Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, vì vậy tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 Hà Nội tổ chức ngày 20/7, lãnh đạo thành phố đề nghị các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp y tế, nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch.
Hà Nội hiện phong tỏa hơn 40 điểm
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố, từ ngày 5/7đến nay, Hà Nội ghi nhận nhiều ca mắc mới, đặc biệt là còn 9 chùm ca bệnh phức tạp tại các địa chỉ: Huyện Đông Anh; 90 Nguyễn Khuyến (quận Đống Đa); Tân Mai (Hoàng Mai); Viện Cơ khí năng lượng và mỏ, số 565 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân); số 132 Bùi Thị Xuân (quận Hai Bà Trưng); B6 Trại Găng, Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng); nhà thuốc Đức Tâm, Láng Hạ (quận Đống Đa); xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức) và chùm ca bệnh liên quan đến những người về từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn hơn 40 điểm phong tỏa tại 17 quận, huyện.
[Hà Nội: Giữ vững những ‘chốt chặn’ cửa ngõ Thủ đô]
Từ ngày 29/4 đến nay, cơ quan chức năng của thành phố đã lấy 272.413 mẫu xét nghiệm PCR -Realtime; rà soát 10.663 người về từ thành phố Hồ Chí Minh; xét nghiệm cho 130 lái xe, phụ xe đường dài…
Bên cạnh đó, thành phố đã phê duyệt phương án đáp ứng 1.000 giường bệnh cách ly điều trị cho người bệnh COVID-19, đang xây dựng phương án đáp ứng 5.000 giường bệnh và cao hơn nữa; thành lập 20 cơ sở cách ly tập trung F1 tại 19 quận, huyện, thị xã; giao các quận, huyện, thị xã rà soát, thành lập thêm cơ sở cách ly để nâng công suất lên 40.000 chỗ…
Thành phố đã tiêm được 211.028 mũi vaccine phòng COVID-19 cho 201.524 người (chiếm 2,4% dân số), chủ yếu là lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân và các đối tượng ưu tiên.
Báo cáo tại cuộc họp, theo đại diện quận Đống Đa, thời gian vừa qua trên địa bàn quận ghi nhận 17 ca F0 tại 7 phường, xác định 291 trường hợp F1, 1.814 trường hợp F2 và đang tiếp tục truy vết thần tốc các trường hợp liên quan, đặc biệt là tại nhà thuốc Đức Tâm.
Trong khi đại diện phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) cho biết đã ghi nhận 15 F0; cơ quan chức năng đã khoanh vùng, phong tỏa các ổ dịch; cố gắng kiểm soát tình hình, hạn chế dịch lây lan; tuyên truyền tới mọi người dân thực hiện nghiêm các nội dung của Công điện số 15/CĐ-UBND.
Liên quan đến cung ứng hàng hóa, đại diện Sở Công Thương cho biết Công điện 15/CĐ-UBND đã được ban hành kịp thời, phù hợp với tình hình hiện tại. Trên cơ sở đó, đơn vị đã đáp ứng đủ hàng hóa phục vụ người dân, không “ngăn sông cấm chợ” và có phương án dự trữ hàng hóa trong 3 tháng…
Số ca mắc tăng từng ngày
Điểm lại tình hình, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết diễn biến dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô gần đây rất phức tạp. Số ca mắc mới tăng từng ngày, trong đó ngày 17/7 có 19 ca; ngày 18/7 là 44 ca; 41 ca ngày 19 và ngày 20 tiếp tục có nhiều ca nhiễm.
Bên cạnh đó, lưu lượng người dân từ vùng dịch về Hà Nội vẫn nhiều. Theo thống kê, ngày 19/7 có 1.377 khách từ Thành phố Hồ Chí Minh về qua đường hàng không; 3.190 khách các tuyến từ Đà Nẵng trở vào về Thủ đô qua đường bộ….
“Đây là nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn, không bám sát di biến động từ cơ sở mà để trễ chỉ 1-2 ngày thôi thì rất nguy hiểm. Mỗi người dân phải là 1 chiến sĩ, mỗi gia đình là 1 pháo đài, chung tay chống dịch,” Chủ tịch thành phố nói.
Ông Chu Ngọc Anh cho biết với tình hình dịch bệnh hiện nay, việc 1 F0 gây ra khoảng 50 ca lây nhiễm đã có tần suất cao, phổ biến, không lan nhỏ như trước đây. Từ đó yêu cầu kiểm soát nhanh nhất các ca nhiễm mới với tốc độ nhanh nhất phải tiếp tục được tập trung hàng đầu.
Về các ca nhiễm mới ở hiệu thuốc Đức Tâm (đường Láng) theo báo cáo của quận Đống Đa, đây là ổ dịch là hết sức phức tạp; đã có 11 ca dương tính ban đầu và một số F1 đang có dấu hiệu trở thành F0… Chủ tịch thành phố Hà Nội phê bình và cho rằng việc này do thực hiện không nghiêm túc chỉ đạo của thành phố, không kiểm soát người đến mua thuốc bị ho sốt, chưa thực hiện tốt việc phải phối hợp thông báo thông tin để xét nghiệm mà để lây nhiễm, đến khi có triệu chứng rõ ràng những ca này mới xét nghiệm.
Ông cũng hoan nghênh Sở Y tế đã đình chỉ cơ sở này và nêu rõ cần xem xét xử lý trách nhiệm để lây lan dịch bệnh…
Trong ngày thứ 2 thực hiện Công điện 15, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Thành phố xác định áp dụng các biện pháp mạnh nhất gần với Chỉ thị 16 của Thủ tướng đề quyết tâm ngăn dịch. Tuy nhiên, ở một số nơi việc thực hiện còn chưa nghiêm túc, do đó, ông đề nghị thành phố cần phải quyết liệt hơn và muốn quyết tâm, quyết liệt thì từ cơ sở phải có chung nhận thức mới thực hiện được.
Người đứng đầu Ủy ban Nhân dân thành phố một lần nữa nhắc nhở: “Phải nhìn nhận rõ nguy cơ hiện nay rất cao. Yêu cầu hiện nay cao nhất là thực hiện và đưa các nội dung của Công điện 15 thực sự vào cuộc sống. Cấp cơ sở phải vào cuộc kịp thời, kiểm tra thực hiện nghiêm các quy định, không để tình trạng chợ cóc, chợ tạm, đã cấm từ trước Công điện 15 nhưng vẫn còn một số nơi hoạt động.”
Ông cũng lưu ý người dân cần thực hiện nghiêm thông điệp 5k ở mọi chỗ, đồng thời người nhà về từ vùng dịch hay có biểu hiện ho sốt cần báo ngay cho y tế, tổ COVID-19 cộng đồng.
Cho rằng các phản ánh của nhân dân, cơ quan báo chí cần được tiếp thu xử lý kịp thời; báo cáo kịp thời lên các cấp, theo ông, việc đóng cửa, rút giấy phép các cơ sở kinh doanh vi phạm là việc làm cần thiết. Song hành với tăng cường kiểm tra kiểm soát, từ cấp trên xuống cấp dưới, phải xử lý nghiêm vi phạm thiếu sót của cán bộ và người dân vi phạm các quy định của thành phố.
Ông Chu Ngọc Anh đề nghị các quận huyện căn cứ vào tình hình thực tế để thực hiện các biện pháp phòng dịch mạnh mẽ hơn. “Ví dụ như ở các xã gần khu công nghiệp có ca lây nhiễm thì có thể xem xét thực hiện Chỉ thị 16…,” Chủ tịch thành phố nói.
Chủ tịch Chu Ngọc Anh cũng nhắc các đơn vị phải đảm bảo tuyệt đối an toàn việc tiêm vaccine và khẳng định thành phố sẽ nỗ lực nhanh nhất có độ bao phủ vaccine để có miễn dịch cộng đồng…/.