Lưu ý phòng chống tai nạn do hóc dị vật cho trẻ trong ngày Tết

Theo các chuyên gia y tế, dị vật đường thở là tai nạn rất nguy hiểm. Người bị hóc dị vật nhẹ thì bị ho sặc, tím tái, nặng thì có thể gây viêm phổi, suy hô hấp.
Lưu ý phòng chống tai nạn do hóc dị vật cho trẻ trong ngày Tết ảnh 1Bác sỹ nội soi tai mũi họng cho trẻ.(Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Theo các chuyên gia y tế, dị vật đường thở là tai nạn rất nguy hiểm. Người bị hóc dị vật nhẹ thì bị ho sặc, tím tái, nặng thì có thể gây viêm phổi, suy hô hấp.

Đặc biệt, có trường hợp nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

Nguy cơ từ hạt hướng dương, hạt dưa…

Ngày Tết Nguyên đán nghỉ lễ dài, đồng thời với việc trẻ em được vui chơi thoải mái, ăn uống vì thế cũng nhiều hơn.

Vào ngày Tết cổ truyền hầu như nhà nào cũng bày rất nhiều loại bánh kẹo, hạt hướng dương, hạt dưa, hạt điều, hạt đậu, hạt lạc, thạch… để mời khách.Thời điểm này, do người lớn tập trung vào nhiều việc như nấu cỗ, đón khách nên chỉ cần sơ sểnh một chút thì có nguy cơ trẻ em bị hóc các loại dị vật là những đồ ăn hay đồ chơi, những loại vật dụng nhỏ trong gia đình có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận rất nhiều trẻ nhỏ nhập viện do hóc dị vật, có tuần tới 4-5 ca. Dị vật trẻ hóc phải thường là đồng xu, đồ chơi, cúc áo, các loại hạt như hướng dương, đậu đỗ... Đặc biệt một số trường hợp trẻ nuốt phải các vật sắc nhọn như đinh vít, dây xích... đe dọa gây thủng thực quản.

Tác nhân gây dị vật đường thở ở trẻ rất đa dạng, có thể là hạt lạc, hạt ngô, hay mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, các mảnh nhựa của đồ chơi...

Như vậy, đồ vật thông dụng trong gia đình hay các thức ăn tưởng như vô hại đều có thể gây nguy hiểm cho đường hô hấp của trẻ.

Hầu hết các bé hóc dị vật đều được gia đình cho cầm đồ để chơi và không có người lớn giám sát. Lứa tuổi gặp tai nạn dạng này nhiều nhất là ở 6 tháng - 3 tuổi. Ở độ tuổi này trẻ rất tò mò và hay cho vào miệng các vật cầm chơi.

Những cách xử trí khi bị hóc dị vật

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, hóc dị vật ở trẻ nhỏ là tai nạn xảy ra thường xuyên trong bữa ăn và khi vui chơi... Tuy nhiên, trẻ hay gặp nhất là dị vật đường thở do thức ăn.

Bác sỹ Dũng dẫn chứng, chẳng hạn như khi trẻ đã ăn no, nhưng bát thức ăn vẫn còn nên người lớn nhét thêm cho trẻ, trong khi trẻ đang ậm oẹ chán ăn, khiến trẻ bị hóc thức ăn.

"Đây là điều rất nguy hiểm vì có thể gây dị vật đường thở. Sẽ rất nguy hiểm nếu đường thở của trẻ không mở ra, rồi hạt cơm, hạt cháo dính vào đường thở, khiến trẻ tím tái, ngừng thở,” bác sỹ Dũng phân tích.

Lưu ý phòng chống tai nạn do hóc dị vật cho trẻ trong ngày Tết ảnh 2Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) hướng dẫn cách sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật.

Trẻ cũng có thể hóc do uống thuốc, ăn các loại hạt như hạt na, hạt hướng dương, hạt nhãn, hạt lạc, thạch… Theo phó giáo sư Dũng, khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ thường bị mất bình tĩnh. Vì vậy, phụ huynh cần xử lý đúng cách và kịp thời mới không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Dị vật có trong đường thở từ 5-6 phút khiến trẻ ngừng thở, suy hô hấp.

Vì vậy, trong trường hợp phụ huynh nếu đang cho trẻ ăn, trẻ hóc dị vật thì ngay lập tức cho trẻ nằm sấp trên 1 tay của người lớn, hoặc đặt lên chân, giữ cổ thẳng, để đầu chúc, vỗ giữa lưng trẻ nhiều khoảng 5 cái để kích thích ho, cho dị vật bắn ra theo đường ho.

Khi bị sặc sữa, cháo hay hóc dị vật (thực phẩm cứng, đồ vật nhỏ), người chăm trẻ cần xử lý nhanh những thao tác sau: Bế trẻ quay sấp người, xác định vị trí dị vật để tác động lực phía lưng (chỗ giữa hai xương bả vai) vỗ mạnh 5-7 cái đẩy mạnh dị vật ra khỏi miệng trẻ.

Sau khi làm xong các động tác trên nếu thấy khó thở, tím tái, cần đặt trẻ nằm ngửa và dùng hai ngón tay trỏ ấn nhanh, mạnh vào xương ức. Nếu trẻ bị hóc cháo, sữa, canh… chảy từ mũi miệng ra cần hút kỹ để thông đường thở, tránh để dịch ứ đọng trong mũi, miệng. Sau khi trẻ tỉnh táo đưa đến cơ sở y tế.

Theo phó giáo sư Dũng, trong trường hợp dị vật không ra, thì người nhà của bé có thể quay lại lấy tay móc họng, dị vật sẽ ra. Trong tình huống như thế, dị vật không thể trôi xuống được.

Đối với trẻ lớn, cách xử lý là ôm xốc sát người, đặt tay dưới xương ức, xốc nhẹ lên khoảng 5 cái.

Bác sỹ Dũng đặc biệt lưu ý, với trẻ bị hóc dị vật thì tuyệt đối không được đặt trẻ nằm ngửa, vuốt ngực xuôi xuôi. Nếu không dị vật sẽ rơi vào sâu hơn, thậm chí vào phổi.

Lời khuyên quan trọng nhất của các bác sỹ với những bậc phụ huynh trong dịp Tết là không để trẻ chơi các đồ chơi nhỏ, sắc nhọn, đồng thời cần luôn giám sát, không để trẻ chơi một mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục