Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện để hạn chế việc kháng thuốc

Trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kháng thuốc hiện nay thì nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những nguyên nhân đáng lo ngại.
Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện để hạn chế việc kháng thuốc ảnh 1Thăm khám bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN).

Trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kháng thuốc hiện nay thì nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những nguyên nhân đáng lo ngại.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị.

Nhiễm khuẩn bệnh viện kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 7-15 ngày dẫn đến chi phí của một bệnh nhân nhiễm khuẩn bệnh viện thường gấp 2 đến 4 lần so với trường hợp không nhiễm khuẩn bệnh viện.

Chưa được quan tâm, đầu tư thích đáng

Tại Việt Nam, các nghiên cứu tại các bệnh viện đã chỉ ra chi phí kháng sinh tăng thêm hàng năm do điều trị các nhiễm khuẩn vi khuẩn đa kháng trung bình mỗi ca bệnh lên đến trên 10 triệu đồng, cá biệt có trường hợp tốn hàng trăm triệu đồng…

Hiện nay, mô hình bệnh tật của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, tỷ lệ bệnh lây nhiễm vẫn còn ở mức cao, tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh.

Các dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A như Cúm A (H1N1, H5N1), Ebola, Mers-Cov và các dịch bệnh nguy hiểm khác lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là trong bệnh viện và có tỷ lệ tử vong cao có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, việc phát triển những kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh như phẫu thuật nội soi, ghép tạng, phẫu thuật tim mạch... càng đỏi hỏi công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện phải được tăng cường, phát triển tương xứng để bảo đảm hạn chế nhiễm khuẩn, hạn chế lây nhiễm chéo, an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Tuy nhiên, các số liệu thống kê cho thấy, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện chưa được quan tâm và đầu tư thích đáng. Hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được quan tâm, có tới 28,6% bệnh viện ngành chưa có khoa, tổ kiểm soát nhiễm khuẩn.

Các bệnh viện này cũng chỉ có 17,4% cán bộ được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn. Hầu hết cơ sở vật chất cơ bản đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn của các bệnh viện đều đạt chuẩn ở mức độ thấp, gây ảnh hưởng đến triển khai các hoạt động kiểm soát lây nhiễm, chất lượng khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ, chất lượng nước thải lỏng và các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn khác.

Theo đánh giá chung, cơ sở vật chất chính đảm bảo cho hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn ở các bệnh viện tư nhân được đầu tư nhiều hơn so với các bệnh viện thuộc hệ thống công lập. Sự đầu tư về cơ sở vật chất phụ vụ công tác khiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện hệ thống công lập giảm dần từ tuyến Trung ương đến tuyến huyện…

Nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện và phòng chống kháng kháng sinh, Bộ Y tế đã ban hành và chỉ đạo toàn ngành thực hiện Thông tư 18/2009/TT-BYT về “Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế” và văn bản số 7517/BYT ngày 12/10/2007 về “Hướng dẫn vệ sinh bàn tay”.

Các giải pháp đồng bộ về can thiệp vệ sinh bàn tay được hầu hết các cơ sở y tế quan tâm như đầu tư về phương tiện, cơ sở vật chất; tập huấn cho cán bộ y tế thực hành các bước vệ sinh tay. Nhờ đó, tỷ lệ nhiễm khuẩn tại các bệnh viện giảm đáng kể, kiến thức về vệ sinh bàn tay của cán bộ y tế cũng được tăng rõ rệt, tỷ lệ tuân thủ vệ sinh bàn tay của nhân viên y tế đã được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Xây dựng mô hình bệnh viện kiểu mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn

Bác sỹ chuyên khoa II Hoàng Văn Thành, Phó cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ y tế) cho rằng, đơn vị nào Ban giám đốc, Lãnh đạo bệnh viện quan tâm thì nơi đó công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được quan tâm và thực hiện tốt góp phần vào thành công của công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, còn ngược lại.

Chính vì thế hiện nay việc thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn trong các bệnh viện chưa có sự thống nhất cao, chưa có chuẩn mực cụ thể về hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn tại các tuyến bệnh viện. Do đó việc xây dựng mô hình bệnh viện kiểu mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm cụ thể hóa các quy định, các hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn và định hướng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn cho phù hợp với các tuyến bệnh viện của Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Y tế đang Xây dựng mô hình bệnh viện mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn. Theo đó có 3 mô hình mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn cho bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện đã được đưa ra để các đại biểu thảo luận.

Theo các chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn, mô hình bệnh viện mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ là nơi triển khai đầy đủ nội dung kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định của Bộ Y tế; là nơi mẫu mực cho đào tạo, tham quan học tập và chỉ đạo tuyến về kiểm soát nhiễm khuẩn; là nơi kiểm chứng, lượng giá hiệu quả công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và là nơi tiên phong trong triển khai áp dụng các hướng dẫn mới về kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống dịch.

Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện Kế hoạch hành động Quốc gia tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh thông qua các giải pháp tăng cường tổ chức, nguồn lực, nhận thức và chính sách về kiểm soát nhiễm khuẩn góp phần bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng. Với những giải pháp quyết liệt, hy vọng tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất để hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh. /.

Bài 1: Kháng thuốc - Mối quan tâm và thách thức của toàn xã hội

Bài 2: Sử dụng kháng sinh tùy tiện làm trầm trọng tình trạng kháng thuốc

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục