Kỳ tích sản phụ bị tim bẩm sinh phức tạp từ nhỏ sinh con thành công

Bệnh nhân Nguyễn Thị Hiền, 35 tuổi, ở Hải Dương, bị tim bẩm sinh phức tạp từ nhỏ sinh con thành công được coi là một kỳ tích, bởi mức độ phức tạp và nguy hiểm của căn bệnh này.
Kỳ tích sản phụ bị tim bẩm sinh phức tạp từ nhỏ sinh con thành công ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN phát)

Ngày 17/4, thông tin từ Bệnh viện E cho biết, các bác sỹ tim mạch và sản khoa của Bệnh viện đã giúp một sản phụ bị tim bẩm sinh phức tạp từ nhỏ sinh con thành công.

Giáo sư-tiến sỹ Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, cho biết bệnh nhân Nguyễn Thị Hiền (35 tuổi, ở Hải Dương) bị tim bẩm sinh phức tạp từ nhỏ (thất phải hai đường ra, đảo gốc động mạch, teo phổi, thiểu sản tâm thất phải) sinh con thành công được coi là một kỳ tích, bởi mức độ phức tạp và nguy hiểm của căn bệnh này sẽ khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong cao, chứ đừng nghĩ tới việc lấy chồng và có con.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Hiền đến khám và điều trị tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cách đây sáu năm trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, tức ngực, môi và đầu chi tím tái. Bệnh nhân không thể làm việc được, thậm chí nếu cố gắng làm việc bệnh nhân thường xuyên bị ngất xỉu.

Sau khi thăm khám và cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sỹ Trung tâm tim mạch chẩn đoán bệnh nhân này mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp từ nhỏ với thất phải hai đường ra, đảo gốc động mạch, teo phổi, thiểu sản tâm thất phải… cần được phẫu thuật.

Theo bệnh nhân này cho biết, vì mắc bệnh tim bẩm sinh rất nặng, nên bệnh nhân đã bị một số bệnh viện đã “từ chối” phẫu thuật vì nguy cơ tử vong cao. Tuy vậy, các bác sỹ Trung tâm tim mạch vẫn quyết định phẫu thuật giành lại sự sống cho bệnh nhân.

[Công bố triển khai thành công nút mạch cầm máu sau sinh ở Việt Nam]

Tiến sỹ, bác sỹ Đỗ Anh Tiến, Phó khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực - Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, cho biết ngày 27/8/2013, khi bệnh nhân 29 tuổi, các bác sỹ tiến hành phẫu thuật Glenn 2 hướng.

Ca mổ diễn ra thuận lợi, bệnh nhân phục hồi tốt. Vì thế, một năm sau, các bác sỹ Trung tâm tim mạch quyết định phẫu thuật Fontan cho bệnh nhân.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân không còn bị tím tái, cơ thể hết mệt mỏi, trở lại cuộc sống và lao động bình thường.

Tiến sỹ Tiến cho biết bệnh tim bẩm sinh một thất là một bệnh phức tạp, với tỷ lệ mắc chiếm 8-10% trên tổng số ca mắc tim bẩm sinh và tỷ lệ phẫu thuật thành công lên đến 96%.

Đến nay, nhờ tiến bộ y học, các bác sỹ đã có thể điều trị, trả lại cuộc sống khỏe mạnh gần như bình thường cho bệnh nhân mắc căn bệnh này.

Tuy nhiên, việc theo dõi bệnh nhân sau phẫu thuật rất cần thiết để tránh những biến chứng và nguy cơ. Vì thế, trong sáu năm liên tục, các bác sỹ Trung tâm tim mạch đã theo dõi sự tiến triển của bệnh nhân sau phẫu thuật, khả năng phục hồi cũng như các biến chứng lâu dài.

“Đáng mừng, trong thời gian nay, bệnh nhân đã lập gia đình và có thai. Trong quá trình mang thai, các bác sỹ tim mạch phải chỉnh thuốc để không ảnh hưởng thai nhi. Với người phụ nữ bình thường khi có thai, quả tim hoạt động tăng lên gấp nhiều lần để đảm bảo quá trình hô hấp cũng như trao đổi chất cho sự phát triển của thai nhi. Nhưng đối với bệnh nhân này, do quả tim chỉ có một tâm thất nên tần suất hoạt động nhiều hơn so với các sản phụ bình thường, sẽ khiến sản phụ rơi vào tình trạng mệt mỏi quá sức, tổn hao sức khỏe và có thể đối mặt với nguy cơ tử vong," tiến sỹ Tiến cho biết.

Rất may mắn cho sản phụ khi đã được các bác sỹ tim mạch, sản khoa phối hợp với nhau để theo dõi, thăm khám định kỳ và tư vấn kịp thời, đầy đủ.

Thậm chí, sáu tháng cuối của thai kỳ, bệnh nhân phải trọ gần Bệnh viện E để tiện cho việc theo dõi thai kỳ. Ngày 14/4, bệnh nhân Nguyễn Thị Hiền đã mổ sinh thành công một bé trai nặng 3,1kg tại khoa Phụ sản.

Theo thống kê, thời gian gần đây, số lượng phụ nữ có thai bị bệnh tim và thai nhi có bệnh lý tim bẩm sinh đến khám và theo dõi tại bệnh viện tăng gấp nhiều lần. Trung bình mỗi tháng có khoảng 15-20 ca (sản phụ mắc bệnh tim và thai nhi mắc tim bẩm sinh)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục