Kiểm kê đất đai năm 2019: Sau hơn 1 năm đo đạc, Bộ TN-MT nói gì?

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đang chuẩn bị công bố kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 của cả nước, sau hơn 1 triển khai đo đạc.
Kiểm kê đất đai năm 2019: Sau hơn 1 năm đo đạc, Bộ TN-MT nói gì? ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Sau hơn nửa năm chậm trễ với ít nhất 2 lần xin gia hạn thời gian thực hiện “báo cáo kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019” theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện kiểm kê đất đai của 63 tỉnh, thành phố.

Kết quả kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 sẽ là cơ sở để đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp trong 5 năm qua và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; làm cơ sở cho việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp giai đoạn 2021-2030 và là cơ sở quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Với tầm quan trọng đó, ngày 2/6/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 3676/VPCP-NN truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của số liệu kiểm kê và công bố kết quả kiểm kê đất đai 5 năm theo đúng quy định của pháp luật.

Xung quanh nội dung nêu trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Hải - Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai, Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về kết quả báo cáo sau gần 1 năm rưỡi triển khai thực hiện.

Quá nửa năm vẫn chưa công bố báo cáo

- Trước tiên, xin ông cho biết công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với địa phương triển khai thực hiện thế nào?

Ông Bùi Văn Hải: Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có quyết định số 1762 ban hành phương án kiểm kê đất đai; tổ chức hội nghị toàn quốc tập huấn, hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Tại địa phương, hầu hết các tỉnh đều ban hành Chỉ thị, Kế hoạch cụ thể để chỉ đạo, thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo để tăng cường sự chỉ đạo và sự phối hợp giữa các ngành; phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện kiểm kê đất đai năm 2019; tổ chức các hội nghị, tập huấn chuyên môn cho các lực lượng tham gia và giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp cùng phối hợp trong quá trình thực hiện.

[Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý đất đai]

Ngoài ra để đảm bảo tiến độ, các địa phương đều huy động tối đa hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai và các lực lượng chuyên môn về điều tra, đo đạc, đăng ký, thống kê đất đai của cơ quan tài nguyên và môi trường các cấp, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp ngoài ngành có chức năng đo đạc địa chính để hỗ trợ cho các cấp thực hiện các nội dung kỹ thuật; nhất là việc điều tra khoanh vẽ bản đồ khoanh đất ở cấp xã, tổng hợp số liệu kiểm kê, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

- Vậy sau gần 1 năm rưỡi triển khai, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ bao giờ công bố báo cáo kết quả kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019?

Ông Bùi Văn Hải: Tính đến ngày 31/12/2020 đã có 63/63 tỉnh, thành phố có kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, trong đó còn 10 tỉnh, thành phố mới có báo cáo sơ bộ, chưa có báo cáo chính thức.

Trong ngày 31/12/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Báo cáo số 141/BC-BTNMT gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện kiểm kê đất đai năm 2019. Đến ngày 13/5/2021, Bộ có báo cáo hoàn thiện kết quả kiểm kê đất đai năm 2019.

Trên cơ sở đó, mới đây, ngày 2/6/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 3676/VPCP-NN thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 của cả nước.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị công bố kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 của cả nước, các vùng kinh tế-xã hội và các tỉnh, thành phố.

- Theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, thời điểm triển khai thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất được thực hiện thống nhất từ ngày 1/8/2019. Thời hạn hoàn thành và báo cáo kết quả trước ngày 16/6/2020. Tuy nhiên, tới ngày 31/12/2020 vẫn còn 10 tỉnh, thành phố mới có báo cáo sơ bộ, chưa có báo cáo chính thức. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới việc chậm trễ này, thưa ông?

Ông Bùi Văn Hải: Quá trình thực hiện kiểm kê đất đai năm 2019 gặp một số khó khăn như: Một số địa phương chậm phê duyệt, bố trí kinh phí thực hiện; chậm ký hợp đồng thuê đơn vị tư vấn thực hiện do lúng túng, không thống nhất về phương thức đấu thầu cũng như chờ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương. Đến khi các địa phương cơ bản hoàn thành công tác kiểm kê đất đai năm 2019 mới có văn bản của Bộ Tài chính thông báo không có nguồn kinh phí hỗ trợ.

Nguyên nhân thứ hai là một số địa phương có thay đổi địa giới hành chính cấp xã, huyện do thực hiện Nghị quyết 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Kiểm kê đất đai năm 2019: Sau hơn 1 năm đo đạc, Bộ TN-MT nói gì? ảnh 2Một số địa phương chậm phê duyệt, bố trí kinh phí thực hiện báo cáo kiểm kê đất đai. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như việc thực hiện trùng vào thời điểm tổ chức Đại hội Đảng các cấp ở cơ sở, có ảnh hưởng không nhỏ đến việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện và xem xét phê duyệt kết quả kiểm kê; do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc thực hiện ở các địa phương cũng bị chậm lại. Đặc biệt công tác thực hiện tại cấp huyện, do khó khăn trong việc đi đôn đốc, kiểm tra, nghiệm thu của các xã đã làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của cả địa phương;...

Cũng vì có nhiều khó khăn vướng mắc nên Thủ tướng chính phủ đã cho phép hoàn thành và báo cáo kết quả kiểm kê đất đai trong quý I năm 2021.

Trung bình mỗi năm đưa khoảng 185.000ha vào sử dụng

- Qua kết quả báo cáo kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 tại các địa phương, ông đánh giá thế nào về “bức tranh” đất đai hiện nay?

Ông Bùi Văn Hải: Kết quả kiểm kê đất đai năm 2019 là “bức tranh” phản ảnh hiện trạng sử dụng đất đai tại thời điểm hiện nay. Trong đó cơ cấu sử dụng các loại đất trong nhóm đất nông nghiệp có sự thay đổi tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao; nhất là việc chuyển một phần diện tích đất trồng lúa sang trồng các cây hàng năm và nuôi trồng thủy sản và chuyển đất cây hàng năm sang đất trồng cây công nghiệp lâu năm; chuyển đất rừng sản xuất là rừng trồng sang trồng cây lâu năm (đất trồng cây lâu năm tăng 459.520 ha).

Bên cạnh đó, sự gia tăng đất phi nông nghiệp trong 5 năm qua của cả nước, nhất là các loại đất sử dụng vào mục đích chuyên dùng (169.707ha), đất ở (54.632 ha) cũng thể hiện sự nỗ lực cố gắng rất lớn của các địa phương trong việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để giao đất, cho thuê đất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm cho phát triển kinh tế, xã hội ổn định, bền vững; nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn được khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Ngoài ra, mức độ khai thác đất chưa sử dụng trong 5 năm qua của cả nước cho các mục đích khá lớn (trung bình mỗi năm đã đưa vào sử dụng khoảng 185.000ha đất chưa sử dụng). Đến năm 2019 nhiều địa phương không còn hoặc còn không đáng kể đất chưa sử dụng; điển hình như: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai,...

- Với trách nhiệm là cơ quan thẩm tra, thẩm định báo cáo kiểm kê đất đai của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định báo cáo thế nào?

Ông Bùi Văn Hải: Kết quả kiểm kê đất đai được các cấp huyện, tỉnh kiểm tra nghiệm thu, Tổng cục Quản lý đất đai thẩm định.

Theo đó, Tổng cục Quản lý đất đai và các cơ quan có liên quan ở Trung ương đã tổ chức kiểm tra bằng nhiều hình thức như cử đoàn kiểm tra trực tiếp tại đơn vị thực hiện, kiểm tra thông qua sử dụng ảnh viễn thám, kiểm tra bằng việc so sánh đối chiếu với các bản đồ, hồ sơ quản lý; sử dụng các phương tiện công cụ hiện đại để kiểm tra như: các phần mềm tin học, sử dụng ảnh viễn thám để kiểm tra diện tích một số loại đất đặc thù trong việc khoanh vẽ, tổng hợp số liệu của tối thiểu 4 đơn vị cấp xã thuộc 2 đơn vị cấp huyện của một số tỉnh, thành phố.

Không còn tình trạng "giấu đất" khi báo cáo

- Trước đây đã từng xảy ra sự việc trong quá trình thực hiện rà soát, có địa phương đã “giấu” một phần đất đai. Vậy trong kỳ kiểm kê này, Bộ Tài nguyên và Môi trường rút kinh nghiệm gì từ “bài học” trên?

Ông Bùi Văn Hải: Từ kỳ kiểm kê đất đai năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thay đổi phương pháp thực hiện kiểm kê đất đai, trong đó sử dụng bản đồ địa chính chính hoặc các loại bản đồ khác hiện có ở địa phương có độ chính xác cao nhất kết hợp với hồ sơ địa chính để khoanh vẽ các thửa đất theo loại đất, loại đối tượng sử dụng đất; sau đó đối soát 100% khoanh đất ngoài thực tế sử dụng, khoanh vẽ hoàn chỉnh bản đồ kiểm kê đất đai theo quy định.

Kiểm kê đất đai năm 2019: Sau hơn 1 năm đo đạc, Bộ TN-MT nói gì? ảnh 3Kết quả kiểm kê được tổng hợp bằng phần mềm TK- online. (Ảnh minh hoạ: Hùng Võ/Vietnam+)

Sau khi hoàn thành bản đồ kiểm kê đất đai đưa vào phần mềm TK-Destop tự động tính diện tích các khoanh đất và tổng hợp kết quả kiểm kê cấp xã. Kết quả kiểm kê cấp huyện, tỉnh và cả nước sẽ được tổng hợp bằng phần mềm TK- online. Do vậy, không còn tình trạng “dấu’ một phần đất đai như đã nêu.

- Một số địa phương như Kon Tum, Đắk Lắk... cho rằng nguyên nhân dẫn tới việc chậm hoàn thành báo cáo kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019 là do địa phương gặp khó khăn về kinh phí thực hiện, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Bùi Văn Hải: Tôi cho rằng đó cũng là một trong các nguyên nhân chậm hoàn thành kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, đặc biệt là đối với các tỉnh có khó khăn về kinh phí thường xuyên phải có sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.

- Để tháo gỡ khó khăn trên, cuối năm 2020, một số tỉnh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện bố trí kinh phí để tỉnh xây dựng dự án đo đạc lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai... Vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ giải quyết các kiến nghị, đề nghị của các địa phương nêu trên thế nào?

Ông Bùi Văn Hải: Đối với các kiến nghị của các tỉnh về kinh phí, Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu và phối hợp với các Bộ ngành khác như Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn… báo cáo Chính phủ để từng bước giải quyết./.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.