Buông lỏng kỷ cương trật tự xây dựng: Anh em song sinh với tham nhũng

'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ triệt để

Từ trạng hàng nghìn dự án, công trình xây dựng “vượt” quy hoạch, làm méo mó đô thị, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng buông lỏng kỷ cương trật tự xây dựng là "anh em song sinh" với tham nhũng.
'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ triệt để ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Bài 8: Buông lỏng kỷ cương trật tự xây dựng: ‘Anh em song sinh’ với tham nhũng

Trong hành trình tìm hiểu về “khối băng chìm quy hoạch đô thị” với hàng nghìn dự án, công trình xây dựng “vượt” quy hoạch, làm méo mó đô thị, biến dạng cảnh quan, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã ghi lại hàng loạt khoảng tối “có vấn đề” trong công tác thanh-kiểm tra, xử lý sai phạm. Từ đó hé lộ muôn kiểu tham nhũng bởi vết hằn của cái bóng quyền lực, dẫn tới những vụ khiếu kiện kéo dài, có những vụ diễn ra trong suốt nhiều năm, làm mất niềm tin trong nhân dân.

Điều gì sau những dự án vi phạm?

Hẳn những ai từng theo dõi “Sinh Tử”-bộ phim truyền hình dài tập thuộc thể loại chính luận, hình sự dựa trên những vụ án có thật mang hơi thở xã hội, đều thấy rõ hành vi tham nhũng, cán bộ mẫu cán của dân “thỏa hiệp” với doanh nghiệp bất động sản để “cùng hội cùng thuyền” ăn chia lợi nhuận phi pháp.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên Việt Nam có một bộ phim đi sâu phản ánh hoạt động nội bộ của các cơ quan, chính quyền một tỉnh. Lần đầu tiên công chúng được chứng kiến đời sống của quan chức trên phim, cách họ thực hiện công vụ, lối sống. Từ đó hé lộ những tham quan, cái kết của sự tha hóa, lợi ích nhóm.

Bộ phim kết thúc, với tình tiết Chủ tịch tỉnh Việt Thanh thừa nhận sai lầm. Nhưng hành động được nhìn nhận là ‘dám làm dám chịu” này chỉ có ở trên…phim. Thực tế, thì sao? Gõ vào google cụm từ “tham nhũng xây dựng,” trong 0,33 giây đã cho ra gần 111 triệu kết quả, tương tự từng đó thời gian, google cho ra hơn 2,6 triệu kết quả liên quan đến “tham nhũng đất đai.”

Kết quả này cho thấy thực trạng cá nhân, doanh nghiệp ngang nhiên thâu tóm tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, biến “của công” thành “của ông” thông qua hoạt động xây dựng dự án ngày càng phổ biến. Dưới lớp áo phát triển đô thị, phát triển kinh tế du lịch, các chủ dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, chung cư condotel đua nhau xây dựng trên những khu rừng tự nhiên, giá rẻ và vốn là đất công do Nhà nước quản lý, sau đó “hóa phép” thành những khu đất vàng, rao bán giá “trên trời” và đút túi khối tài sản riêng đồ sộ.

[Trên 3.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Quốc hội]

Điều này dẫn đến tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, đất đai nông nghiệp, lâm nghiệp, nhà dân ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho những tòa nhà cao tầng bê tông kiên cố, trung tâm thương mại… ảnh hưởng lớn đến môi sinh.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đã nghiêm khắc đặt ra câu hỏi: Điều gì đằng sau những tòa nhà sai phép, không phép, hàng trăm căn hộ sai thiết kế vượt tầng, nếu không phải là tham nhũng, không phải từ sự suy thoái biến chất của các cán bộ, đảng viên có chức vụ?

'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ triệt để ảnh 2Điều gì đằng sau những tòa nhà sai phép, không phép, hàng trăm căn hộ sai thiết kế vượt tầng? (Ảnh: CTV)

Việc 4 người là cán bộ thuộc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và Trung tâm phát triển quỹ đất Thái Bình, vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình bắt sau khi điều tra vợ chồng Đường Dương (doanh nghiệp “đen” bất động sản) phần nào cho thấy những mảng tối trong đấu giá đất không chỉ ở vùng quê lúa này.

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua cũng đã có không ít lãnh đạo, cán bộ thuộc các cấp quận, huyện bị xử lý do thiếu trách nhiệm, gây ra hậu quả nghiêm trọng tại một loạt dự án bất động sản như: Các dự án của Tập đoàn Mường Thanh ở Linh Đàm, tổ hợp chung cư-thương mại CT6 Xa La, Đại Thanh, Thanh Hà-Cienco 5… Đây chính là những chung cư, có số căn hộ vượt quá so với quy hoạch, trong số này, không ít căn hộ không phép đã bán cho người dân, khách hàng, dẫn tới khiếu kiện kéo dài nhưng đến bây giờ vẫn chưa làm được sổ đỏ.

Hay như vụ việc thâu tóm “đất vàng” ở Đà Nẵng. Theo cáo trạng được Viện Kiểm sát công bố tại tòa, Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng) và các đồng phạm vì những động cơ khác nhau đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các quy định về quản lý đất đai, giúp cho Phan Văn Anh Vũ thu lợi bất chính đặc biệt lớn thông qua việc nhận nhiều đất dự án, mua nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước.

Hành vi trái pháp luật của ông Minh và đồng phạm đã tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ trực tiếp được nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà, đất công sản và 6/7 dự án đất; tạo cơ hội cho Vũ có quyền quyết định việc chuyển nhượng, khai thác, sử dụng... nhằm trục lợi từ những giá trị tăng thêm của các bất động sản, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 22 nghìn tỷ đồng.

Mặc dù tại cơ quan điều tra, bị cáo Vũ không hợp tác khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng căn cứ theo kết quả điều tra, cơ quan tố tụng hoàn toàn đủ cơ sở xác định, Phan Văn Anh Vũ với động cơ thâu tóm thị trường bất động sản trên địa bàn để trục lợi đã lợi dụng chủ trương trái pháp luật tại các văn bản pháp lý của Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng do ông Trần Văn Minh ký…

Chi phí ngầm gây suy thoái đạo đức

Về chế tài xử lý vi phạm tình trạng xây dựng không phép, trái phép, theo đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang (tỉnh Cà Mau), thực tế tình trạng này xảy ra tràn lan, hầu như công trình xây dựng nào cũng có vi phạm, không nhiều thì ít. Nguyên nhân, theo đại biểu Thái Trường Giang là do trong điều luật về quản lý trật tự xây dựng không được rõ ràng, trong khi đó tốc độ phát triển đô thị quá nhanh và các cấp chính quyền quản lý xây dựng tại địa phương đôi khi buông lỏng quản lý.

Chỉ riêng tại Hà Nội, tìm hiểu phóng viên VietnamPlus cho thấy giai đoạn 2015-2016, trên địa bàn thành phố có 38/40 công trình vi phạm trật tự xây dựng vẫn tồn tại nổi cộm, như: Công trình 8B Lê Trực (Ba Đình); tòa nhà Hòa Bình Green City số 505 Minh Khai (Hai Bà Trưng); dự án nhà ở thấp tầng 108 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân); chung cư Mỹ Sơn Tower 62 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân); chung cư 89 Phùng Hưng (Hà Đông); tòa 04-HH02 (Nam Từ Liêm)...

Tuy vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia thì những công trình vi phạm này và công trình vi phạm tương tự, việc xử phạt hành chính bằng tiền dường như không mang lại hiệu quả răn đe. Với mức phạt tối đa hiện nay được áp dụng là 1 tỷ đồng, rõ ràng là quá nhỏ so với lợi nhuận chủ đầu tư thu được từ việc làm trái phép. Đơn cử, nếu xây vượt thêm một tầng, chủ đầu tư sẽ “sở hữu” được thêm vài chục căn hộ, số tiền lợi nhuận có thể thu được lên tới cả trăm tỷ đồng.

'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ triệt để ảnh 3Không chỉ những dự án chung cư cao tầng, các dự án thủy điện cũng góp phần phá vỡ quy hoạch, ngăn chặn dòng chảy, gây chết người, ảnh hưởng đến hạ du. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Vì thế, chủ đầu tư sẵn sàng chịu phạt, cùng đó là chi tiền để “bôi trơn” cán bộ, đoàn kiểm tra khi tổ chức thanh tra dự án, nhằm tìm cách hợp thức hóa phần sai phạm của mình. Từ đó nảy sinh tiêu cực, xuất hiện thói quen nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong các cơ quan liên quan, thậm chí là nảy sinh cả một đội ngũ “phóng viên đếm tầng” (giả mạo có, cộng tác viên hạng bét có và cả phóng viên có biên chế) của một số tạp chí, báo...

Từ những khoản tham nhũng “vặt” như món quà tặng xa xỉ, khoản lót tay kiểu “nhẹ nhàng, tình cảm, không đáng là bao” trị giá từ vài chục triệu lên tới cả vài trăm triệu… ở cấp tổ, phường khi phát hiện những căn nhà xây vượt tầng, vượt tum đến nhứng hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vòi vĩnh, nhũng nhiễu một cách bài bản, lớp lang của các cán bộ công chức cộm cán.

Có thể nhìn từ một ví dụ như vụ việc cán bộ Thanh tra Bộ Xây dựng “nhận tiền hối lộ” trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra giữa năm 2019. Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 12/6, tại Ban quản lý dự án huyện Vĩnh Tường, tổ công tác của Công an tỉnh này đã bắt quả tang Đặng Hải Anh (cán bộ Phòng thanh tra xây dựng) đang thực hiện hành vi nhận 90 triệu đồng của một doanh nghiệp trên địa bàn.

Khi bị bắt, Đặng Hải Anh thừa nhận hành vi nhận tiền để không giảm trừ khối lượng giá trị của một số hạng mục công trình mà doanh nghiệp đã thi công trên địa bàn.

Cùng ngày, tổ công tác của Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang Nguyễn Thị Kim Anh (Trưởng đoàn thanh tra Bộ Xây dựng) khi đang nhận 68 triệu đồng của kế toán Ủy ban Nhân dân xã Tân Tiến. Đồng thời bà Kim Anh cũng nhận 91,5 triệu đồng của một công chức tài chính kế toán Ủy ban Nhân dân thị trấn Thổ Tang,…

Tại kỳ họp 43 diễn ra đầu tháng 3/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận việc kiểm tra tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng, đặc biệt là liên quan đến vụ cán bộ thanh tra Bộ này bị bắt quả tang nhận tiền hối lộ tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra trong năm 2019.

Cơ quan kiểm tra cao nhất của Đảng nhận định: Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng đã vi phạm Quy chế làm việc, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên và trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, để một số cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, nhận hối lộ trong quá trình thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ triệt để ảnh 4Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng cần quy định rất rõ chế tài xử lý khi sai phạm xảy ra đối với chủ đầu tư cũng như cơ quan cán bộ quản lý nhà nước có liên quan. (Ảnh: CTV)

Vi phạm của Đảng ủy Thanh tra Bộ Xây dựng nhiệm kỳ 2015-2020 và các cán bộ nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, của Bộ Xây dựng và ngành Thanh tra, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét kỷ luật.

Lấy phòng ngừa để đẩy lùi nạn tham nhũng

Đóng góp ý kiến, đại biểu Quốc hội Bố Thị Xuân Linh (tỉnh Bình Thuận) cho rằng Đảng ta xác định đấu tranh chống tham nhũng là một nhiệm vụ lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì và thận trọng, không nóng vội, không chủ quan. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh không có vùng cấm.

Theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, sự quyết tâm, nỗ lực đó đã góp phần khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh.” Cử tri cho rằng “lò lửa chống tham nhũng” đang cháy, sức nóng của dư luận đang dâng cao và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, nạn tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành.

Vì thế, cần phải tập trung phát hiện và ngăn chặn từ gốc, lấy phòng ngừa để đẩy lùi nạn tham nhũng ngay từ lúc manh nha trong tư tưởng của mỗi cá nhân, tổ chức. Muốn vậy cần phải nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu về ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường công khai, minh bạch tài sản của tất cả cán bộ công chức để giảm tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng.

[Tổng Bí thư: Làm mạnh hơn công tác phòng chống tham nhũng]

Về công tác quản lý, giám sát công trình, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trật tự xây dựng. Theo ông, những quy định về xây dựng hiện nay được quy định rất chặt nhưng việc vi phạm về trật tự xây dựng vẫn tràn lan và phổ biến. Thế nhưng, có nhiều công trình khó xử lý, cán bộ không biết quy trách nhiệm cho ai.

“Tôi cho rằng nguyên nhân ở đây là chúng ta đang có một kẽ hở trong việc quy trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng. Đó là trách nhiệm của cơ quan, Ủy ban nhân dân địa phương hay là thanh tra xây dựng trong việc quy định này. Hai việc này đang có vẻ lập lờ và chồng lấn,” ông Cường nói và đề nghị trong dự thảo này phải phân định rất rõ ràng trách nhiệm quản lý về trật tự xây dựng và quản lý quy hoạch đó phải là trách nhiệm của ở cơ quan chính quyền địa phương.

Ngoài ra, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần quy định rất rõ chế tài xử lý khi sai phạm xảy ra đối với chủ đầu tư cũng như cơ quan cán bộ quản lý nhà nước có liên quan./.

[Bài 1: ‘Siêu dự án’ hô biến mất nhà cửa của dân nghèo thành thị]

[Bài 2: Xây trước, xin sau và cái bóng của ‘nhóm lợi ích’]

[Bài 3: ‘Chiếc áo đô thị’ chật hẹp: Mỗi mảnh ghép một nỗi lo…]

[Bài 4: ‘Quy hoạch miệng, dự án ma’: Mê hồn trận giúp ‘con voi chui lọt lỗ kim’]

[Bài 5: Dự án kinh doanh núp áo du lịch tâm linh ‘tận diệt’ tài nguyên]

[Bài 6: Hệ lụy điều chỉnh quy hoạch: Tư nhân làm, ngân sách chịu!]

[Bài7: Trôi nổi quả bóng trách nhiệm: Cấp trên làm sai, cấp dưới chịu tội]

[Bài 8: Buông lỏng kỷ cương trật tự xây dựng: ‘Anh em song sinh’ với tham nhũng]

Bài 9: Xử lý sai phạm làm méo mó đô thị: Không có vùng cấm

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.