Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương, vào lúc 17 giờ 30 ngày 6/3, trên sông Kinh Thầy thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương, tàu Thành Luân mang số hiệu HP-3016 có trọng tải khoảng 3.000 tấn lưu thông theo hướng Hải Dương-Hải Phòng đã va đâm làm gãy dầm bêtông cốt thép dự ứng lực 24m của cầu An Thái (nối thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành với thị trấn Kinh Môn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương).
Ngay sau khi nhận được thông tin vụ tai nạn, các lực lượng chức năng của tỉnh Hải Dương đã nhanh chóng đến hiện trường để triển khai các biện pháp cứu hộ, khắc phục hậu quả vụ tai nạn. Ngày 7/3, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập tổ công tác khắc phục sự cố hư hỏng cầu An Thái.
Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên đường bộ và đường thủy qua khu vực cầu An Thái, ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông tương tự xảy ra, chiều 7/3, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có Công điện số 07/CĐ-UBATGTQG gửi Bộ Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương về khắc phục hậu quả vụ tai nạn này.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổ công tác của Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương khẩn trương triển khai các phương án cứu hộ khắc phục hậu quả, phân tích nguyên nhân tai nạn, phân luồng tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho phương tiện giao thông đường bộ, thủy nội địa tham gia giao thông qua khu vực trên.
Cục đường thủy nội địa Việt Nam có văn bản hướng dẫn các cảng vụ đường thủy, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vận tải thủy nội địa phải bảo đảm các điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện, tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện các quy định trên.
Bộ Giao thông vận tải cũng thực hiện rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa; tiến hành đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn giao thông tại các cầu vượt sông, kịp thời có biện pháp sửa chữa, khắc phục.
Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn; yêu cầu lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông phối hợp với chính quyền địa phương lên phương án điều tiết phân luồng, tổ chức giao thông trên đường bộ, đường thủy để hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện tham gia giao thông đường bộ và đường thủy an toàn, thuận lợi.
Công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm đối với các phương tiện vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với tổ công tác của Bộ Giao thông vận tải khẩn trương triển khai các phương án sửa chữa, khắc phục những hư hỏng của cầu; có biện pháp thi công bảo đảm an toàn cho người, phương tiện lưu thông trên đường bộ và đường thủy; phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện tuyên truyền các biện pháp phân luồng, tổ chức giao thông phục vụ thi công sửa chữa cầu An Thái để người dân biết, chủ động tham gia giao thông an toàn.
Các cơ quan là thành viên của Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban An toàn giao thông cấp huyện, các đoàn thể chính trị-xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn tàu thuyền thực hiện các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, các quy tắc tham gia giao thông an toàn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ sắp đến./.