Làm thế nào để 5 năm tới không thiếu nhân lực chăm sóc người bệnh tại các bệnh viện; người bệnh đi nằm viện không phải tính thêm phương án nhờ người nhà chăm sóc…, là trăn trở của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia tại cuộc họp góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn khung vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc tối thiểu trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập và Dự thảo Thông tư quy định danh mục phẫu thuật, thủ thuật.
Cuộc họp do Phòng Điều dưỡng Tiết chế và Kiểm soát nhiễm khuẩn phối hợp với Cậu lạc bộ Điều dưỡng trưởng Việt Nam và Hội điều dưỡng Việt Nam tổ chức ngày 9/3, tại Hà Nội, nhằm góp ý việc đảm bảo nhân lực chăm sóc trong các bệnh viện hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết trong thời gian qua, đội ngũ cán bộ y tế, trong đó có lực lượng điều dưỡng đã góp phần không nhỏ đẩy lùi dịch COVID-19. Có thể khẳng định, chưa bao giờ hình ảnh người thầy thuốc được nhân dân và xã hội tin yêu như hiện nay.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, nếu trong các cơ sở y tế có chăm sóc toàn diện đã không có lây nhiễm trong bệnh viện. “Sự kiện Bệnh viện Đà Nẵng phải đóng cửa khi để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện tại các khoa có bệnh nhân nặng như Hồi sức tích cực, Thận Nhân tạo… chính là bài học về chăm sóc, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Do đó vấn đề nhân lực điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh rất quan trọng, đặc biệt trong phòng chống dịch COVID-19,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê nói.
Đồng thời yêu cầu phải chấm dứt tình trạng người nhà chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện, trước mắt là các khoa trọng yếu như Hồi sức Tích cực, Cấp cứu… Có như vậy mới hạn chế được tình trạng lây nhiễm trong bệnh viện. Các cơ sở y tế phải khẩn trương tiến hành để đến 5 năm tới không còn tình trạng thiếu nhân lực chăm sóc trong bệnh viện.
[Lan tỏa tấm gương cán bộ ngành y trên tuyến đầu chống dịch]
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, hiện nay không ít bệnh viện thực hiện tự chủ nên hạn chế tuyển thêm nhân lực chăm sóc người bệnh. Trong khi đó, chất lượng bệnh viện, chất lượng chăm sóc người bệnh, sự hài lòng người bệnh phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ điều dưỡng. Nơi nào có chất lượng cao nơi đó sẽ thu hút đông bệnh nhân và được hệ số thanh toán bảo hiểm y tế cao.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận và cho ý kiến nhằm đưa ra định mức tối thiểu, khung về nhân lực điều dưỡng để vừa đảm bảo người bệnh được chăm sóc, trong đó tỷ lệ điều dưỡng/bác sỹ khác nhau ở các chuyên khoa Hồi sức tích cực, Nội , Ngoại, Sản, Nhi.
Các chuyên gia cũng đề nghị, việc tính nhân lực điều dưỡng cần thực hiện bằng cách lấy tổng khối lượng công việc của các điều dưỡng chia cho thời gian làm việc trung bình sẵn có trong năm của một điều dưỡng…
Theo Thông tư liên tịch 08/2007/TTLT-BYT-BNV, tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y/bác sỹ là 3-3,5/1 hiện có bất cập khi không dựa trên khối lượng công việc thực tế của điều dưỡng, không tính đến sự khác biệt giữa giường bệnh kế hoạch và thực kê; tình trạng quá tải, nằm ghép…
Theo đánh giá sơ bộ của Cục Quản lý Khám chữa bệnh tại 15 bệnh viện ở các chuyên khoa Hồi sức tích cực, Nội, Ngoại, Nhi, số nhân lực điều dưỡng cần bổ sung nếu thực hiện chăm sóc toàn diện phải tăng từ 2,3-4,6 lần so với nhân lực hiện tại. Ví dụ ở khoa Nhi, nhân lực hiện tại là 224 người, nếu không để người nhà chăm sóc cần phải có 1.247 điều dưỡng.../.