Loạn phân lô bán nền trái phép “ăn theo” dự án sân bay Long Thành

18 “dự án ma” mà Công ty Alibaba thực hiện tại huyện Long Thành (Đồng Nai) trên diện tích hàng chục ha đang có nguy cơ làm vỡ quy hoạch, gây khó khăn trong việc quản lý và xử lý.
Loạn phân lô bán nền trái phép “ăn theo” dự án sân bay Long Thành ảnh 1(Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Mặc dù chưa được cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương đầu tư và chưa được cấp phép thành lập khu dân cư, nhưng Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba) đã tự đặt tên dự án, thực hiện quảng cáo, phát tờ rơi, gắn bảng pano, tự vẽ bản đồ phân lô không đúng thực tế để bán nền.

18 “dự án ma” mà Công ty Alibaba thực hiện tại huyện Long Thành (Đồng Nai) trên diện tích hàng chục ha đang có nguy cơ làm vỡ quy hoạch, gây khó khăn trong việc quản lý và xử lý.

Nhiều “dự án ma”

Vài năm trở lại đây, khi dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, cũng là lúc các công ty bất động sản, giới đầu cơ lùng sục thu gom đất nông nghiệp để phân lô bán nền.

Cùng đó, giá đất nông nghiệp tại nhiều xã thuộc các huyện Long Thành, Nhơn Trạch bị ‘thổi’ lên hàng chục lần.

Mặc dù chi nhánh Công ty Alibaba tại số 52, Quốc lộ 51, xã Phước Thái, huyện Long Thành (Đồng Nai) mới được cấp giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh vào tháng 6/2017 nhưng đến nay Công ty Alibaba đã thu gom đất và lập 18 dự án để phân lô, bán nền với diện tích hàng chục ha; trong đó, tại xã Long Phước (huyện Long Thành), Công ty Alibaba đã thực hiện 13 dự án, xã Phước Bình 3 dự án, xã Phước Thái 1 dự án.

Đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Long Thành cho biết, điển hình như dự án Alibaba Central Park II tại xã Phước Bình, được Công ty Alibaba quảng cáo trên trang web http://diaocalibaba.vn với quy mô 5,5ha, dự kiến phân 344 lô tại các thửa đất số 222, 223 tờ bản đồ 73.

Tuy nhiên, theo đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Long Thành, bản đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của huyện thì thửa đất số 223 với diện tích trên 3.000m2 là đất quy hoạch trồng cây lâu năm; thửa đất 222 với diện tích trên 52.000m2 có một phần thuộc quy hoạch đất giao thông, đất ở nông thôn kết hợp trồng cây lâu năm và đất trồng cây lâu năm.

Điều đáng nói, mặc dù khu đất trên chưa được cơ quan chức năng huyện Long Thành chấp thuận chủ trương đầu tư và chưa được cấp phép thành lập khu dân cư nhưng Công ty Alibaba vẫn quảng cáo, giới thiệu mua bán đất với bản đồ phân lô và đường kết nối giao thông tự vẽ, không đúng hiện trạng thực tế đất.

Ngoài ra, tại khu vực trên Công ty Alibaba còn xây dựng trái phép, che chắn tường bao quanh.

Cũng tại xã Phước Bình, Công ty Alibaba quảng cáo một dự án khác là Alibaba Central Park với quy mô 20ha, dự kiến phân 1.259 lô và chuẩn bị triển khai giai đoạn 1 với quy mô 5,4ha.

Mặc dù, dự án trên vẫn chưa được cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương, chưa cấp phép, nhưng Công ty Alibaba lại hợp tác với Công ty Cổ phần địa ốc Tia Chớp quảng cáo, rao bán đất nền.

Việc rao bán đất nền được thực hiện trên bản đồ phân lô tự vẽ, tự thiết kế đường giao thông ngang dọc khu đất kết nới với đường ấp 4, xã Phước Bình.

Theo xác minh của Ủy ban Nhân dân xã Phước Bình, khu vực đất trên do cá nhân đứng tên chủ quyền đất, hiện chưa được cơ quan chức năng cấp phép thành lập khu dân cư.

Cùng với hình thức tương tự, hàng loạt các dự án "ma" khác như Alibaba Long Phước 1, 6, 7, 8, 9, 10, 12, 15, Alibaba Long Thành Capital, dự án khu dân cư quốc tế Lilama, dự án Alibaba Phước Thái Capital và nhiều vị trí khác cũng được Công ty Alibaba tự vẽ đường, phân lô và quảng cáo, giới thiệu mua bán đất nền trong khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, chưa được cấp phép thành lập khu dân cư.

[Trên 4.800 hộ dân vùng sân bay Long Thành được hỗ trợ việc làm]

Xắn tay vào cuộc

Trước việc hàng loạt dự án "ma" với diện tích hàng chục ha đã được Công ty Alibaba tự vẽ và phân lô bán nền trái quy định có nguy cơ làm vỡ quy hoạch sử dụng đất của huyện Long Thành, ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Long Thành cho biết, qua kết quả kiểm tra, rà soát cho thấy hiện nay trên địa bàn huyện chưa có dự án khu dân cư nào của Công ty Alibaba và Công ty Cổ phần địa ốc Tia Chớp làm chủ đầu tư được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu dân cư.

Tất cả các dự án trên đều do Công ty Alibaba tự đặt tên, vẽ bản đồ phân lô, quảng cáo và mua bán. Những dự án này đều do các cá nhân đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứ chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Ngoài ra, tại nhiều vị trí Công ty Alibaba còn tự ý vẽ bản đồ phân lô chồng lên các thửa đất của những hộ dân kế cận với quy mô diện tích lớn để rao bán trái quy định.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, việc tự vẽ dự án rồi phân lô bán nền được thực hiện bằng hình thức hợp đồng vi bằng, hợp đồng góp vốn, nên các cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm.

Mặt khác, việc ký kết hợp đồng đặt cọc, góp vốn, mua bán chủ yếu thực hiện bên ngoài địa phương nên gây khó khăn trong quá trình điều tra, ngăn chặn và xử lý.

Trước sự việc trên, Ủy ban Nhân dân huyện Long Thành kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Công an tỉnh điều tra việc giao dịch mua bán đất nền của Công ty Alibaba, Công ty Cổ phần địa ốc Tia Chớp để có biện pháp xử lý theo quy định.

Mặt khác, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc các tỉnh, thành phố lân cận có biện pháp ngăn chặn, xử lý việc quảng cáo, mua bán đất nền đối với các khu vực đất thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.