giới 73 diễn ra ngày 18-19/5 trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu.
Được sự đồng ý của lãnh đạo Chính phủ, giáo sư Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế đã tham dự hội nghị.
Chương trình nghị sự của Kỳ họp trực tuyến lần thứ 73 Đại Hội đồng Y tế Thế giới chủ yếu tập trung vào chủ đề chuẩn bị và ứng phó với đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên dự họp cũng tham gia bỏ phiếu để lựa chọn các thành viên chính thức thay thế các thành viên đã hết nhiệm kỳ tại Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Y tế (WHO).
Các nguyên thủ thế giới tham dự và phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới lần này gồm có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Các nguyên thủ thế giới cho biết đây là lúc cả thế giới cùng chung tay đoàn kết đẩy lùi đại dịch thông qua thúc đẩy tiến bộ công nghệ như vắcxin và liệu pháp điều trị COVID-19 đồng thời cam kết sẽ tài trợ cho quỹ phòng chống COVID-19 thông qua WHO, GAVI (Liên minh tiêm chủng toàn cầu) và các tổ chức đa phương khác để đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận với xét nghiệm, điều trị và nguồn cung vắcxin một khi vắcxin ngừa COVID-19 ra đời.
Đại diện cho Việt Nam, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có bài phát biểu về công tác phòng chống và ứng phó với đại dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng thường trực Nguyễn Thanh Long, với quyết tâm chính trị cao “coi chống dịch như chống giặc,” Chính phủ việt Nam đã kiên quyết thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều biện pháp. Trong thời gian qua, Việt Nam thực hiện xuyên suốt và hiệu quả 4 chiến lược: Ngăn ngừa-Phát hiện-Cách ly và Dập dịch với sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương để chỉ đạo và huy động các nguồn lực tại chỗ để phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình lây lan của dịch bệnh, trong đó không ghi nhận trường hợp nào tử vong.
Việt Nam cũng đánh giá cao hỗ trợ kỹ thuật của WHO trong phòng, chống đại dịch COVID-19 thông qua việc ban hành các khuyến nghị và tài liệu kỹ thuật liên quan đến điều trị, giám sát, kiểm soát nhiễm khuẩn, xét nghiệm... cũng như tổ chức các hội nghị trực tuyến để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong phòng, chống đại dịch COVID-19./.