“Bánh chưng luộc nước giếng thần, thơm ngon mùi vị có phần trời cho.” Câu ca này từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân Bờ Đậu - một trong 5 làng làm bánh chưng nổi tiếng nhất khu vực miền Bắc mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Học nhau xây thương hiệu
Năm nào cũng vậy, từ Rằm tháng Chạp cho đến 30 Tết, các gia đình chuyên làm bánh chưng ở làng Bờ Đậu lại thức trắng đêm bên những nồi bánh nghi ngút khói thơm nồng mùi gạo nếp, đỗ xanh, lá dong xanh.
Làng bánh chưng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 8km. Điểm làm bánh chưng tấp nập nhất là ngã ba Bờ Đậu, đây được coi là nơi trung chuyển, giao thương của các tỉnh miền Bắc.
Chia sẻ về nguồn gốc của làng bánh chưng Bờ Đậu, bà Nguyễn Thị Bích Liên, Trưởng ban làng nghề cho biết, bánh chưng Bờ Đậu có lịch sử từ những năm 1960. Người khai tổ ra nghề làm bánh là cụ Nguyễn Thị Đấng, người ở xã Cổ Lũng.
Theo các cụ kể lại, quán bánh của cụ Đấng ngày trước nằm đơn sơ dưới gốc cây Phượng thuộc xóm Bò Đậu [nay gọi là Bờ Đậu-PV] nhưng lúc nào cũng đông khách. Khách đến ăn, rồi tấm tắc khen ngon. Đến lúc về già, cụ truyền lại nghề cho các con cháu.
“Trước đây, người dân làng Bờ Đậu chỉ gói bánh chưng vào dịp Tết để thờ cúng ông bà tổ tiên. Về sau, thấy nghề làm bánh mang lại cho nhiều hộ gia đình cuộc sống sung túc hơn, người nọ học người kia cùng làm rồi đem bánh ra đường bán, từ đấy nghề làm bánh chưng Bà Đậu được nhân rộng khắp vùng,” bà Liên thành thật.
Trước khi có làng nghề bánh chưng, người dân xã Cổ Lũng chủ yếu làm nông nghiệp, trồng lúa, trồng chè. Các hộ gia đình đa số sống trong cảnh nhà tranh, vách đất. Nhờ có nghề làm bánh chưng, dần dần cuộc sống của người dân vươn lên thoát nghèo.
Với lịch sử hơn 50 năm duy trì và phát triển, bánh chưng Bờ Đậu đã khẳng định được thương hiệu và trở thành một trong 5 làng bánh chưng nổi tiếng nhất miền Bắc.
Kỹ nghệ gói bánh bằng tay
Những ngày cuối năm đến thăm làng bánh chưng Bờ Đậu có thể cảm nhận rõ không khí Tết đang gõ cửa từng nhà. Trong từng hộ gia đình, người người tất bật làm bánh, bên cạnh những nồi bánh chưng bốc khói nghi ngút, tỏa mùi thơm đậm đà.
Làng bánh chưng Bờ Đậu nổi lửa quanh năm, nhưng nhộn nhịp, tấp nập nhất là vào những ngày giáp Tết. Có dịp tìm hiểu về bánh chưng Bờ Đậu, vị khách trẻ mới tận mắt thấy hết những nét độc đáo, tinh hoa qua từng công đoạn làm nên chiếc bánh chưng vuông hình sắc cạnh.
Anh Đỗ Văn Công - người gắn bó với nghề làm bánh chưng 20 năm nay cho biết, khác với những nơi làm bánh chưng khác, làng bánh chưng Bờ Đậu không sử dụng khuôn để gói mà người dân đều gói bằng tay.
Theo anh Công, việc gói bằng tay có thể điều chỉnh chiếc bánh thật chặt, vuông đều 8 cạnh bằng nhau. Khi cho bánh vào luộc sẽ không bị méo mó, hay căng phồng, mà chiếc nào cũng vuông thành sắc cạnh, nếp dẻo, mùi thơm nồng.
Chia sẻ về kỹ thuật gói bánh để tạo nên những nét độc đáo riêng biệt, bà Nguyễn Thị Tâm - một trong những gia đình có truyền thống gói bánh lâu năm nhất ở làng Bờ Đậu, cho biết đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn từ việc lựa chọn nguyên liệu và sự khéo léo qua đôi bàn tay của người thợ.
Theo kinh nghiệm của bà Tâm, nguyên liệu để làm bánh chưng phải là gạo nếp có nguồn gốc từ vùng miền núi. Hạt gạo này mẩy tròn, trắng tinh, sau khi đãi lọc qua ba lần nước rồi để ráo. Đỗ làm nhân phải là đậu xanh nguyên lõi, vỏ mỏng, vàng tươi, dẻo và có vị thơm tự nhiên.
Đỗ xanh sau khi mua về sẽ được đãi sạch và đồ chín sau đó vắt thành từng phần nhỏ cho vào giữa lòng chiếc bánh. Cùng với đỗ là thịt lợn ba chỉ tươi ngon, săn chắc, ướp với hạt tiêu Bắc và gói bằng lá dong xanh mướt, bản rộng được đưa về từ núi rừng Việt Bắc.
Sau khi gói xong, bánh được ngâm trước với nước trong khoảng thời gian 30 phút rồi đặt vào những nồi cỡ lớn để luộc bánh. Thời gian luộc bánh kéo dài từ 8-10 giờ, đến khi nước cạn phải tiếp thêm nước để cho bánh chín đều từ trong ra ngoài.
Đặc biệt, nước luộc bánh chưng Bà Đậu phải được lấy từ suối nguồn trên núi đá phía sau làng Bờ Đậu, được người dân coi như "nước giếng thần.” Thứ nước trời cho trong vắt này đã tạo nên một vị riêng biệt, độc đáo của bánh so với các tỉnh thành khác.
Theo tiết lộ của bà Tâm, do có nước “giếng thần” trời ban nên khi luộc, bánh chưng vẫn giữ nguyên được màu xanh lá dong, tạo nên mùi thơm đậm đà. Bởi vậy, người làng Bờ Đậu mới có câu ca “Bánh chưng luộc nước giếng thần/Thơm ngon mùi vị có phần trời cho."
Nhờ có nghề làm bánh chưng truyền thống nổi tiếng ở khu vực miền Bắc, cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở làng bánh chưng Bờ Đậu đã vươn lên thoát nghèo. Nhất là từ khi được công nhận làng nghề, làng bánh chưng Bờ Đậu đã tạo được thương hiệu nức tiếng gần xa.
Ngoài bánh hình vuông truyền thống, làng nghề còn sản xuất loại bánh có hình trụ tròn, có hình dáng tương tự bánh tét của Nam Bộ, giúp cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.
Bánh được chia làm nhiều loại, giá cả cũng có sự chênh lệnh nhau. Đối với loại bánh chưng nhỏ được bán với giá 10.000 đồng/chiếc. Loại bánh chưng vuông nhỡ có giá 20.000 đồng/chiếc. Đối với bánh vuông to, chủ yếu bán trong ngày Tết có giá 50.000 đồng/chiếc.
Bánh chưng Bờ Đậu không chỉ nổi tiếng trong vùng, khu vực, mà rất nhiều du khách trên cả nước còn thường về đây đặt bánh, mang đi biếu, tặng như là một sản vật nức tiếng của quê hương và không thể thiếu trong những mâm cỗ ngày Tết cổ truyền của dân tộc./.
Năm làng bánh chưng nổi tiếng nhất miền Bắc:
1. Làng bánh chưng Tranh Khúc thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
2. Làng bánh chưng Lỗ Khê thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
3. Bánh chưng làng Đầm thuộc xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
4. Bánh chưng Làng Bạc thuộc xã Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.
5. Làng bánh chưng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng, Huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.