Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế Hà Nội vừa kiểm tra công tác chống dịch COVID-19 và thực hiện các tiêu chí an toàn chống dịch do Bộ Y tế ban hành tại 2 bệnh viện chuyên khoa là Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Thận Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Dolife.
Đây là buổi kiểm tra thứ 2 của Đoàn số 1 do phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng tiểu ban điều trị làm Trưởng đoàn trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
[Sáng 10/8, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới]
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê cho hay đoàn kiểm tra 2 bệnh viện chuyên khoa phổi và thận vì đối tượng tại 2 bệnh viện đều là những người nhiều nguy cơ, dễ tổn thương khi mắc COVID-19. Những ngày qua, có 11 bệnh nhân tử vong đa số là các bệnh nhân suy thận mãn, viêm phổi, nhiều bệnh lý nền kèm theo. Do đó, việc kiểm tra các tiêu chí an toàn giúp chỉ ra cho bệnh viện những lỗ hổng để cải tiến và phòng ngừa, ngăn chặn, cách ly và chuyển bệnh nhân kịp thời, hiệu quả.
Đoàn kiểm tra yêu cầu các bệnh viện phải quán triệt quan điểm: Phân luồng, cách ly bệnh nhân một cách hiệu quả. Các bệnh viện phải thực hiện việc căng dây, biển báo (sáng buổi tối) dễ nhìn, dễ thấy để bệnh nhân không đi sai chỗ, lạc đường trong bệnh viện.
Bệnh viện Phổi Hà Nội hiện mỗi ngày khám cho trên 100 bệnh nhân. Bệnh viện cũng quản lý và điều trị bệnh nhân lao, hen phế quản, bệnh nhân lao đa kháng… luôn cần theo dõi và quản lý sát sao.
Tại Bệnh viện Thận Hà Nội hiện quản lý 444 bệnh nhân chạy thận nhân tạo với nhiều bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, 517 bệnh nhân thận mạn tính. Trong khi đó, máy thận nhân tạo đa số là cũ, hiện tại có 77 máy phải hoạt động liên tục từ 3-4 ca/ngày.
Kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Dolife, phó giáo sư Khuê đề nghị bệnh viện quan tâm đến vấn đề thông khí buồng bệnh. Bài học từ Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội… để bệnh viện phải rút ra cho mình những kinh nghiệm./.