Bài 7: Trôi nổi quả bóng trách nhiệm: Cấp trên làm sai, cấp dưới chịu tội
Trong quá trình tìm hiểu về hoạt động xây dựng làm biến dạng đô thị tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, phóng viên VietnamPlus đã được nghe không ít cán bộ, lãnh đạo cấp cơ sở (xã, phường) trải lòng về những “áp lực vô hình” từ trên dội xuống, khiến chính họ bị doanh nghiệp xem thường và bất lực trong xử lý các vụ việc.
Nhiều “siêu, đại” dự án xây dựng sai phạm, “có vấn đề” song cơ sở vẫn phải “nhắm mắt cho qua,” đến khi sự việc vỡ lở, chịu trách nhiệm chính lại là họ. Trong khi, những người trực tiếp ký phê duyệt dự án, có liên quan đến dự án sai phạm ở cấp cao hơn thì vô can, hoặc có chăng cũng chỉ bị nhắc nhở, “rút kinh nghiệm.”
Rút được những kinh nghiệm gì từ sai phạm?
Câu chuyện dự án Khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế-Sago Palm Garden tại xã Phụng Công (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) là một ví dụ điển hình trả lời cho câu hỏi vì sao hàng loạt dự án xây dựng khi chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, còn thiếu các thủ tục pháp lý, thậm chí xây dựng trái phép, sai phép vẫn xuất hiện ngày càng phổ biến và điềm nhiên “trơ gan cùng tuế nguyệt.”
Liên quan đến dự án này, mới đây, Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Hội nghị công bố kết luận thanh tra, cho thấy tại thời điểm thanh tra (tháng 3/2020), dự án Khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế-Sago Palm Garden mới chỉ được đồng ý về mặt chủ trương. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ đầu tư là Công ty cổ phần thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (Công ty Đại Hưng) đã triển khai xây dựng hơn 200 nhà biệt thự, liền kề và đã chào bán trên thị trường.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh Hưng Yên kết luận Công ty Đại Hưng còn tồn tại một số sai phạm về việc thực hiện báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư; báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện đầu tư theo quy định; chưa đăng ký biến động thay đổi tên pháp nhân; vi phạm quy định pháp luật về đất đai; vi phạm pháp luật về đầu tư; vi phạm quy định pháp luật về xây dựng…
Đồng thời, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…cũng chưa được Công ty Đại Hưng nộp vào ngân sách Nhà nước.
[Trên 3.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Quốc hội]
Tại Kết luận thanh tra cũng nêu rõ trách nhiệm của các sở ngành để xảy ra sai phạm, tồn tại liên quan đến dự án. Cụ thể là các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường chưa sâu sát, chưa kiên quyết xử lý khi phát hiện sai phạm của đơn vị; Sở Xây dựng tiếp nhận hồ sơ trình thẩm định chưa bảo đảm nội dung theo quy định; Ủy ban Nhân dân huyện Văn Giang, xã Phụng Công chưa sâu sát trong công tác quản lý nhà nước về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, chưa có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm.
Loạt sai phạm trên là rất nghiêm trọng, nhưng tại Hội nghị công bố kết luận thanh tra, ông Bùi Thế Cử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên cũng chỉ yêu cầu các đơn vị có sai phạm cần ‘nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm,” kèm theo chỉ đạo khá chung chung, “mơ hồ”: Các sở, ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra theo đúng nhiệm vụ, chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về đất đai, xây dựng. Cùng với đó, chủ động rà soát, nghiên cứu các văn bản để tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh, bảo đảm việc triển khai xây dựng của Công ty Đại Hưng đúng quy định.
Như vậy, sau một loạt sai phạm mà nguyên nhân chính là do trong suốt gần 3 năm trời lãnh đạo và cán bộ các sở, ngành, địa phương tỉnh Hưng Yên “chưa sâu sát, chưa kiên quyết xử lý khi phát hiện sai phạm,” để doanh nghiệp vô tư “xây chui, bán lụi,” đến nay cũng chỉ phải rút kinh nghiệm…
Về phía Công ty Đại Hưng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên yêu cầu chấm dứt và khắc phục các sai phạm. Với yêu cầu này, có vẻ như theo quy luật, công trình vi phạm vẫn vô tư tồn tại, chờ đến giờ G để được “hợp thức hóa.”
Nếu thế, việc xử lý trên sẽ là không đúng với tinh thần Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng,... đã được chính Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu ra tại kỳ họp Quốc hội thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Kể từ ngày 15/1/2018, những công trình vi phạm sẽ phải tháo dỡ, không còn chuyện phạt cho tồn tại!
Xử lý kiểu “nhẹ trên, nặng dưới”
Nếu như ở Hưng Yên, hàng loạt cán bộ “chưa sâu sát, kiên quyết xử lý khi phát hiện sai phạm” để “đại” dự án bất động sản xây dựng “vượt đèn đỏ” trong suốt gần 3 năm trời, chỉ bị yêu cầu “rút kinh nghiệm,” thì tại Bắc Giang, việc xử lý sai phạm tại dự án Khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử cũng khiến dư luận bất bình.
Cụ thể, trong khi nhiều cán bộ cấp dưới bị khởi tố hình sự vì “vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng,” thì lãnh đạo huyện Sơn Động dù trực tiếp chỉ đạo chi trả tiền bồi thường, gây thiệt hại (ban đầu) hơn 4,5 tỷ đồng lại chỉ bị kiến nghị xử lý hành chính.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, trong ngày 23/4/2020, bà Nguyễn Thị Hương, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết hiện vụ án đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an tỉnh khởi tố, điều tra theo quy định. “Bên tôi cũng đã nắm được tình hình vì báo chí đã phản ánh. Tuy nhiên, đến thời điểm này tôi vẫn không nhận được bất kể kiến nghị gì của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh,” bà Hương nói và cho biết hiện vụ việc đã kết thúc điều tra rồi.
[Tổng Bí thư: Làm mạnh hơn công tác phòng chống tham nhũng]
Được biết, trên cơ sở điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang cũng đã quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và Bản kết luận điều tra đến Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang đề nghị truy tố hàng loạt các bị can công tác tại Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Động và cán bộ xã Tuấn Mậu, nay là Thị trấn Tây Yên Tử.
Về phần ông Giáp Văn Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Động, theo Kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra, ông Tâm được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Động phân công là Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện, trực tiếp chỉ đạo công tác phối hợp với các cơ quan chuyên môn trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử.
Tuy nhiên, khi ký ban hành các quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ giải phóng mặt bằng từ 2 hộ sang cho 6 hộ đã chủ quan, không nghiên cứu kỹ về chế độ, chính sách trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, dẫn đến phê duyệt phương án sai về chế độ hỗ trợ cho các hộ dân, thiệt hại số tiền ban đầu lên tới hơn 4,5 tỷ đồng.
Dù vậy, ông Tâm cũng chỉ bị Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị xử lý hành chính. Nhiều ý kiến cho rằng kiến nghị này thực sự rất khó hiểu và khó thuyết phục được dư luận về sự nghiêm minh, thượng tôn pháp luật. Bởi trong khi những cán bộ khác vốn làm theo chỉ đạo lại bị đề nghị truy tố còn người đứng đầu thoát tội.
Về việc xử lý cán bộ liên quan đến sai phạm tại dự án Khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử (Bắc Giang), chia sẻ với báo chí, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần phải xem xét vai trò, trách nhiệm, hậu quả do ông Giáp Văn Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Động và các cá nhân gây ra.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, kết luận của cơ quan điều tra đã cho thấy rất rõ vai trò của ông Tâm, cũng như hậu quả làm thiệt hại hơn 4,5 tỷ tỷ đồng (số tiền thiệt hại ban đầu). Như vậy không chỉ là hành vi thiếu trách nhiệm, mà còn liên quan đến lý do thật sự của việc ký các quyết định gây thiệt hại như thế?
“Nếu chỉ xem xét xử lý hành chính, và cơ quan Đảng chỉ xem xét xử lý ở mức nhẹ thì không công bằng. Bởi mọi công dân phải bình đẳng trước pháp luật, có tội phải xử lý, có công phải được khen thưởng. Ông Tâm là người có tội, hành vi phạm tội rõ ràng đã được cơ quan điều tra chỉ rõ thì tại sao không xem xét trách nhiệm hình sự, trong khi những người dưới quyền lại bị chịu trách nhiệm, bị truy tố?” đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trăn trở.
Cũng lập luận này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân, cơ quan điều tra, các cơ quan nội chính tỉnh Bắc Giang phải xem xét làm rõ sai phạm theo đúng pháp luật, nếu cơ quan điều tra của tỉnh không làm được thì đề nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc điều tra vụ việc. Đồng thời, các cơ quan Đảng phải xem xét trách nhiệm Đảng viên của ông Tâm.
Có cùng nỗi trăn trở trước “sức ép” làm theo chỉ đạo, ông Hoàng Văn Tuệ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Tây Yên Tử cho rằng: Nếu làm theo phương án ban đầu là bồi thường cho 2 hộ dân, thì sẽ không cán bộ nào bị bắt cả, đường này cấp trên lại chỉ đạo chuyển sang làm bồi thường cho 6 hộ dân người dân tộc thiểu số để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Sau này phát hiện sai và đã thu hồi Quyết định, thu hồi tiền cho Nhà nước nhưng tới nay (đầu tháng 5/2020) vẫn chưa thu hồi hết.
“Lúc đó tôi đâu có trong Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, mà chỉ được giao tuyên truyền và vận động bà con bàn giao đất cho Nhà nước để thực hiện dự án, khi vụ việc bị vỡ lở cá nhân tôi cũng bị Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Động kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và đang đợi Huyện ủy tiếp tục kỷ luật về Đảng. Nhiều cán bộ cũng dính vào vòng lao lý…,” ông Tuệ chia sẻ thêm./.
[Bài 1: ‘Siêu dự án’ hô biến mất nhà cửa của dân nghèo thành thị]
[Bài 2: Xây trước, xin sau và cái bóng của ‘nhóm lợi ích’]
[Bài 3: ‘Chiếc áo đô thị’ chật hẹp: Mỗi mảnh ghép một nỗi lo…]
[Bài 4: ‘Quy hoạch miệng, dự án ma’: Mê hồn trận giúp ‘con voi chui lọt lỗ kim’]
[Bài 5: Dự án kinh doanh núp áo du lịch tâm linh ‘tận diệt’ tài nguyên]
[Bài 6: Hệ lụy điều chỉnh quy hoạch: Tư nhân làm, ngân sách chịu!]
Bài 8: Buông lỏng kỷ cương trật tự xây dựng: ‘Anh em song sinh’ với tham nhũng