Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trong khuôn khổ chuyến công tác tại châu Âu vừa qua của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, đoàn đã đến thăm làm việc với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt tại Hungary.
Tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.
Vì vậy, đây không chỉ là một cuộc gặp mặt với các cán bộ nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam, ý nghĩa hơn thế, đây là một cuộc “tiếp xúc cử tri” rất đặc biệt ở xa Tổ quốc của các đại biểu Quốc hội.
Rất nhiều ý kiến của đại diện các hội, đoàn người Việt đã được các đại biểu Quốc hội lần lượt giải đáp. Ngoài các vấn đề được quan tâm như xin trở lại quốc tịch Việt Nam; cấp căn cước công dân, tăng số lượng học bổng cho sinh viên Việt Nam; vấn đề dạy học tiếng Việt, giữ gìn phát huy văn hóa Việt Nam tại Hungary..., chủ đề được thảo luận sôi nổi nhất và nóng nhất là Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua tháng 1 năm nay.
Trả lời phóng viên TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo cho biết tại hội nghị trực tiếp và trực tuyến thông báo về Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thông qua, có thể cảm nhận được sự vui mừng, phấn khởi của đại diện kiều bào có mặt ở trong nước cũng như tại các đầu cầu khắp thế giới.
Cũng như kiều bào ở các nước khác, bà con người Việt ở Hungary rất hồ hởi khi nghe tin về Hội nghị và khá đông đại diện cộng đồng đã đến Đại sứ quán để tham gia tại đầu cầu Hungary.
Bà con đều phấn khởi khi nghe về những điểm mới của Luật Đất đai, trong đó quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn mang quốc tịch Việt Nam có đầy đủ các quyền bình đẳng như công dân trong nước trong việc mua, bán, trao tặng, thừa kế quyền sử dụng đất và nhà ở, đồng thời không có một hạn chế nào.
Trước đây, nhiều kiều bào từ Hungary về Việt Nam mua nhà đều phải nhờ họ hàng hay bạn bè đứng tên giúp. Cũng đã xảy ra một số trường hợp khi lòng tin không đặt đúng chỗ nên nhiều kiều bào phải chịu nhiều mất mát khi đầu tư về Việt Nam.
Do vậy, Luật đất đai sửa đổi vừa được thông qua như một làn gió mới mang tới cho kiều bào sự tin tưởng, niềm cảm hứng hướng về đầu tư tại quê hương, từ đó giúp các kiều bào càng gắn kết với quê hương.
Theo Đại sứ Nguyễn Thị Bích Thảo, Luật Đất đai 2024 có rất nhiều điểm mới đảm bảo về quyền lợi bình đẳng cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, Luật sẽ được áp dụng trong thực tế như thế nào là rất điều rất được quan tâm.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng đề nghị cần ban hành những hướng dẫn cụ thể để các cấp cơ sở có thể triển khai Luật thuận lợi. Thực tế hiện nay ở Việt Nam, các thủ tục, giấy tờ khi thực hiện các giao dịch bất động sản cũng chưa được đồng bộ, đặc biệt đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Do vậy, Đại sứ hy vọng từ nay cho đến khi Luật có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1/1/2025, sẽ có các quy định chi tiết về các thủ tục, giấy tờ cần thiết đối với các giao dịch bất động sản cho đối tượng là kiều bào.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Chu, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam toàn cầu, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary khẳng định Luật Đất đai (sửa đổi) mà Quốc hội thông qua đầu năm nay nhìn chung được tất cả các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại châu Âu nhiệt liệt ủng hộ, bởi thực sự luật sửa đổi tạo được sự công bằng giữa Việt kiều, doanh nghiệp Việt kiều với doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời thể hiện chính sách của nhà nước công nhận doanh nghiệp hải ngoại hay Việt kiều đều được hưởng chính sách công bằng như người Việt Nam.
Không chỉ được nhiều người hưởng ứng mà điều này còn tạo ra phong trào nhiều cá nhân, doanh nghiệp Việt kiều ở châu Âu có điều kiện về nước đầu tư trên mọi lĩnh vực, từ bất động sản, kinh doanh cửa hàng, mở nhà máy sản xuất và xuất khẩu.../.
Luật Đất đai 2024: Mở rộng quyền sử dụng đất đối với người Việt Nam ở nước ngoài
Một trong 5 nhóm nội dung thay đổi lớn tại Luật Đất đai 2024 là mở rộng quyền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.