Theo bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), nếu như vài tuần trước, mỗi ngày chỉ ghi nhận 3-4 bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện thì nay gia tăng đột biến, 20 bệnh nhân đến khám trong ngày, với đủ lứa tuổi, hầu hết đã tiêm 2-3 mũi vaccine.
Việc trên địa bàn Hà Nội xuất hiện một vài ổ dịch sốt xuất huyết, sốt phát ban, kèm theo đó số bệnh nhân mắc COVID-19 có dấu hiệu gia tăng là điều đáng lo ngại, đòi hỏi các biện pháp kịp thời để ngăn chặn.
Nguy cơ "dịch chồng dịch"
Theo bác sỹ Nguyễn Thu Hường, đáng lo ngại là đã có hiện tượng “dịch chồng dịch,” cơ sở y tế này vừa tiếp nhận bệnh nhân nam (35 tuổi, trú tại Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch.
Thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã sốt ngày thứ 2, nhiệt độ cơ thể cao nhất có lúc lên tới 40 độ C.
[Số ca mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng tại Hà Nội đang tăng vọt]
Bệnh nhân được đưa tới Khoa Cấp cứu-Nội-Nhi trong tình trạng đau đầu, sốt cao và co giật. Tại đây, bệnh nhân được test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và chuyển tiếp sang phòng khám sàng lọc của bệnh viện.
Bệnh nhân được tầm soát cúm A, cúm B và sốt xuất huyết, ghi nhận thêm bệnh nền sốt xuất huyết đang diễn biến trong khoảng từ 1-5 ngày.
Bệnh nhân được cấp cứu kịp thời nên sau khi điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, sức khỏe đã ổn định và có thể ra viện.
“Sốt xuất huyết và COVID-19 đều là bệnh gây ra do virus. Hai bệnh lý này có thể gây ra những triệu chứng chồng lấp, gây khó khăn cho việc điều trị cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đơn thuần, triệu chứng mệt mỏi, sốt cao nhưng nếu kèm theo mắc COVID-19, triệu chứng sẽ nặng nề hơn, vẫn sốt cao, mệt mỏi và phải điều trị kéo dài,” bác sỹ Nguyễn Thu Hường phân tích.
Về diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết trong tuần (từ ngày 28/6 đến ng-4/7), trên địa bàn có 1.538 ca mắc, không ghi nhận trường hợp tử vong, trung bình có 220 ca/ngày, tăng 36,5% so với tuần trước.
Ngành y tế tích cực triển khai công tác giám sát chủng SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố, trong đó Omicron vẫn là chủng lưu hành chính.
Tuy nhiên, Hà Nội đã ghi nhận sự lưu hành của biến chủng Omicron BA.5 (ghi nhận 3 ca được giải trình tự gen tại Bệnh viện Bạch Mai, biến chủng này được dự báo có khả năng lây lan mạnh hơn so với chủng cũ), do đó trong thời gian tiếp theo có thể ghi nhận sự gia tăng số ca mắc, cần giám sát chặt chẽ.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine
Nêu nguyên nhân số bệnh nhân mắc gia tăng, lãnh đạo Sở Y tế cho biết dịch đã được kiểm soát nên người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, đánh giá thấp sự nguy hiểm của COVID-19.
Việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác tiêm chủng cho trẻ em và tiêm mũi 4 đối với người từ 18 tuổi trở lên còn hạn chế, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể.
Theo báo cáo của các quận, huyện, trên địa bàn Hà Nội hiện đã xuất hiện một vài ổ dịch sốt xuất huyết, sốt phát ban. Các quận, huyện tiếp tục tuyên truyền về tiêm vaccine phòng COVID-19, đồng thời tăng cường phòng, chống các bệnh dịch mùa hè.
Tuy nhiên, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) đối với người từ 18 tuổi trở lên, mũi 2 đối với trẻ từ 5-12 tuổi ở một số quận, huyện còn thấp do người dân còn tâm lý chủ quan, công tác tuyên truyền chưa sâu...
Trước việc trên địa bàn xuất hiện 3 ca mắc biến chủng Omicron BA.5, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết mặc dù đã ghi nhận sự lưu hành của biến chủng Omicron BA.5 với tốc độ lây lan mạnh hơn, song chưa có bằng chứng khẳng định chủng mới gây bệnh nặng hơn. Ngành tiếp tục giải trình tự gen để đánh giá dịch tễ trên từng địa bàn.
Lãnh đạo Sở Y tế đề nghị cần phân công trách nhiệm cụ thể đối với các ngành trong việc tiêm vaccine mũi 4 đối với cán bộ, người lao động ở từng đơn vị.
Các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch tiêm chủng; đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine đủ mũi cho trẻ; tăng cường tuyên truyền tiêm vaccine mũi 4 qua các kênh thông tin...
Tính đến ngày 3/7, số người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1, mũi 2 vaccine phòng COVID-19 đạt 99,9%, mũi bổ sung đạt 100%, mũi 3 đạt 96,5%, mũi nhắc lại lần 2 đạt 15,6%.
Đối với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, thành phố đã tiêm mũi 1 là 246.373 mũi/1.023.623 trẻ trong độ tuổi, đạt 20,07%. Nguyên nhân do có 44% số trẻ thuộc diện hoãn tiêm (mắc COVID-19) trong vòng 3 tháng và 29,66% trẻ gia đình không đồng thuận tiêm chủng; mũi 2 tiêm được 81.637 mũi.
Hiện số trẻ hoãn tiêm do mắc COVID-19 đã bắt đầu đủ thời gian sau 3 tháng nên rất cần sự đồng thuận của gia đình trẻ và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, toàn thể người dân để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và thành phố.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trên địa bàn ngày 6/7, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong lưu ý dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, nhất là khi có biến chủng mới tác động khó lường đến cả nước cũng như Hà Nội.
Trong khi đó, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 4 cho người trên 18 tuổi, nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thấp trong cả nước...
Nhấn mạnh đây là thời điểm phải tập trung tiêm chủng cho người dân, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị cần tăng cường phòng, chống dịch với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19.
Việc này gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 4 cho người 18 tuổi trở lên, nhất là đối với người trên 50 tuổi.
Các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục phụ huynh đưa trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm vaccine phòng COVID-19.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng lưu ý, các ngành, địa phương cần đề xuất những chính sách để kịp thời quan tâm hơn về vật chất, tinh thần cho cán bộ y tế, giúp lực lượng nòng cốt yên tâm làm việc./.