Làng cổ Đường Lâm “khoác áo mới” từ những giá trị cổ độc đáo, giàu trải nghiệm

Từ những di tích văn hóa, lịch sử và đặc biệt là ẩm thực cổ truyền độc đáo, Đường Lâm đang nỗ lực khoác "áo mới" là những sản phẩm du lịch khai thác từ vốn cổ được bảo tồn và phát triển của làng.

Du khách quốc tế và du khách Việt Nam ấn tượng trước không gian cổ còn lưu giữ được làng Đường Lâm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Du khách quốc tế và du khách Việt Nam ấn tượng trước không gian cổ còn lưu giữ được làng Đường Lâm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) chỉ cách Thủ Đô 1 giờ lái xe, tuy là điểm đến quen thuộc nhưng thời gian gần đây đã được “thay áo mới.” Không chỉ tạo thêm nhiều không gian mang đậm dấu ấn truyền thống, gia tăng hoạt động trải nghiệm mà lãnh đạo địa phương cho biết sẽ tập trung phát triển du lịch ẩm thực như một điểm nhấn đột phá thời gian tới.

Nơi lưu giữ những giá trị cổ độc đáo và hiếm có

Là người con của làng cổ Đường Lâm, sinh ra và lớn lên giữa không gian xứ Đoài, Hà Thị Thu Hương bảo cô thật may mắn khi trở thành hướng dẫn viên du lịch trên chính mảnh đất quê hương. Cũng vì thế, mỗi lời giới thiệu điểm đến của Hương không chỉ là thông tin mà đều thấm đẫm cảm xúc tự hào.

Cổng làng Mông Phụ, đình làng Mông Phụ, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, chùa Mía (ngôi chùa có nhiều tượng Phật cổ nhất Việt Nam hiện nay với 287 pho tượng, trong đó có 174 pho tượng đất, 107 pho tượng gỗ, ngoài ra là những pho tượng bằng đồng), nhà cổ gần 600 năm… là những điểm không thể bỏ qua khi đến Đường Lâm.

Cổng làng Mông Phụ là kiến trúc độc đáo nhà hai mái dốc, dựng theo lối “Thượng gia, hạ môn” (trên là nhà, dưới là cổng) hiếm hoi còn sót lại của vùng quê Bắc bộ. Đặc biệt, dân gian có câu “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài,” với nghĩa đình ở vùng đất Sơn Tây xứ Đoài đã được khẳng định giá trị trường tồn, trong đó đình làng Mông Phụ là một trong những kiến trúc đình làng nổi bật nhất.

z5104701943259_16408806dea3ee89f548bd9e0b0c53ca.jpg
Hướng dẫn viên Hà Thị Thu Hương giới thiệu về chiếc mõ cá cổ độc đáo trong đình làng Mông Phụ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Hướng dẫn viên Hà Thị Thu Hương giới thiệu ngôi đình được xây dựng từ năm 1533, theo lối kiến trúc nhà sàn của người Việt Mường cổ xưa, là kiến trúc còn lại rất quý hiếm. Trong đình có nhà tả mạc, nhà hữu mạc, hậu cung là nơi thờ thành hoàng làng.

Đình được trang trí bằng các đường nét hoa văn chạm khắc là những linh vật long, ly, quy, phượng, những bức tranh tùng, cúc, trúc, mai hoặc tranh “lão long huấn tử” (rồng già dạy con). Những hoa văn này hiện vẫn còn giữ được nguyên bản và trong quá trình trùng tu chưa phải thay mới.

Đặc biệt, trong đình còn giữ một chiếc mõ cá - hình ảnh thân thuộc ở các đình, điếm của người dân Đường Lâm.

“Cách đây gần 500 năm, khi ở làng còn chưa có điện, cũng không có loa, vậy làm sao có thể tập trung dân làng? Người dân đã nghĩ ra chiếc mõ mô phỏng hình con cá, được làm từ khúc gỗ khoét rỗng bên trong, sau đó dùng dùi gỗ gõ vào bên má phải con cá. Khi nghe thấy âm thanh này người dân sẽ tập trung để giải quyết mọi việc chung tại đình. Dưới xã hội phong kiến đình làng chính là nơi sinh hoạt cộng đồng lớn nhất của cư dân trong vùng,” hướng dẫn viên Thu Hương nói.

Ngoài ra, làng Đường Lâm vẫn còn bảo tồn được nhiều nhà cổ, trong đó có ngôi nhà 5 gian, 2 dĩ của anh Nguyễn Văn Hùng, được xây dựng vào năm 1649. Các nhà khoa học từng về đây giám định mốc thời gian xây dựng ngôi nhà nhờ một miếng gỗ được lưu giữ từ khi xây dựng, các cụ xưa khắc lên đó bài cúng cầu an. Ngôi nhà cổ này hiện vẫn giữ được nền đất nện nguyên bản từ khi xây dựng.

z5104749216082_6da8a309aa680ed84e12de734bf614e3.jpg
Du khách thích thú chụp ảnh cùng chiếc cổng gỗ cổ có tay nắm tròn độc đáo, là nét kiến trúc đặc trưng ở làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Một trong những nét đặc trưng độc đáo mà hiếm có làng cổ nào bảo tồn được như ở xứ Đoài là nhiều gia đình vẫn giữ được chiếc cổng gỗ cổ hoặc làm mới theo lối cổ, có tay nắm tròn xoay theo chiều kim đồng hồ là mở ra, xoay ngược chiều kim đồng hồ là cài then lại. Chỉ cần nghe tiếng leng keng, lách cách của then cửa đó là gia chủ biết có người về hay khách đến nhà.

Nỗ lực làm mới sản phẩm

Không chỉ tham quan các điểm di tích văn hóa, lịch sử hay nhà cổ, đến Đường Lâm giờ đây còn có những không gian sáng tạo và nhiều hoạt động khác. Với lứa tuổi học sinh, các em sẽ được trải nghiệm làm bánh tẻ, bánh sắn, chè lam, kẹo lạc… hay tham gia các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, lắp ghép mảnh ghép về các điểm di tích, in tranh khắc gỗ…

Đặc biệt, Trưởng Ban Quản lý di tích Đường Lâm, ông Nguyễn Đăng Thạo cho biết: “Ẩm thực của Đường Lâm sẽ là một trong những sản phẩm du lịch trọng tâm của chúng tôi trong thời gian tới. Vừa qua, chúng tôi được Diễn đàn Du lịch ASEAN 2024 trao giải thưởng ‘Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN 2024,’ trong đó đặc biệt là lĩnh vực ẩm thực. Đây là vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm của chúng tôi trong việc phát huy những giá trị cổ truyền làng cổ.”

Theo ông Nguyễn Đăng Thạo, địa phương sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch gắn với các món ăn truyền thống bản địa có giá trị thực dưỡng, organic (hữu cơ)…, tiến tới quy hoạch những vùng nguyên liệu sạch và an toàn bao gồm rau, gạo, thịt, cá, gà… để cung cấp cho du khách. Đây vừa là nguồn thực phẩm cho khách trải nghiệm vừa là sản phẩm thương mại.

vnp-tet-lang-viet-12-687.jpg
Du khách nhảy sạp trước cổng đình làng Mông Phụ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Ngoài ra, một số nghề truyền thống như nghề làm tương, làm kẹo lạc, kẹo vừng, làm bánh gai, bánh tẻ cũng sẽ được khôi phục; phát triển sản phẩm từ vùng nguyên liệu chè xanh Cam Lâm hay đặc sản gà mía, đặc biệt gắn những thương hiệu này với chứng nhận OCOP, nhằm đưa đến du khách sự an tâm để lan tỏa ra thị trường.

Nhắc đến Đường Lâm không thể không nói đến những món ngon phải làm rất kỳ công mà người dân nơi đây vốn chỉ dành thết đãi khách quý như thịt quay đòn, chè kho… hay đặc sản gà mía.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các sản phẩm ẩm thực mới như cỗ sen đã được đánh giá là một trong những sản phẩm du lịch ấn tượng năm 2023; sản phẩm ẩm thực gắn với cây mía; sản phẩm từ nguồn nguyên liệu chè xanh Cam Lâm như bánh chè xanh, trà xanh, trứng gà ủ trà, thịt ủ trà… Chúng tôi sẽ xây dựng một thực đơn phong phú mang giá trị thực dưỡng cao nhất để đảm bảo nhu cầu du khách trong thời gian tới, ” ông Thạo chia sẻ.

Có thể nói, ban quản lý làng cổ Đường Lâm đang nỗ lực làm mới, nâng cao chất lượng cho du lịch địa phương; nỗ lực níu chân du khách bằng nhiều trải nghiệm mới, bằng những đặc sản được chăm chút kỹ lưỡng hơn để du khách dành thêm thời gian khám phá xứ Đoài chứ không chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”./.

z5104701856860_d27fc5f547197b686170fc111b5f660a.jpg
Mâm cỗ Đường Lâm với đặc sản gà mía, cá kho, canh bóng, củ cải khô xào nấm rau củ. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.