Kịch 'Vang bóng một thời': Đẩy cao mâu thuẫn giữa tử tù và quản ngục

Vở diễn được ghép nối giữa ba truyện ngắn trong tập truyện cùng tên, vừa tạo chiều sâu, làm nổi tính kịch trong "Chữ người tử tù," vừa đưa khán giả chìm trong ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân.
Kịch 'Vang bóng một thời': Đẩy cao mâu thuẫn giữa tử tù và quản ngục ảnh 1Hai chữ 'Thiên lương' được tác phẩm dùng như thông điệp chính. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Khi người lính hầu trẻ tuổi tỏ thái độ tiếc thương đối với Huấn Cao - một người tài có tiếng trong thiên hạ, nhưng chỉ phút chốc đã trở thành tử tù vì dám chống lại triều đình, viên quản ngục đã gọi cậu ta là đồ đớn hèn. Đối với ông ta, chỉ có sự ác độc, tàn nhẫn mới tồn tại được ở nơi lao tù này.

Chính vì vậy, khác với nguyên tác, vở kịch “Vang bóng một thời” của Sân khấu Lệ Ngọc đã để viên quản ngục dùng thái độ tàn bạo, ép người tử tù cho chữ bằng tra tấn và đòn roi. Đây là một trong tình tiết giúp đẩy cao mâu thuẫn, tạo ra tính kịch cho vở diễn.

Những mảng mâu thuẫn

Chi tiết kể trên không phải thay đổi duy nhất được tạo ra khi đoàn kịch Lệ Ngọc đưa các truyện ngắn Nguyễn Tuân lên sân khấu. Câu chuyện của vở kịch chủ yếu xoay quanh “Chữ người tử tù,” được bồi đắp thêm bằng các chi tiết trong “Những chiếc ấm đất”“Chém treo ngành” để giúp khơi dậy tính kịch.

Vì vậy, khán giả xem kịch có thế thấy rất rõ những lằn ranh giữa thiện và ác trong nơi tù ngục tối tăm, mục ruỗng. Đó là sự đối lập giữa viên quản ngục (nghệ sỹ Văn Hải) với người lính hầu trẻ tuổi (nghệ sỹ Huy Hoàng); đôi tay của lão đao phủ Bát Lê (nghệ sỹ Quang Tú) và Huấn Cao (nghệ sỹ Anh Tuấn); hay tại chính người quản ngục khi ông đi làm và khi đã về nhà với gia đình....

Kịch 'Vang bóng một thời': Đẩy cao mâu thuẫn giữa tử tù và quản ngục ảnh 2Trong vở diễn, viên quản ngục có gia đình vốn theo nề nếp Nho giáo. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Trước tiên là sự đối lập giữa người lính hầu với viên quản ngục. Có khán giả cho rằng anh là hiện thân của những gì mà ông ta từng là thuở ban đầu, khi chưa bị nghề quản ngục làm tha hóa. Anh lính trẻ vẫn thể hiện ra ngoài những trăn trở trong lương tâm khi chứng kiến sự tàn bạo diễn ra với Huấn Cao, cũng như sự ngưỡng mộ lớn dành cho người tử tù đặc biệt này.

Bên trong chính viên quản ngục dường như cũng gặp mâu thuẫn với bản thân. Ở nơi tù tăm tối, ông là người tàn ác, nhưng khi về giới gia đình và người vợ hiền (Nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc) ông dường như trở thành một phiên bản nho nhã, trái ngược hoàn toàn. Gia đình trong tác phẩm cũng chính là chất xúc tác không thể thiếu để thúc đẩy nhân vật về với thiên lương.

Hay như đôi tay thiện nghệ từng chém đầu bao tử tù của Bát Lê được đặt vào đối lập với đôi tay thanh thoát của Huấn Cao - đôi tay viết ra những nét chữ rồng bay phượng múa, đầy khí phách, có tiếng trong cả vùng Sơn Hưng Tuyên (vùng gồm tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang khi xưa).

Đáng chú ý, cũng chính hai đôi bàn tay ấy đã tạo nên kết thúc đầy ý nghĩa cho vở kịch. Trong khi những điều xấu xa bị kết liễu bằng chính bàn tay nhuốm máu thì đôi tay trong sạch thanh cao đã viết lên hai chữ “thiên lương” trong sáng giữa phòng giam tăm tối – bản chất tốt đẹp, lương thiện mà mỗi được được trời ban cho.

Nói về những phép so sánh này, nhà biên kịch Nguyễn Hiếu muốn làm bật lên những ý tưởng lớn lao xuyên suốt vở kịch. "Cái thiên lương sẽ cứu rỗi linh hồn con người, giữ được thiên lương là sứ mạng của mỗi chúng ta,” tác giả chia sẻ.

Khai thác triệt để góc tiềm ẩn của nhân vật

Nhà phê bình Nguyễn Thế Khoa (Tạp chí Văn Hiến) nhận xét vở diễn đã khai thác thành công yếu tố kịch nhờ việc kết hợp tư liệu từ ba truyện ngắn. Các nhân vật trong vở kịch đều thể hiện thái độ tôn trọng nguyên tác, đặc biệt, sự sáng tạo về người quản ngục giúp khắc họa rõ nét một con người độc ác vốn có bản chất tốt.

“Cách thay đổi tôi cho là hợp lý,” ông Khoa nhận xét. “Tên quản ngục vốn là người yêu cái đẹp nhưng bị công việc lâu năm làm cho tha hóa, dần trở nên độc ác, việc xin chữ từ đó đã bị biến đổi thành sử dụng quyền lực để ép buộc. Những tình tiết được thêm vào trong kịch khiến tên quản ngục tỉnh ngộ, tôi cho là sự thêm thắt hay, khai thác được góc tiềm ẩn trong nhân vật.”

Kịch 'Vang bóng một thời': Đẩy cao mâu thuẫn giữa tử tù và quản ngục ảnh 3Cảnh Huấn Cao luyện viết bằng cả cơ thể khi trong tù không có giấy bút, khiến lính hầu trẻ ngưỡng mộ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Giới phê bình nhận xét Nguyễn Tuân vốn nổi tiếng có giọng văn sâu sắc, thể hiện rõ thái độ ngông, tính cách ngang tàng qua những tình huống truyện, cách khắc họa nhân vật phản ánh thời cuộc. Vì vậy đáng quý nhất, theo ông Nguyễn Thế Khoa, ở vở “Vang bóng một thời” là sự thành công khi giữ được cái duy mỹ trong văn Nguyễn Tuân và tái sinh nó trên sân khấu kịch.

Với Thế Hưng, một khán giả trẻ đã đọc cả ba truyện ngắn trước khi xem kịch, những câu chuyện nền phía sau các tình tiết thực sự khiến vở diễn có thêm chiều sâu, cho phép khán giả đắm mình vào thế giới tư tưởng của Nguyễn Tuân.

[Gặp lại những cuốn sách quý xuất bản từ trước năm 1945]

Cũng có ý kiến khán giả cho rằng với nhiều tầng nội dung dày dặn như thế, vở kịch đôi chỗ có phần lúng túng khi xử lý, một số tình tiết và diễn biến tâm lý nhân vật biến đổi gấp gáp, khiên cưỡng. Một phần lý do được nhà phê bình Nguyễn Thế Khoa nhận định rằng rằng “Vang bóng một thời” vốn khó làm kịch.

“Văn Nguyễn Tuân chủ yếu ở dạng tùy bút, vì vậy có tính văn nhiều hơn truyện, để chuyển thể được từ đó thành kịch thì không hề đơn giản,” nhà phê bình nhận xét.

Tuy nhiên theo ghi nhận, khán giả nhìn chung đều có phản hồi tích cực, ủng hộ đoàn kịch vì đã lựa chọn thử sức với truyện ngắn Nguyễn Tuân. “Tôi đã rất lo khi Sân khấu Lệ Ngọc chọn làm những tác phẩm này, song kết quả mang đã mang đến một vở kịch bình dị, tạo ấn tượng tốt với phần đông khán giả và đem được vẻ đẹp của ngòi bút Nguyễn Tuân đến với người yêu nghệ thuật của hôm nay,” ông Khoa kết luận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục