Làm gì để phòng chống các bệnh trong thời tiết giao mùa?

Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, lây lan, do đó cần chủ động phòng bệnh nhất là ở người cao tuổi, trẻ nhỏ, người có bệnh nền, mãn tính.
Làm gì để phòng chống các bệnh trong thời tiết giao mùa? ảnh 1Lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhi. (Ảnh: Hương Thu/TTXVN)

Thấy con đau đầu, đau họng, sốt, nhức mỏi người, chị Nguyễn Thị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) mua thuốc kháng sinh và chống viêm về cho con uống. Ba ngày sau, cháu bé không đỡ, sốt cao, chị cho con tới Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Kết quả xét nghiệm, cháu bé nhiễm cúm B.

“Bác sỹ dặn về cho con xúc họng bằng nước muối hằng ngày, uống thêm vitamin, uống nhiều nước và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, chứ không cho dùng thuốc,” chị Hoa kể.

Thời tiết đang nồm ẩm chuyển sang lạnh khô đã khiến nhiều trẻ nhỏ đổ bệnh. Hai hôm trước con anh Trần Chí Kiên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chỉ khò khè, sốt nhẹ, nhưng khi đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám, sau khi chụp X-quang, cháu đã bị viêm phế quản.

Trẻ em, người cao tuổi nhập viện tăng cao

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Trưởng khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương, những ngày gần đây, thời tiết tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc thay đổi thất thường, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi khiến các bệnh lý về hô hấp, đặc biệt là hen phế quản ở trẻ em tăng cao.

Trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận khoảng 60-80 bệnh nhi đến khám, tuy nhiên thời gian gần đây có ngày khoa tiếp nhận lên đến hơn 100 bệnh nhi (tăng từ 30%-50%), trong đó có rất nhiều trẻ đến khám vì ho, thở khò khè, thở rít, hen phế quản.

[Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ nhỏ mắc bệnh hô hấp tăng cao]

Chỉ tính riêng trong 5 ngày (27-31/3), đã có hơn 120 trẻ đến khám được chẩn đoán mắc bệnh hen, 10% trong số đó phải nhập viện điều trị, có những trường hợp nhập viện trong tình trạng cấp cứu vì lên cơn hen cấp mức độ nặng, gây khó thở nhiều, thở rít, phải được hỗ trợ thở oxy và sử dụng thuốc giãn phế quản để cắt cơn hen.

Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, hiện có 250 bệnh nhân đang điều trị nội trú, phần lớn là bệnh nhân mắc các bệnh lý về hô hấp, viêm phổi, đột quỵ.

Theo các bác sỹ, sự thay đổi thời tiết đột ngột là yếu tố nguy cơ đối với các bệnh lý đường hô hấp. Đặc biệt là đối với các trường hợp có sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh nền, điển hình như hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, giãn phế quản... rất dễ tổn thương khi thời tiết giao mùa.

Bên cạnh đó, môi trường sống có chứa rất nhiều chất độc hại, ô nhiễm, càng tạo điều kiện cho các yếu tố nguy cơ phát huy tác nhân gây bệnh.

Những đối tượng dễ mắc bệnh trong thời kỳ giao mùa

Trẻ nhỏ: Đối với trẻ nhỏ đa số hệ miễn dịch chưa hoàn thiện sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Trẻ khi mắc bệnh dễ diễn biến nặng hơn người lớn.

Người cao tuổi: Người cao tuổi thường có sẵn các bệnh lý mạn tính như bệnh lý hô hấp, đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận làm hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, bệnh gặp ở người cao tuổi thường nặng hơn người trẻ rất nhiều. Thay đổi thời tiết dễ làm khởi phát bệnh lý có sẵn ở người cao tuổi.

Phụ nữ mang thai: Khi mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai nghén rất dễ bị dị tật cho thai nhi. Ngay cả khi mắc bệnh, thai phụ cũng thường ngại dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi, khiến bệnh kéo dài và cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, việc phòng bệnh là ưu tiên hàng đầu với thai phụ.

Những bệnh thường gặp trong thời tiết giao mùa

Cảm cúm

Giao mùa là lúc nhiệt độ thay đổi, nóng lạnh, nắng mưa bất thường nên nếu hệ miễn dịch yếu, trẻ em và người cao tuổi rất dễ mắc bệnh. Đặc biệt vào giao mùa thu, không khí lúc ẩm, lúc hanh khô có thể khiến cho các loại virus gây bệnh sinh sôi mạnh. Đây là khoảng thời gian cơ thể rất khó thích nghi với thời tiết, và cảm cúm dễ xảy ra.

Nếu thấy hiện tượng chảy nước mắt, nước mũi, hắt xì liên tục, đau đầu chóng mặt, có thể nghĩ đến khả năng mình đã mắc bệnh này. Hơn hết, để phòng ngừa, hãy ăn uống đầy đủ chất, uống nhiều nước, tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng, rửa tay nhiều lần để loại trừ mầm bệnh lây lan, nơi ở thoáng mát, sạch sẽ để tránh vi khuẩn, virus trú ngụ.

Viêm phổi

Khí hậu hanh khô khi chuyển thu hay lạnh giá vào mùa đông, hoặc thời tiết nồm ẩm, phổi rất dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là trẻ em. Khi phổi bị viêm, các phế nang bị tổn thương khiến dưỡng khí không thể đi vào máu do đó làm cho cơ thể, đầu tiên là vùng não bị thiếu dưỡng khí. Bệnh viêm phổi vẫn có thể có những biến chứng rất nặng dẫn tới tử vong.

Làm gì để phòng chống các bệnh trong thời tiết giao mùa? ảnh 2 Trẻ đến khám bệnh tại bệnh viện gia tăng do thời tiết giao mùa. (Ảnh: TTXVN phát)

Triệu chứng hay gặp nhất là bệnh nhân có những biểu hiện của bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, dấu hiệu ho khan, ho khạc đờm, đờm màu trắng đục, màu xanh, vàng… đôi khi ho ra máu. Người mắc còn có thể có hiện tượng tức ngực, sốt, khó thở, nhịp tim nhanh.

Khi có những dấu hiệu như trên và thấy dấu hiệu sức khỏe yếu đi, mệt mỏi… đặc biệt nặng ngực cần phải đi đến các cơ sở y tế để các bác sỹ thăm khám, chẩn đoán bệnh. Hơn hết, để phòng tránh bệnh viêm phổi, các bác sỹ đưa ra lời khuyên cần chú ý rèn luyện sức khoẻ để tăng cường sức đề kháng. Với trẻ em, cần mặc đủ ấm, ăn đủ chất trong những ngày chuyển mùa.

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ cũng là loại bệnh thường xảy ra trong lúc giao mùa do vi khuẩn, virus tranh thủ xâm nhập vào cơ thể khi chưa kịp thích nghi. Đau mắt đỏ sẽ gây cho bệnh nhân những khó chịu vùng mắt: mắt đỏ ngầu, nước mắt giàn giụa, sưng nhức mắt… Và đặc biệt, khiến người mắc không thể tự tin khi giao tiếp.

Để phòng tránh, phải chú ý giữ vệ sinh cá nhân và nơi sinh hoạt. Do bệnh dễ lây nên tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Không dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh dụi mắt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đồng thời nên đeo kính khi ra ngoài, nhỏ mắt hằng ngày, giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng. Nếu mắc bệnh cần nghỉ 7-10 ngày để cách ly và điều trị dứt điểm, tránh lây lan sang người khác.

Dị ứng da

Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cùng sự sụt giảm độ ẩm không khí là tác nhân gây ra các chứng bệnh da liễu như khô nẻ, da dị ứng, mẩn đỏ… Biểu hiện bệnh thường là da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy gây khó chịu.

Để phòng bệnh, có thể bôi kem dưỡng da để cung cấp độ ẩm cho da. Ngoài ra, cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ ấm cơ thể hàng ngày… Hơn hết, khi chưa tìm rõ nguyên nhân dị ứng, nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.

Đau xương khớp

Thời tiết thay đổi cũng là nguyên nhân gây đau xương khớp. Bệnh nhân không chỉ bị đau, sưng tấy các khớp tay, chân mà người bệnh còn bị viêm nhiều khớp khác trên cơ thể. Các khớp viêm bị sưng, nóng, đỏ, đau, khó cử động.

Tình trạng khớp bị cứng, khó cử động thể hiện rõ nhất vào sáng sớm và có thể kéo dài hàng giờ. Cùng với các triệu chứng tại khớp là hiện tượng toàn thân như sốt, mệt mỏi, người xanh xao, gầy sút.

Người bị bệnh đau xương khớp phải chú ý phòng rét và mặc cho ấm, nhất là sau khi ra mồ hôi, không nên tắm bằng nước lạnh.

Suy tim

Những người có bệnh lý về tim mạch thường tái phát vào thời điểm giao mùa. Nguyên nhân là khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể phải tìm cách thích ứng với sự biến đổi khí hậu, từ đó có thể làm quá tải hệ thống tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng cho tim mạch, đặc biệt là suy tim.

Để phòng ngừa bệnh tim mạch, nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh, hoa quả, tôm cá, và rất hạn chế ăn thịt mỡ, hạn chế chất béo có hại, không hút thuốc và sử dụng các chất kích thích như bia, rượu.

Viêm xoang

Viêm xoang là bệnh lý khá phổ biến ở nước ta. Nhất là vào mùa thu, khi độ ẩm không khí thấp, hanh khô tăng cao khiến niêm mạc mũi bong, gây hắt hơi, sổ mũi, đau nhức mũi kéo theo đau đầu, đau tai, đau ngứa họng.

Tuy không quá nguy hiểm nhưng viêm xoang lại là một trong những căn bệnh khó chữa dứt điểm, gây khó chịu và phiền toái nhất cho người bị bệnh.

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, người bị viêm xoang cần hạn chế ăn đồ lạnh, mặc phong phanh và ra ngoài phải có khẩu trang…

Một số cách phòng tránh các loại bệnh giao mùa

- Giữ cho cơ thể khỏe mạnh bằng cách tăng cường vận động để nâng cao thể trạng.
- Ăn đầy đủ chất và các nhóm chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, nhất là các thức ăn có nhiều vitamin; rau xanh, hoa quả tươi.
- Tiêm phòng vắcxin cúm đầy đủ.
- Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở thông thoáng, ít bụi bẩn.
- Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, nếu dùng tay che miệng thì nên rửa sạch với xà phòng.
- Đeo khẩu trang, tránh tụ tập nơi đông người khi có dịch.
- Giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh
- Khi có biểu hiện bất thường cần được khám và tư vấn của bác sỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục