Vụ kẹt xe nghiêm trọng hơn 4 giờ đồng hồ ngày 20/7 tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ngay sau khi thành phố đưa vào hoạt động cầu vượt thép vào ga quốc nội, ga quốc tế đã cho thấy đây điểm nóng ùn tắc này vẫn chưa có bài thuốc hạ nhiệt hữu hiệu.
Thông chiều này lại tắc chiều kia
Kỳ vọng kéo giảm ùn tắc cho khu vực đường Trường Sơn khi cầu vượt thép vào sân bay được khai thác mới chỉ đáp ứng được việc giải quyết nhanh cho xe ô tô đi vào chứ không giải quyết cho vấn đề đi ra. Thậm chí nếu xe ô tô vào ga quốc nội, quốc tế nhanh thì cũng đồng nghĩa với việc giải phóng phương tiện trong sân bay đi ra đường độc đạo Trường Sơn, gia tăng ùn tắc tại Lăng Cha Cả vốn là "điểm đen" ùn tắc giao thông nhiều năm nay.
Đáng lưu ý, kể từ khi thông xe toàn tuyến đường Phạm Văn Đồng thì có đến 50% lượng xe ô tô và hơn 90% xe máy quá cảnh đường Trường Sơn đi về các quận huyện phía Tây thành phố (quận Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh) mà không vào sân bay Tân Sơn Nhất, gây áp lực giao thông lên tuyến đường độc đạo vào sân bay.
Theo phản ánh của nhiều tài xế taxi, cầu vượt thép vào sân bay giúp ô tô từ đường Trường Sơn đi vào nhanh hơn nhưng cũng khiến đầu xe đi ra nhanh và nhiều hơn, dẫn tới xung đột tại nút giao dưới chân cầu vượt (Trường Sơn – Hồng Hà – Bạch Đằng) và tại Lăng Cha Cả.
[Tắc đường gần 4 tiếng đồng hồ tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất]
Theo ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm nay, thành phố đã đưa vào khai thác 5 cầu vượt thép; trong đó có cầu vượt vào sân bay Tân Sơn Nhất, qua đó giải quyết ùn tắc giao thông khu vực nhưng đây cũng chỉ mới là tạm thời, bên cạnh đó, phải gấp rút đầu tư 22 dự án giải quyết ùn tắc xung quanh sân bay.
Tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cũng cho rằng, việc khánh thành cầu vượt thép vào sân bay Tân Sơn Nhất chỉ mới có ý nghĩa tạm thời do hiện nay chưa thể kết nối giao thông độc lập vào sân bay.
Nhiều dự án "xếp hàng" đợi
Để giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực ngoài sân bay Tân Sơn Nhất, thời gian qua các cơ quan ban ngành chức năng liên quan của thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp, từ phân làn, điều tiết, cấm dừng đỗ trên đường Trường Sơn... Cùng đó là triển khai tới 22 dự án liên quan, nhưng đến thời điểm này mới có dự án cầu vượt vào sân bay được hoàn thành. Một dự án là cầu vượt Nguyễn Thái Sơn – Hoàng Minh Giám đang trong tình trạng dang dở do chưa hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng.
Các dự án còn lại bao gồm các dự án đã được quy hoạch hoặc đang nghiên cứu xây dựng khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất như: đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (song hành đường Cộng Hòa); tuyến metro 4b-1 nhánh vào sân bay Tân Sơn Nhất (lộ trình Ga Cộng Hòa - Công viên Hoàng Văn Thụ đi ga Tân Sơn Nhất, dài khoảng 1,7 km);tuyến đường trên cao số 1 (lộ trình nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyên - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long giao với đường Điện Biên Phủ).
Một số dự án đã được phê duyệt, đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng như cải tạo mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ ranh công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn vuốt nối đường Phổ Quang hiện hữu); mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa; cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long; nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ); mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý.
Thậm chí có chủ đầu tư còn “hiến kế” làm dự án cáp treo từ công viên Gia Định vào sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng tuyến đường bộ trên cao số 1, hệ thống đường trên cao, hầm chui tại nút giao Hoàng Văn Thụ – Nguyễn Văn Trỗi…
Trong khi đó, theo quy hoạch được duyệt của Bộ Giao thông Vận tải, sẽ có thêm cổng vào Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất bằng nhà ga lưỡng dụng trên đường Hoàng Hoa Thám. Tuy nhiên, hiện nay việc kết nối từ đường Hoàng Hoa Thám ra đường Cộng Hòa cũng đang quá tải.
Đồng thời để giảm tải cho đường Trường Sơn - tuyến đường độc đạo vào sân bay, Sở Giao thông Vận tải thành phố đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu mở thêm cổng tiếp cận sân bay trên đường Thống Nhất, Trường Chinh, Phạm Văn Bạch, Tân Sơn, Quang Trung…
Nếu các dự án này sớm được triển khai, có thể nói rằng, sẽ giải quyết được vấn đề ách tắc ở khu vực này cũng như khiến cho bộ mặt giao thông thành phố thêm phần khởi sắc, thông thoáng và văn minh. Tuy nhiên, nghịch lý thay, hầu hết các dự án này đều đang chỉ là ... dự án, và đang xếp hàng chờ vốn!
Nghịch lý này dự báo điểm nóng ùn tắc khu vực Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ còn tăng nhiệt. Mà, đây chỉ là một trong 37 điểm nóng nhất về ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2016, sản lượng của Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất đạt 32,5 triệu hành khách. Riêng 6 tháng đầu năm 2017 là 18,3 triệu hành khách, dự kiến hết năm 2017 sẽ đạt khoảng 36 triệu hành khách./.