“Hỡi cô thắt dải lưng xanh,
Có về Chuôn Ngọ với anh thì về
Chuôn Ngọ có cây bồ đề,
Có sông tắm mát, có nghề khảm trai...”
Như bao làng nghề truyền thống khác trên mảnh đất Việt Nam, những ngày cuối năm là thời điểm khắp các con ngõ, con đường dẫn vào làng Chuôn Ngọ (huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) vang lên những thanh âm của tiếng đục đẽo, tiếng cưa... Đó là nơi những người thợ làng nghề truyền thống đang tất bật hoàn thiện các sản phẩm chạm khảm để phục vụ khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán.
Tinh hoa nghệ thuật chạm khảm
Theo lời kể của các nghệ nhân làng Chuôn Ngọ, ông tổ nghề khảm là ngài Trương Công Thành - một vị tướng tài dưới thời vua Lý Nhân Tông, có nhiều công dẹp giặc ngoại xâm. Sau thời gian làm quan, ông lui về ở ẩn, thường xuyên tìm kiếm vỏ trai về để khảm những đồ thờ cúng. Trước khi mất vào năm 1099, Đức Trương Công Thành đã truyền nghề khảm trai cho người dân thôn Ngọ. Từ đó, nghề khảm trai phát triển và được truyền rộng ra nhiều làng trong xã Chuyên Mỹ cũng như một số vùng khác.
Nét đặc sắc trong sản phẩm chạm khảm làng Chuôn Ngọ đến từ những mảnh trai luôn phẳng, mịn, không bị gãy, vụn, được đục gắn xuống gỗ rất vừa vặn. Để tạo ra sự "mịn màng" đó, việc lựa chọn nguyên liệu vỏ trai, ốc sao cho phù hợp với sản phẩm là một trong những công đoạn rất quan trọng.
Mỗi loại nguyên liệu trai, ốc đều mang những đặc tính riêng biệt: Trai có loại cánh mảnh nhỏ, sẫm màu; có loại thịt trắng, vỏ mình dầy; có loại nhiều vân...; ốc biển là ốc xà cừ, có nhiều tại các vùng biển Quy Nhơn, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết...
Ngoài ra, còn một thứ vỏ trai đặc biệt là "Cửu Khổng" (vì có 9 lỗ ở phía mép vỏ), có vân màu sắc phong phú như cầu vồng. Theo chia sẻ của những thợ khảm lành nghề, muốn làm hàng mặt nổi như núi non, cánh phượng, cánh công... thì phải tìm được loại vỏ "Cửu Khổng" này. Hiện nay, phần lớn nguyên liệu được nhập từ các nước châu Á như Indonesia, Singapore, Trung Quốc...
[Lăng Khải Định - Kiệt tác nghệ thuật khảm sành của xứ Huế]
Chất lượng nguyên liệu được "nâng cấp" giúp các sản phẩm thêm phần lung linh, tuy nhiên yếu tố quyết định sản phẩm khảm trai làng Chuôn Ngọ có chất lượng vượt trội so với các vùng khác như Đồng Kỵ, Cao Xá hay Tiên Du... nằm ở kỹ thuật chạm khảm của những người thợ làng nghề truyền thống.
Nhiều người tin rằng Chuôn Ngọ là "đất tổ nghề" nên được ban cho những nét đặc sắc bí truyền khó lý giải trong mỗi tác phẩm. Đã có nhiều nghệ nhân từ nơi khác đến làng học nghề, tuy nhiên qua đánh giá của khách hàng, trình độ của họ không cao như những "thợ làng."
Mỗi sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ thường trải qua sáu công đoạn cơ bản gồm: Vẽ mẫu; cưa vỏ trai, ốc theo bản vẽ; đục gỗ; gắn mảnh trai vào gỗ; mài khảm, tỉa đường nét; dùng bột đen làm rõ các chi tiết của bức tranh.
Một trong những công đoạn được đánh giá khó nhất là “cẩn xà cừ” - đòi hỏi thao tác liên hoàn ở trình độ cao: Nghệ nhân sẽ dựa theo nét vẽ để đục gỗ và gắn nguyên liệu họa tiết, sau đó tỉa gọn, đánh bóng (mài khảm) rồi tô lại nét. Ngoài ra, để các mảnh trai trên bức tranh gỗ được đặt phẳng, người thợ phải mài thủ công vỏ trai rồi ngâm rượu, hơ lửa để chẻ róc, để cưa, đục thì các mảnh trai mới không bị vỡ.
Chuyển mình để giữ nghề đất tổ
So với giai đoạn "hưng thịnh" vào những năm 1990, thời điểm người người nhà nhà làng Chuôn Ngọ theo nghề khảm trai thì những năm trở lại đây, số hộ gia đình bỏ nghề ngày càng nhiều.
"Hiện nay, ước tính trong làng chỉ còn từ 3 đến 4 xưởng lớn; các hộ gia đình đơn lẻ theo nghề khảm chỉ còn vài chục nhà. Các cơ sở cũng sản xuất cầm chừng theo đơn đặt hàng của khách, không sản xuất bày bán đại trà như xưa. Nghề thủ công mỹ nghệ vốn 'kén khách', thu nhập lại thêm khó khăn sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, khiến nhiều gia đình không trụ được với nghề truyền thống," nghệ nhân khảm trai Nguyễn Đình Hải tâm sự.
Là một trong những nghệ nhân tâm huyết với gần 30 năm giữ lửa nghề truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Đình Hải được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân vào năm 2016; chứng nhận danh hiệu nghệ nhân Quốc gia vào năm 2017. Anh đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của nghề khảm truyền thống của làng Chuôn Ngọ.
Để giữ nghề truyền thống của ông cha, những người nghệ nhân nơi đây không chỉ nỗ lực nâng cao tay nghề để cho ra đời những mẫu tranh tinh xảo, kỹ thuật hơn, mà còn không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo những đề tài mới để đáp ứng những nhu cầu theo xu hướng mới của khách hàng.
Trước đây, các tác phẩm chạm khảm chủ yếu là hoành phi, câu đối trong nhà thờ, đình đền; họa tiết trang trí trên sập gụ, tủ chè; tranh treo tường phỏng theo các tích truyện như Tam Quốc; những bộ tranh cổ như “Tùng-Cúc-Trúc-Mai” hoặc "Vinh quy bái tổ"...
Theo thời gian và xu thế hội nhập, những tác phẩm của làng Chuôn Ngọ dần thay đổi cả về đề tài cũng như mẫu mã trình bày. Những hoạ tiết chạm khảm giờ đây đã xuất hiện trên nhiều vật dụng thường ngày như hộp đựng trà, ống đũa, bát đĩa, tranh lưu niệm...
"Để tạo nét tươi mới trong sản phẩm, hiện nay nhiều nhà xưởng tại Chuôn Ngọ phục vụ nhu cầu khảm tranh truyền thần các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như vua Quang Trung, Hai Bà Trưng hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Đặc biệt, những bức tranh khảm trai truyền thần về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được đón nhận nồng nhiệt bởi khách hàng trong nước cũng như quốc tế," nghệ nhân Nguyễn Đình Hải cho biết.
Khảm truyền thần được đánh giá là kỹ thuật cao nhất trong nghề khảm, đòi hỏi người chế tác phải là một "thợ nghệ nhân" - bên cạnh kỹ thuật chạm khắc còn cần có những hiểu biết về nhân vật truyền thần, để biến những vật liệu vô tri thành một bức chân dung lột tả được phong cách, thần thái và chiều sâu suy nghĩ của nhân vật. Cũng bởi vậy mà số lượng "thợ nghệ nhân" tại làng Chuôn Ngọ hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Trải qua bao thăng trầm như nhiều làng nghề truyền thống của dân tộc Việt Nam, những người thợ làng Chuôn Ngọ vẫn ngày đêm gìn giữ và phát huy tinh hoa của nghề truyền thống - bằng những đôi bàn tay chai sạn qua năm tháng, bằng tâm huyết và tình yêu nghề cháy bỏng, để lưu truyền những giá trị truyền thống gắn với lịch sử Thăng Long nghìn năm văn hiến mà thế hệ những nghệ nhân đời trước đã để lại./.