Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến trung tuần tháng 3/2018, tỉnh Kiên Giang đầu tư 59 tàu, gồm đóng mới 38 tàu khai thác hải sản, 14 tàu dịch vụ hậu cần và nâng cấp 7 tàu, với tổng vốn hơn 577 tỷ đồng, trong đó vay tín dụng hơn 410 tỷ đồng.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, đến nay có 48 tàu được ký hợp đồng tín dụng và giải ngân; trong đó đóng mới 30 tàu khai thác hải sản và 14 tàu dịch vụ hậu cần, nâng cấp 4 tàu, với tổng số tiền cam kết cho vay trên 333 tỷ đồng. Đến nay đã có trên 311 tỷ đồng được giải ngân, hạ thủy 40 tàu; trong đó 38 tàu đưa vào khai thác sử dụng.
Ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang phối hợp với các ngành chức năng có liên quan và các địa phương ven biển tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân để chấm dứt tình trạng đưa tàu đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài theo Công điện 732 và Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Ủy ban châu Âu.
Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang triển khai xây dựng đề tài “Nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm trên tàu khai thác, nhằm đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch và công nghệ bảo quản sản phẩm sau đánh bắt.
[Yêu cầu rà soát, kiểm tra chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định 67]
Tỉnh phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang xây dựng đề cương chi tiết dự án “Điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng, đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng trên ngư trường Kiên Giang.”
Tỉnh Kiên Giang có ngư trường rộng hơn 63.000 km², với nhiều năm liền dẫn đầu về sản lượng khai thác hải sản. Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh đạt trên 90.000 tấn, đạt hơn 16% kế hoạch, tăng 4,6% so cùng kỳ năm 2017.
Năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản đạt hơn 548.000 tấn, chiếm gần 20% sản lượng cả nước. Tuy nhiên, chất lượng hải sản còn thấp do phương pháp khai thác đánh bắt, bảo quản sản phẩm chưa phù hợp, trang thiết bị lạc hậu... dẫn đến nguồn thu nhập chưa cao.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao chỉ ra những hạn chế như: Kỹ thuật khai thác và các trang thiết bị trên tàu cá của tỉnh hiện nay chỉ mới cơ giới hóa, chưa tự động hóa; trang bị khai thác chưa chú trọng đến tính chọn lọc ngư cụ, thường sử dụng kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định.
Đặc biệt là hải sản sau khai thác chưa được ngư dân bảo quản đúng cách dẫn đến sản phẩm không đảm bảo chất lượng và tổn thất sau khai thác là khá lớn.
Theo thống kê, nguyên liệu hải sản sau khai thác hiện nay tổn thất lên đến 20%, thậm chí 30% đối với tàu lưới rê.
Cùng với đó, tình trạng cào bờ, xiệp mé, dùng kích điện trong đánh bắt còn diễn ra phổ biến, khai thác không tuân thủ quy định, đánh bắt vào mùa sinh sản, bắt cá nhỏ... dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy sản trên ngư trường.
Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng tỉnh Kiên Giang thanh tra, kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản xử phạt hơn 60 trường hợp vi phạm hơn 1 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm gồm: hoạt động khai thác đánh bắt sai vùng, không giấy phép khai thác theo quy định, sử dụng công cụ cấm để khai thác đánh bắt...
Trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Kiên Giang hiện nay, sẽ giảm cường lực khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường biển, hạn chế đánh bắt gần bờ, tăng khai thác xa bờ, khai thác tầng nổi.
Hiện đại hóa đội tàu, gồm tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, ông Thao nhấn mạnh./.