Kinh tế Nhật Bản tụt hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, nền kinh tế Nhật Bản tụt một bậc xuống vị trí thứ 9 về năng lực cạnh tranh toàn cầu do nợ công và tình trạng giảm phát.
Kinh tế Nhật Bản tụt hạng về năng lực cạnh tranh toàn cầu ảnh 1Vận chuyển hàng hóa tại cảng Tokyo. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu giai đoạn 2017-2018 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 27/9 cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đã tụt một bậc xuống vị trí thứ chín, trong khi một số nền kinh tế khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên hạng.

Cụ thể theo báo cáo khảo sát 137 nền kinh tế toàn cầu của WEF, Thụy Sỹ, Mỹ và Singapore tiếp tục là ba quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới, với Thụy Sỹ duy trì vị trí đầu bảng năm thứ chín liên tiếp.

Báo cáo của WEF đánh giá năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế dựa trên các yếu tố như tình hình hoạt động của lĩnh vực công, môi trường kinh tế vĩ mô, chất lượng giáo dục và cơ sở hạ tầng.

[Chính phủ Nhật Bản đánh giá nền kinh tế đang hồi phục vừa phải]

Đối với Nhật Bản, việc nước này bị tụt hạng một phần do khoản nợ công quá lớn, tình trạng giảm phát vẫn kéo dài và thị trường lao động thiếu linh hoạt, bất chấp việc chất lượng cơ sở vật chất và trình độ học vấn của lực lượng lao động tại quốc gia này đều ở mức cao.

Trong khi đó, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng từ hạng 9 hồi năm trước lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng năm nay.

Trung Quốc cũng tiến thêm một bậc lên vị trí thứ 27, trong khi thứ hạng của các nền kinh tế mới nổi khác như Malaysia và Thái Lan cũng đều được cải thiện

Nền kinh tế Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí thứ 26 từ báo cáo hồi năm ngoái, giữa bối cảnh những cải thiện về điều kiện kinh tế vĩ mô của nền kinh tế này bị “che khuất” bởi những khó khăn trên thị trường lao động và lĩnh vực tài chính.

WEF nhận định rằng thị trường việc làm cứng nhắc đang trở thành gánh nặng của kinh tế Hàn Quốc, đồng thời đưa ra lời khuyên nền kinh tế lớn thứ tư châu Á cần nỗ lực lấy lại động lực cải cách trong lĩnh vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.