Vụ hai cháu bé trong một gia đình ở Hà Nội tử vong do bệnh Whitmore vừa qua đang khiến nhiều người dân hoang mang, lo sợ căn bệnh nguy hiểm này có khả năng lây nhiễm từ người sang người và gây thành dịch.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, người dân không nên quá lo lắng vì bệnh Whitmore không gây thành dịch và khó có thể lây trực tiếp từ người sang người.
Tuy là một bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nhưng cách phòng bệnh lại rất đơn giản là ăn chín, uống sôi, vệ sinh cá nhân đảm bảo và có đồ bảo hộ khi tiếp xúc môi trường bùn đất…
Hiện đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh ít gặp, không gây thành dịch nhưng tỷ lệ tử vong cao
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thành phố Hà Nội Khổng Minh Tuấn, bệnh Whitmore, là một bệnh truyền nhiễm trên người và động vật.
Có thông tin cho rằng, đây là bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” nhưng thực chất, bệnh Whitmore là một bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn thông thường bởi một vi khuẩn Gram âm có tên khoa học là Burkholderia pseudomallei (B. pseudomallei).
Bệnh có khả năng điều trị và đáp ứng tốt bằng kháng sinh.
Bệnh lưu hành tại các nước có khí hậu nhiệt đới như miền Bắc Australia, Đông Nam Á.
Con người và động vật mắc bệnh do tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei qua các vết xây xước ngoài da hoặc hít phải giọt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn.
Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh tình thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận, bệnh thalassemia (bệnh thiếu máu tán huyết bẩm sinh), bệnh ung thư, các tình trạng suy giảm miễn dịch không liên quan đến HIV, bệnh phổi mãn tính (COPD).
“Bệnh Whitmore rất ít khi lây truyền từ người sang người mà chủ yếu lây truyền từ môi trường đất, nước bề mặt bị ô nhiễm. Một số loài động vật cũng dễ bị bệnh, bao gồm: cừu, dê, lợn, ngựa, mèo, chó, gia súc," Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thành phố Hà Nội cho biết.
Bệnh gặp ở tất cả các độ tuổi, cả ở nam và nữ.
Tuy nhiên, những người có nghề nghiệp thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Ngoài ra, những người có các bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch dễ bị mắc bệnh, diễn biến trầm trọng và nguy cơ tử vong cao hơn.
Thời gian ủ bệnh từ khi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh đến khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh không được xác định rõ ràng, có thể từ một ngày đến nhiều năm, trung bình từ 2-4 tuần sau khi tiếp xúc.
Bệnh tiến triển nhanh, biểu hiện lâm sàng đa dạng
Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng bao gồm: sốt, nhiễm trùng cục bộ, nhiễm trùng lan tỏa.
Sốt có thể theo cơn, kèm theo lạnh run, hoặc sốt kéo dài. Kèm theo sốt là các triệu chứng như ho, đau ngực, đau đầu, đau cơ hoặc khớp và chán ăn.
Khi diễn biến nặng, bệnh nhân có thể bị viêm đường tiết niệu, viêm phổi, loét da, suy hô hấp, áp xe ở gan, lách, nhiễm nhiễm trùng máu và suy đa phủ tạng.
Bệnh Whitmore có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác như bệnh lao hoặc các dạng viêm phổi.
Bệnh Whitmore có thể được phân loại thành nhiễm trùng cấp tính hoặc cục bộ, nhiễm trùng phổi cấp tính, nhiễm trùng máu cấp tính hoặc nhiễm trùng lan tỏa, đôi khi là người lành mang trùng (nhiễm vi khuẩn gây bệnh nhưng không có biểu hiện lâm sàng).
Nhiễm trùng cục bộ: hình thức này thường biểu hiện dưới dạng nốt sần, loét hoặc áp xe da, có thể có sốt và đau cơ. Diễn biến có thể tại chỗ hoặc có thể tiến triển nhanh gây nhiễm trùng huyết.
Nhiễm trùng phổi: đây là hình thức phổ biến nhất của bệnh với hình ảnh lâm sàng là viêm phế quản nhẹ đến viêm phổi nặng.
[Vi khuẩn gây bệnh Whitmore tồn tại ở những đâu trong môi trường?]
Ban đầu là sốt cao, nhức đầu, chán ăn và đau nhức cơ, đau ngực, có thể có ho khan và ho có đờm. Tổn thương hang có thể được nhìn thấy trên X-quang ngực, tương tự như hang trong bệnh lao phổi.
Nhiễm trùng huyết: những bệnh nhân có bệnh mãn tính như bệnh đái tháo đường và suy thận có nhiều khả năng diễn biến nhiễm trùng huyết, dẫn đến sốc nhiễm khuẩn.
Các triệu chứng của nhiễm trùng huyết bao gồm sốt, nhức đầu, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp, đau cơ và mất phương hướng. Đây thường là một bệnh nhiễm trùng khởi phát nhanh và áp xe có thể xuất hiện trên khắp cơ thể, đáng chú ý nhất là ở gan, lá lách hoặc tuyến tiền liệt.
Nhiễm trùng lan tỏa: biểu hiện với sự hình thành áp xe ở các cơ quan khác nhau của cơ thể, bao gồm gan, phổi, lá lách và tuyến tiền liệt, da, não; có hoặc không liên quan đến nhiễm trùng huyết.
Nhiễm trùng lan tỏa có thể gặp trong cả nhiễm trùng cấp tính hoặc mãn tính. Các dấu hiệu kèm theo có thể là sốt, giảm cân, đau dạ dày hoặc đau ngực, đau cơ, khớp, đau đầu hoặc co giật.
Chẩn đoán bệnh Whitmore dựa vào các yếu tố dịch tễ như có tiền sử tiếp xúc với đất, nước, bụi, kèm theo là các dấu hiệu lâm sàng như trên và có kết quả xét nghiệm định danh vi khuẩn B. pseudomallei từ các mẫu bệnh phẩm (máu, nước tiểu, đờm, tổn thương da hoặc áp xe trên bệnh nhân).
Điều trị căn nguyên gây bệnh Melioidosis bằng sử dụng các kháng sinh nhạy cảm với các chủng vi khuẩn B. pseudomallei.
Kèm theo đó là điều trị các triệu chứng, các biến chứng và chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe người bệnh.
Các biện pháp phòng tránh
Các chuyên gia y tế lưu ý, hiện chưa có vaccine phòng bệnh Whitmore.
Để chủ động phòng bệnh, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.
2. Những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao (những người có vết thương ngoài da, những người mắc mãn tính như đái tháo đường, bệnh thận mãn tính, người có tình trạng suy giảm miễn dịch, người già và trẻ em) cần sử dụng giày, dép và găng tay.
3. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, cần sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh sau khi tiếp xúc.
4. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời./.