Liên quan đến vụ việc côn đồ hành hung nhân viên hãng hàng không Vietjet tại Cảng hàng không Thọ Xuân (Thanh Hóa), ông Tô Tử Hùng, Phó Trưởng phòng An ninh Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) cho rằng, an ninh cơ động đã phản ứng với tốc độ xử lý phù hợp, kịp thời khống chế đối tượng, không có ai bị thương, bàn giao kịp thời cho lực lượng công an.
Khách đông kéo theo vi phạm gia tăng
- Vì sao thời gian qua liên tục gia tăng hành vi mất an ninh hàng không, thưa ông?
Ông Tô Tử Hùng: Các sự việc xảy ra trong thời gian qua ở nước ta liên quan đến việc Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cũng như Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) phân loại là hành vi gây rối bao gồm 8 loại hình như sử dụng lời nói bạo lực đe dọa nhân viên hàng không, không tuân thủ chấp hành các quy định về cài dây an toàn của tiếp viên về an toàn hàng không, quấy rối tình dục hay cao điểm nhất là hành hung nhân viên hoặc hành hung hành khách với nhau tại Cảng hàng không.
Với sự tăng trưởng của ngành hàng không năm 2018 gần 13%, ước tính đạt trên 100 triệu hành khách thông qua cảng hàng không thì đó là thực tại tất yếu mà phải nhận thấy càng có sự tăng trưởng hàng không thì đương nhiên các vụ gây rối sẽ tăng theo.
[Khởi tố 3 đối tượng hành hung nữ nhân viên hàng không Vietjet Air]
Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại các cảng hàng không sân bay với mục đích thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không theo các nhiệm vụ Bộ Giao thông Vận tải giao tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014 trong đó có nhiệm vụ ứng phó ban đầu với hành vi gây rối tại sân bay và cùng Cảng vụ xác minh hành vi gây rối bàn giao cho cơ quan cần thiết để xử lý.
Hành vi hành hung nhân viên mang đặc tính côn đồ, hung hãn gây tổn hại đến không chỉ tính mạng, tài sản hàng không, nhân viên hàng không. Do đó, các đối tượng này đều được bàn giao cho lực lượng công an để điều tra và xác minh xử lý nghiêm.
- Nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng an ninh hàng không đã phản ứng chậm trễ trong việc khống chế côn đồ hành hung nhân viên hàng không tại sân bay Thọ Xuân. Ông nghĩ gì về quan điểm này?
Ông Tô Tử Hùng: Tại sân bay có rất nhiều mục tiêu mà lực lượng an ninh sân bay cần bảo vệ cũng như kiểm soát.
Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam có 3 loại nhân viên an ninh hàng không bao gồm nhân viên kiểm soát nhằm mục đích bảo vệ, tuần tra canh gác các vị trí khu vực công cộng sân bay, giám sát khu vực đó; nhân viên an ninh cơ động là lực lượng chuyên nghiệp chuyên đối phó với các tình huống bạo động, bạo lực được trang bị công cụ hỗ trợ vũ khí để sẵn sàng ứng phó với tình huống, khi có sự việc xảy ra có thể cơ động vị trí; nhân viên an ninh soi chiếu có vai trò dùng kỹ năng, kỹ thuật phát hiện đồ vật nguy hiểm nhiệm vụ được giới hạn ở khu vực soi chiếu.
Do vậy, một số trường hợp nhân viên ngồi vị trí của họ mà không được ra chỗ khác ứng phó vì có thể do theo nhiệm vụ phân công vị trí và không thể buông bỏ vị trí.
Tuy nhiên, Cục cũng đang đánh giá tốc độ xử lý của các lực lượng khác như an ninh kiểm soát, an ninh soi chiếu vì mỗi người có một nhiệm vụ khác nhau trong nhiều trường hợp các đối tượng tấn công có thể đánh lạc hướng bằng cách gây rối bộ phận này để thu hút lực lượng tập trung phía sự cố để chúng xâm nhập mục tiêu khác.
Qua việc xem trên các băng hình ghi lại của Cảng hàng không Thọ Xuân về vụ việc này cho thấy, an ninh cơ động đã xử lý phù hợp, kịp thời khống chế đối tượng, không có ai bị thương, bàn giao kịp thời cho lực lượng công an.
Theo quy định, mọi hành vi vi phạm xảy ra đều phải được tiến hành giảng bình và rút kinh nghiệm để tìm hiểu được nguyên nhân gốc thì mới rút kinh nghiệm và đưa ra giải pháp khắc phục không để sự việc xảy ra trong tương lai.
Có e dè, sợ hãi côn đồ gây rối?
- Phải chăng lực lượng an ninh hàng không e dè, sợ hãi những đối tượng côn đồ này hoặc biết đối tượng này có gia thế “khủng” như thông tin báo chí đã đưa, thưa ông?
Ông Tô Tử Hùng: Ngay sau khi sự việc, Bộ Giao thông Vận tải và công an Thanh Hóa cho thấy sự quyết liệt chỉ đạo, làm rõ và tiến hành khởi tố các đối tượng côn đồ này để thấy rằng người dân đang sống trong nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa không dung thứ cho hành vi lợi dụng côn đồ bắt nạt người yếu như vụ Thọ Xuân vừa qua.
Song song đó, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng ban hành công văn chỉ đạo các đơn vị trong đó yêu cầu các đơn vị kiểm soát an ninh hàng không phát hiện các hành vi vi phạm, hành vi gây rối để có biện pháp trấn áp nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng bảo vệ tài sản nhân viên cũng như đơn vị hoạt động tại Cảng; các hãng hàng không chủ động đưa ra biện pháp đối phó bảo vệ nhân viên của mình trước các đối tượng côn đồ hung hãn; Cảng vụ hàng không có sự giám sát chặt chẽ phối hợp với công an địa phương để có sự bảo vệ…
- Để xảy ra các vụ gây rối, lăng mạ, hành hung nhân viên phải chăng mức xử phạt hành chính, thâm chí là khởi tố vẫn chưa đủ sức răn đe vi phạm?
Ông Tô Tử Hùng: Các hành vi vi phạm được xác định là xử phạt vi phạm hành chính ngành hàng không dân dụng sử dụng theo Nghị định 147 của Chính phủ năm 2013 trong đó quy định mức hành vi vi phạm và mức xử phạt cùng với những hình phạt bổ sung như cấm vận chuyển hàng không trong tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế, bổ sung biện pháp phòng ngừa như kiểm tra trực quan bắt buộc để loại bỏ yếu tố rủi ro hay sự đe dọa của hành khách đó.
[Đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng]
Bên cạnh đó, các hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển đối với hành khách mang lại rủi ro cho hãng và điều này được pháp luật cho phép.
Thời gian qua, nhiều hành khách không hiểu rõ những lời bông đùa, hành động vô ý thức của mình có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, hành khách cần chú ý khi đi đường hàng không có rất nhiều hạn chế để đảm bảo sự an toàn cho chính mỗi cá nhân và mọi người. Nếu có hành vi gây rối, trục trặc chuyến bay sẽ kéo theo chậm dây chuyền chuyến bay của hàng trăm hành khách khác. Và, đây là hành vi ích kỷ.
Hơn 20 năm qua, Việt nam chưa có sự cố chết người xảy ra trong ngành hàng không dân dụng, được cồng đồng quốc tế công nhận. Qua các cuộc Thanh tra của ICAO về an toàn từ 2005 đến nay đánh giá cho thấy, Việt Nam đang đứng nửa trên của thế giới về tuân thủ các quy định của ICAO, đây là mốc quan trọng để có sự xuất phát cũng như sự tăng trường nóng của ngành hàng không./.
Phân tích của IATA trong giai đoạn 2007-2010 cho thấy, cứ 1.600 chuyến bay trên toàn cầu thì mới có 1 chuyến bay có hành vi gây rối này. Từ 2011 trở về những năm gần đây, cứ 1.200 chuyến bay có hành vi này xảy ra, điều đó cho thấy cùng với sự song hành phát triển của hàng không thì hành vi gây rối có xu hướng tăng.
Tại Việt Nam năm 2018 có 13 vụ (tăng thêm 3 vụ so với năm 2017) là hành khách hoặc người qua đường đánh nhân viên hàng không làm nhiệm vụ hoặc là đánh lẫn nhau. Đó chưa kể khoảng 5-6 vụ hành khách hoặc người qua đường gây rối, dùng lời nói để cãi lộn, lăng mạ nhân viên làm nhiệm vụ.