Trong đại dịch COVID-19, bệnh viện là nơi được xem là nơi “dễ tổn thương” nhất vì là nơi điều trị rất nhiều các thể bệnh khác nhau, trong đó có những người có bệnh nền nặng.
Đặc biệt, khi biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh đã xuất hiện tại Việt Nam, việc bảo vệ “thành trì” này lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì những người đang có bệnh nặng, đang điều trị ở bệnh viện mà nhiễm thêm COVID-19 thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao.
Thực hiện Nghị quyết Nghị quyết số 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” các bệnh viện và cả người đến khám chữa bệnh phải làm gì để thực sự an toàn tại bệnh viện, góp phần hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch xâm nhập?
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, khi thay đổi theo chiến lược thích ứng, an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch, chúng ta xác định phải sống chung với dịch. Chính vì vậy, các bệnh viện cũng phải thay đổi theo và phải có biện pháp để thích ứng với tình hình mới.
- Xin ông cho biết, các bệnh viện cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ như thế nào để hạn chế nguy cơ dịch xâm nhập, nhất là trong thực hiện chiến lược thích ứng, an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch của Chính phủ?
Tiến sỹ Nguyễn Trọng Khoa: Ngay từ đầu, Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, các tiêu chí đánh giá bệnh viện an toàn trong phòng, chống COVID-19; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện bảo đảm bệnh viện an toàn. Tuy nhiên, khi thay đổi theo chiến lược thích ứng, an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch, chúng ta xác định phải sống chung với dịch. Chính vì vậy, bệnh viện cũng phải thay đổi theo và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ để hạn chế nguy cơ dịch xâm nhập.
Các bệnh viện phải thực hiện nghiêm quy trình rà soát, sàng lọc, đặc biệt là triển khai xét nghiệm để sàng lọc những đối tượng nguy cơ như người bệnh nằm viện, người nhà chăm sóc, đến thăm người bệnh, nhân viên y tế và lực lượng cung ứng các dịch vụ cho bệnh viện... Đối với nhóm đối tượng nguy cơ cao như người đang chạy thận nhân tạo, điều trị các bệnh ung thư hoặc trong các đơn vị hồi sức thì tần suất xét nghiệm và mức độ sàng lọc cũng phải cao hơn những nhóm đối tượng khác.
Trong trường hợp có ca nhiễm trong bệnh viện, dù là người bệnh, người nhà hoặc nhân viên y tế thì các bệnh viện phải có cách xử lý rất chính xác để khoanh vùng, cách ly ngay những trường hợp nhiễm.
[Bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở Việt Nam đã được ra viện]
Đó là khoanh vùng ngay những đơn vị có người tiếp xúc, những khoa phòng có ca mắc COVID-19, từ đó tiến hành các biện pháp bóc tách rồi khoanh vùng, cách ly, phong tỏa một số đơn vị trong bệnh viện nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động của bệnh viện bình thường. Đây là một thách thức và các bệnh viện phải có quy trình để xử lý một cách khoa học, vừa bảo đảm được bệnh viện an toàn nhưng vẫn duy trì được các hoạt động của bệnh viện.
Đối với từng bệnh viện, khi có ca bệnh xâm nhập, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đều có chỉ đạo, hướng dẫn phương pháp xử lý khi có ổ dịch xảy ra. Tuy vậy, các bệnh viện cũng cần có các phương án sẵn sàng để giải quyết khoa học nhất, chính xác nhất, hạn chế thiệt hại cho bệnh viện.
- Bước sang giai đoạn thích ứng linh hoạt, hiệu quả với COVID-19, xin ông cho biết, công tác phòng, chống COVID-19 trong bệnh viện có gì khác so với giai đoạn “Zero COVID.”
Tiến sỹ Nguyễn Trọng Khoa: Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là khi chuyển sang giai đoạn thích ứng linh hoạt sẽ có nhiều hơn các ca mắc trong cộng đồng và nguy cơ dịch xâm nhập bệnh viện cao hơn so với giai đoạn áp dụng hình thức giãn cách hay “Zero COVID.” Vì người bệnh đến từ nhiều nơi, người nhà chăm sóc người bệnh cũng đến từ nhiều nơi, nhân viên y tế cũng sống ở trong cộng đồng, hàng ngày vẫn đi làm bình thường. Cho nên việc xảy ra các ca bệnh COVID lọt vào bệnh viện là rất khó tránh.
Vì thế, các bệnh viện đều phải củng cố lại công tác sàng lọc để phát hiện sớm, giảm thiệt hại. Đồng thời, phải thực hiện nhuần nhuyễn và chính xác quy trình xử lý các ổ dịch khi xảy ra ở bệnh viện, bảo vệ người bệnh trong bệnh viện.
Về vấn đề này, Bộ Y tế tiếp tục có chỉ đạo rà soát lại toàn bộ người bệnh đang nằm viện và chủ động tiêm đầy đủ vaccine cho những người chưa tiêm, đặc biệt ưu tiên những người có bệnh mãn tính (bệnh nền) để giảm nguy cơ tăng nặng và tử vong.
- Qua đi kiểm tra thực tế tại các bệnh viện, ông thấy các bệnh viện đã thực hiện công tác phòng, chống dịch như thế nào, thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Trọng Khoa: Các bệnh viện đã trải qua thời gian rất dài để phòng ngừa và bảo vệ an toàn bệnh viện trong dịch COVID-19. Điều này không hề đơn giản và cũng thực sự là thách thức và gánh nặng của bệnh viện khi triển khai hoạt động mang tính thường quy lâu dài như vậy trong suốt hai năm vừa qua.
Khó khăn đối với các bệnh viện là trong hai năm qua phải duy trì quy trình sàng lọc đối với người bệnh khi vào điều trị nội trú, khám ngoại trú và thực hiện các thủ thuật thường quy định kỳ như: Chạy thận nhân tạo, xạ trị hay là đến để thực hiện các liệu pháp điều trị định kỳ cho những người cần phải điều trị và phẫu thuật...
Bên cạnh việc khai báo y tế, sàng lọc, triển khai các biện pháp bệnh viện an toàn thì việc xét nghiệm cũng là một thách thức về nguồn lực khi phải làm thường xuyên, liên tục. Để tháo gỡ việc này, hiện chúng tôi đang tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới để vẫn cùng nguồn lực ấy nhưng được sử dụng có hiệu quả nhất, bảo đảm bệnh viện an toàn.
Tuy nhiên, cùng với tất cả các hoạt động trên, chúng tôi vẫn cho rằng khi một bệnh viện có ca bệnh xâm nhập thì phải coi đây là việc khó tránh khỏi để có cách ứng xử phù hợp.
Các bệnh viện phải có kịch bản tình huống để xử lý thật nhanh gọn, hạn chế những thiệt hại đối với người bệnh và hoạt động của bệnh viện để có thể duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch đã lây lan trong cộng đồng.
- Hiện nay, theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, có tới hơn 80% số ca bệnh không có triệu chứng, vì vậy việc phòng, chống dịch trong bệnh viện càng trở nên khó khăn hơn. Theo ông, các bệnh viện cần sẵn sàng như thế nào?
Tiến sỹ Nguyễn Trọng Khoa: Thứ nhất, các bệnh viện phải có quy trình đánh giá nguy cơ cho từng nhóm đối tượng, từng bộ phận trong bệnh viện để có phương án cụ thể.
Thứ hai, phải có kế hoạch tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho một số nhóm đối tượng theo tần suất khác nhau để nếu chẳng may có những ca xâm nhập thì phát hiện sớm và khoanh vùng được ngay.
Khi có ca bệnh xâm nhập, chúng ta có thể phải phong tỏa một vài khoa, nhưng phải hạn chế biện pháp phong tỏa toàn bệnh viện. Như thế, sẽ vẫn duy trì được hoạt động bởi bệnh viện là thành trì cuối cùng rồi, nếu bệnh viện bị phong tỏa nữa thì bệnh nhân cũng không biết trông vào đâu. Cho nên các bệnh viện phải luôn chủ động trong việc này.
Đặc biệt, chúng tôi cũng đã có rất nhiều các trao đổi, cũng như các văn bản hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm sàng lọc, xử lý các ổ dịch ở bệnh viện khác nhau để các bệnh viện có những kịch bản phù hợp nhất cho từng tình huống khi có sự việc xảy ra.
- Thưa ông, hiện nay thì không chỉ có những bệnh viện chuyên về truyền nhiễm mà các bệnh viện tuyến huyện cũng phải sẵn sàng để tiếp nhận những ca F0 thể nhẹ, thể vừa. Vậy thì các bệnh viện cần phải lưu ý điều gì trong việc phòng, chống nhiễm khuẩn; tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện?
Tiến sỹ Nguyễn Trọng Khoa: Chúng tôi cũng thấy rằng, bệnh viện huyện đang đóng một vai trò hết sức quan trọng. Thông thường, một huyện chỉ có một bệnh viện huyện phục vụ cho khám chữa bệnh ngoại trú và điều trị nội trú những bệnh cơ bản cho người dân. Vì thế, trong dịch COVID-19, bệnh viện huyện phải thực hiện một lúc rất nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Đó là phải đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh bình thường; Đồng thời sẵn sàng chuyển đổi, thu dung điều trị bệnh nhân trong trường hợp có dịch trên địa bàn. Các bệnh viện huyện còn có nhiệm vụ chỉ đạo trạm y tế triển khai các kế hoạch về thiết lập các trạm y tế lưu động, quản lý F0 tại nhà.
Ngoài ra, bệnh viện huyện còn phải chủ động nâng cao năng lực, để không chỉ điều trị những ca nhẹ mà trong một số tình huống phải điều trị cả những trường hợp nặng phải thở oxy. Vì vậy, bệnh viện huyện phải chủ động thiết lập hệ thống oxy, cung ứng oxy và các biện pháp hỗ trợ oxy cho bệnh nhân như thở máy không xâm nhập, oxy mask, oxy ống kính... để đảm bảo điều trị được một số ca nặng, không dồn lên tuyến trên.
Ngoài ra, trong thời kỳ chưa có dịch, các bệnh viện phải chủ động đưa cán bộ y tế, đặc biệt là những cán bộ có năng lực về hồi sức, truyền nhiễm, nội khoa lên bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện trung ương tham gia điều trị COVID-19 nhằm tiếp nhận các kỹ thuật như thở máy, thở oxy, hệ thống hồi sức... để khi dịch xảy ra trên địa bàn không bị động.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!