Chiều 1/8, tại Đà Nẵng, đoàn công tác của Cục Hàng không Việt Nam do ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng và các đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất về công tác kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển và nghĩa vụ của các hãng hàng không trong trường hợp chậm, hủy chuyến.
Ông Trần Tấn Thủy, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Trung cho biết, qua giám sát các hãng hàng không và đơn vị cung cấp dịch vụ mặt đất tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng cho thấy, các đơn vị đã thực hiện đúng quy định về thời gian mở quầy.
Tuy nhiên, tại một vài thời điểm vẫn xảy ra ùn ứ do có nhiều hành khách đi theo đoàn du lịch đến làm thủ tục cùng một lúc. Các đơn vị phục vụ mặt đất đã có kế hoạch kiểm tra trang thiết bị phục vụ hành lý, hàng hóa đúng quy trình. Công tác phục vụ tàu bay mặt đất, nhân viên kỹ thuật về cơ bản đảm bảo yêu cầu.
Về thực hiện nghĩa vụ của người vận chuyển trong trường hợp chậm, hủy chuyến thời gian qua, về cơ bản, các hãng hàng không đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng đại diện hãng hàng không chưa kịp thời giải thích, xin lỗi hành khách và linh hoạt xử lý tình huống gây bức xúc cho hành khách (chuyến bay VJ 8882 ngày 21/7 vừa qua của hãng VietJet Air).
Bên cạnh đó, cũng có hành khách không chịu hợp tác với hãng hàng không, không chấp nhận bất cứ hình thức giải quyết nào khi máy bay bị hủy chuyến vì lý do kỹ thuật trong khi công tác phục vụ, bồi thường của hãng được xác định là thoả đáng, đúng quy định (trường hợp xảy ra tại chuyến bay VN 1955 ĐA-DLI ngày 24/7 của Vietnam Airlines).
Về cơ sở hạ tầng, qua đánh giá cho thấy còn một số hạn chế. Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng chỉ có hai thang hành khách gây lên ách tắc cục bộ, nếu có 2 chuyến bay cùng hạ cánh. Bên cạnh đó, Cảng đang xảy ra tình trạng thiếu vị trí đỗ vì một số vị trí đỗ số 6,7,8,9,9A đóng cửa, gây khó khăn cho việc bố trí tàu bay.
Tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không tại khu vực miền Trung thời gian qua nhìn chung đã có chuyển biến rõ rệt. Thống kê từ ngày 22-30/7, tỷ lệ chậm chuyến của các hãng hàng không đồng loạt giảm so với tuần trước đó (từ 13-20/7).
Cụ thể: Vietnam Airlines giảm từ 28,3% xuống 18,06%; Jetstar Pacific giảm từ 30% xuống 22,47%; VietJet Air từ 47% xuống 38,42%. Như vậy, từ ngày 22-30/7, tình trạng chậm, hủy chuyến tại 10 sân bay khu vực miền Trung đã giảm rõ rệt, mỗi hãng giảm gần 10%.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây chậm chuyến của các hãng hàng không là do khai thác của hãng và tàu bay về muộn. Bên cạnh đó, nguyên nhân điều hành bay (chủ yếu do hạ tầng hàng không còn hạn chế) cũng góp phần không nhỏ gây ra chậm chuyến.
Về nguyên nhân gây chậm, hủy chuyến tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng, các đơn vị cho rằng, cửa ra tàu bay quốc tế chật hẹp trong khi các chuyến bay quốc tế gia tăng, quầy thủ tục quá tải....
Cơ sở hạ tầng hàng không tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng đang gặp khó khăn khi đang sửa chữa đường lăn E6, gây tắc nghẽn cục bộ. Về lý do thời tiết, hiện miền Trung đang là mùa mưa bão nên nhiều chuyến bay không cất, hạ cánh được do thời tiết xấu.
Nhận xét về những chuyển biến của Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng thời gian qua, đại diện hãng Hàng không VietJet Air cho biết, việc phối hợp giữa các đơn vị trong cảng với hãng rất tốt, tạo điều kiện cho hãng hoạt động.
Đại diện Vietnam Airlines tại Đà Nẵng chia sẻ, hãng có 30-40 chuyến bay/ngày. Nhờ hạ tầng cơ sở nhà ga phục vụ cho các chuyến bay nội địa tốt nên chất lượng phục vụ của hãng đã đáp ứng được yêu cầu của hành khách.
Tuy nhiên, khu vực nhà ga phục vụ các chuyến bay quốc tế rất hẹp nên khi có chuyến bay quốc tế trùng giờ sẽ xảy ra tình trạng chật chội tại khu vực này.
Ông Tô Ngọc Hải, Phó Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng cho biết, đặc điểm hành khách tại sân bay Đà Nẵng thường chọn giờ bay trong khi đó, nhà ga quá chật, sân đậu tàu bay chỉ đáp ứng 10 tàu bay. Vì vậy, giờ cao điểm thường xảy ra ùn ứ cục bộ, quá tải cho các quầy làm thủ tục.
Để giải quyết vấn đề này, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu có sự hỗ trợ giữa quầy check in nội địa và quốc tế. Giải pháp này ghi nhận đã giúp giải quyết được sự quá tải của các quầy làm thủ tục vào giờ cao điểm.
Ông Dương Trí Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines đánh giá, sân bay Đà Nẵng là sân bay nội địa tốt nhất Việt Nam hiện nay, tuy nhiên, khu vực phục vụ bay quốc tế còn nhiều hạn chế do tốc độ phát triển quá nhanh, nên về lâu dài phải xây dựng nhà ga T2.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận sự chuyển biến và nỗ lực của các hãng hàng không trong việc giảm tỷ lệ chậm, hủy chuyến thời gian qua, đồng thời yêu cầu các đơn vị cho khắc phục ngay những tồn tại đã được chỉ ra, nhất là việc ùn tắc tại các quầy làm thủ tục.
Trước đó, tại buổi làm việc với Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất diễn ra chiều 31/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn công tác của Cục Hàng không Việt Nam chủ yếu tập trung làm rõ vấn đề "có hay không tình trạng hủy chuyến bay để dồn chuyến bay vì lý do thương mại" theo thông tin phản ánh thời gian qua.
Ông Nguyễn Đình Hùng, Giám đốc Công ty phục vụ Mặt đất Sài Goàn (SAGS) cho biết, không có căn cứ để khẳng định có tình trạng hủy chuyến bay để dồn chuyến bay vì lý do thương mại.
Lý do vì việc xây dựng một lịch bay mất khoảng 3-6 tháng, thậm chí một tháng và hành trình bay khép kín nên việc dồn chuyến như xe “đò” là không có căn cứ. “Không có chuyện dồn chuyến để bán vé giờ chót, bởi chờ 1 phút tại sân bay để lấy thêm được một khách thì tiền thu không bằng chi,” ông Hùng nói.
Phó giám đốc Xí nghiệp Thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất (TIGAS) Phạm Ngọc Tùng khẳng định, không có chuyện dồn chuyến vì lý do thương mại bởi tất cả các chuyến bay của các hãng đều phải đưa dữ liệu vào hệ thống làm thủ tục tự động, khách mua vé vào giờ “chót” không đáng kể nên không có việc dồn khách, dồn chuyến./.