Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội vừa kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải tạm dừng sản xuất xe giường nằm hai tầng cho đến khi có quy chuẩn về an toàn phương tiện.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, đối với các xe đang hoạt động, cần có biện pháp hoán cải như bỏ giường nằm dãy giữa xe mà chỉ để lại hai dãy, tạo lối đi lại thông thoáng và dễ thoát hiểm. Các xe cần làm thêm một cửa giữa xe để dễ thoát hiểm và có toilet trên xe đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp cải tạo lại thành xe giường nằm một tầng hoặc xe ghế ngồi ngả được chạy trên đường đèo núi.
Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cũng đề nghị nên cấm xe giường nằm theo lộ trình để các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.
Theo ông Bùi Danh Liên, cơ quan chức năng cần kiểm tra lại chất lượng xe giường nằm đã hoán cải như thử tải ở đường đồng bằng, đèo núi bằng phương pháp khoa học, cùng với đó là đo đạc độ lắc bằng thiết bị máy móc hiện đại.
Với tư cách là đơn vị sản xuất xe giường nằm đứng đầu Việt Nam, ông Nguyễn Một, Giám đốc truyền thông Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải (THACO) khẳng định, xe giường nằm do THACO sản xuất đảm bảo an toàn để chạy đường núi và đèo dốc.
Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Một đưa ra con số, từ năm 2006 đến nay, THACO đã bán ra thị trường 2.665 xe giường nằm, trong đó có nhiều xe chạy trên địa hình đồi núi ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và trên các tuyến Quốc lộ có địa hình đèo dốc và theo thống kê thì chưa có trường hợp nào xảy ra sự cố tai nạn do lỗi kỹ thuật. Đặc biệt, trên 90% xe chở hành khách trong những hành trình liên tỉnh cự ly trên 300km (trong đó có những cung đường đèo, dốc) đều sử dụng xe giường nằm.
Bên cạnh đó, do nhu cầu cao về xe giường nằm của thị trường, THACO đã phối hợp với các đối tác nước ngoài nghiên cứu, liên tục cải tiến để đưa các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn khi lưu thông, có kích thước, kết cấu và nhiều tính năng ưu việt phù hợp với đường sá và địa hình Việt Nam như chiều cao, tính ổn định, hệ thống phanh…
“Đặc biệt, phiên bản mới xe giường nằm THACO trong năm 2014 có kết cấu khung gầm và thân xe liền khối giúp xe tăng khả năng chịu lực và giảm được khối lượng khung gầm dẫn đến giảm tự trọng xe đáp ứng Thông tư 32 của Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam. Như vậy, có thể khẳng định, xe giường nằm của THACO đảm bảo tính ổn định khi vận hành và những cung đường đủ tiêu chuẩn cho xe ghế ngồi 47 chỗ lưu thông thì xe giường nằm cũng lưu thông được,” ông Nguyễn Một nói.
Về việc Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ yêu cầu quy định xe khách giường nằm hai tầng không được hoạt động trên đường đèo dốc quanh co miền núi, ông Nguyễn Một bày tỏ quan điểm, việc lo ngại an toàn cho giường nằm chạy đường núi và đèo dốc cần xem xét một cách toàn diện từ tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn an toàn của xe trong đăng kiểm và sản xuất, đến các vấn đề liên quan đến việc điều khiển phương tiện khi giao thông.
Trước nhu cầu hành khách lựa chọn xe giường nằm làm phương tiện đi lại nhiều, dẫn đến việc các doanh nghiệp tham gia sản xuất phương tiện này với nhiều kích thước và kết cấu khác nhau, ông Nguyễn Một cho rằng, không ít xe được cải tạo lại từ xe ghế ngồi thành xe giường nằm, trong khi kỹ thuật sản xuất xe giường nằm phải được tính toán ngay từ khâu thiết kế sản xuất có kích thước, kết cấu và tính năng đặc thù. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát phương tiện về tiêu chuẩn kỹ thuật, tính an toàn, kỹ năng điều khiển phương tiện và quy định các tiêu chuẩn an toàn cho xe giường nằm.
“Nếu có cấm thì chỉ cấm các cung đường ngặt nghèo không đủ tiêu chuẩn giao thông cho dòng xe có chiều dài 12m, kể cả ghế ngồi và giường nằm,” ông Nguyễn Một kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo về Nghị định 86 của Chính phủ về quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô vào ngày 17/9 vừa qua, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, xe khách giường nằm hiện có hơn 4.500 chiếc, theo quy định hiện hành đều được thẩm định, kiểm tra theo tiêu chuẩn, sự an toàn của xe không chỉ do chất lượng phương tiện mà còn phụ thuộc vào đường sá, người lái...
Cụ thể, trong hai năm qua, cả nước đã xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến xe khách giường nằm trong đó, 19 trong số 22 vụ xảy ra từ 21 giờ tối đến 7 giờ sáng và 30% số vụ tai nạn xảy ra trên đường đèo núi, còn lại phần lớn xảy ra trên quốc lộ 1A, đoạn qua miền Trung.
“Qua kiểm tra, các xe gặp tai nạn đều được đăng kiểm, đảm bảo góc nghiêng, sản xuất tại các nhà máy ôtô Trường Hải, nhà máy ôtô 1/5,” ông Hình khẳng định.
Ngoài ra, theo ông Hình, Cục Đăng kiểm đang triển khai thử nghiệm loại xe này để tính tương quan giữa xe với từng loại cung đường. Căn cứ vào kết quả, sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét với từng cung đường, tuyến đường để điều chỉnh lộ trình chạy xe khách giường nằm.
Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm sẽ sửa lại tiêu chuẩn của ôtô khách (trước đây được quy định tại Quy chuẩn QCVN09:2011/BGTVT ban hành theo Thông tư 56/2011/TT-BGTVT ngày 17/11/2011) đặc biệt là xe khách giường nằm theo hướng tăng tính an toàn./.
Vào ngày 1/9 vừa qua, xe khách của Sao Việt loại 2 tầng giường nằm chạy từ hướng Lai Châu về Hà Nội đến km19 Quốc lộ 4D (tính từ thành phố Lào Cai), địa phận giáp ranh giữa xã Trung Trải (Sa Pa) với xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, đã lao xuống vực sâu với toàn bộ hành khách trên xe.
Vụ tai nạn khiến 14 người tử vong và hàng chục người bị thương. Ngay sau vụ tai nạn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu các cơ quan cần đưa vào thông tư quy định xe giường nằm không được hoạt động trên đường miền núi quanh co vì rất dễ nghiêng lật.