Liên hợp quốc đang xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số nhân vật cao cấp của chính phủ và phe đối lập tại Nam Sudan, trong đó có Tổng thống Salva Kiir và thủ lĩnh phe đối lập Riek Machar, sau khi cả hai bên không tuân thủ thỏa thuận hòa bình đã được ký kết vào tháng 10/2015, đặc biệt hai bên chưa ngừng bắn và chưa thành lập một chính phủ đoàn kết và hòa hợp dân tộc mặc dù đã qua hạn chót ngày 22/1 vừa qua.
Ngoài Tổng thống và thủ lĩnh đối lập ở Nam Sudan, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đang cân nhắc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hai nhân vật cao cấp khác của quốc gia châu Phi này là Tổng tham mưu trưởng quân đội Nam Sudan, tướng Paul Malong và người đứng đầu lực lượng an ninh nội bộ Akol Koor.
Hai nhân vật này bị cáo buộc đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Nam Sudan.
Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm cấm xuất ngoại trên phạm vi toàn cầu và đóng băng các tài sản tại các ngân hàng.
Ngày 9/7/2011, Nam Sudan đã tuyên bố tách khỏi nước Sudan và trở thành quốc gia độc lập trẻ nhất thế giới.
Tuy nhiên, Nam Sudan rơi vào nội chiến từ tháng 12/2013 sau khi bùng phát xung đột giữa quân đội của Tổng thống Salva Kiir với lực lượng nổi dậy trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar bị Tổng thống Kiir cáo buộc âm mưu đảo chính.
Ngày 27/8/2015, hai bên ký thỏa thuận hòa bình với sự chứng kiến của các nhà trung gian hòa giải khu vực châu Phi và thế giới, song các vụ đụng độ vẫn xảy ra và cả hai bên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn, kể cả cấm vận nếu các bên tại Nam Sudan không tuân thủ triệt để thỏa thuận hòa bình nói trên.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, xung đột tại Nam Sudan đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, khiến 2,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và khoảng 8 triệu người đang phải sống trong đói khát và bệnh tật.
Khoảng 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế, đẩy nước này đến bờ vực khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất châu Phi kể từ những năm 80 của thế kỷ trước./.