‘Mảnh đất’ hàng không chật chội, khan hiếm giám sát viên an toàn

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều “gương mặt” mới rục rịch tham gia vào thị trường cũng như các hãng đề xuất nâng quy mô đội bay, việc bổ sung nhân lực giám sát viên bay là một nhiệm vụ cấp thiết.
Tính hết tháng 9/2019, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đạt 200 chiếc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Tính hết tháng 9/2019, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đạt 200 chiếc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Thị trường hàng không Việt Nam đang trở nên sôi động và chật chội khi có thêm nhiều “gương mặt” mới tham gia và đội tàu bay gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó, hạ tầng hàng không đang là điểm nghẽn phát triển và việc "khát nhân lực" giám sát viên bay an toàn cũng là vấn đề đáng được lưu tâm.

Liệu có còn dư địa “cõng” khách?

Theo đánh giá và dự báo của Hiệp hội các hãng hàng không Quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam là một trong 5 thị trường có sự phát triển tốt nhất thế giới cho đến năm 2035.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, tính hết tháng Chín, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đạt 200 chiếc, tăng gần gấp đôi so với thời điểm tháng 8/2014 (102 chiếc). Trong đó, Vietnam Airlines (bao gồm Công ty bay dịch vụ hàng không Việt Nam-VASCO) 98 tàu, Jetstar Pacific Airlines 18 tàu, Vietjet 70 tàu, Bamboo Airways 10 tàu.

Trong tám tháng của năm nay, sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không đạt 53,3 triệu khách, tăng 11,5%; trong đó, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt 37,3%, tăng gần 10% so với cùng kỳ 2018.

['Chạy đua' mua tàu bay làm quá tải trầm trọng hạ tầng hàng không]

Giai đoạn 2014-2018, thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hoá. Năm 2018, tổng thị trường vận tải hàng không đạt xấp xỉ 70 triệu khách, tăng 12,6% so năm 2017.

“So với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan hay Hàn Quốc, với quy mô thị trường 100 triệu khách năm 2017, có thể thấy thị trường mới đạt 70 triệu khách của ta vẫn còn khoảng cách cũng như dư địa để phát triển,” lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Theo Quyết định 236 và dự báo tình hình phát triển thị trường vận tải hàng không, sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam xấp xỉ 96 triệu khách vào năm 2025. Để đảm bảo vận chuyển lượng hành khách này, số lượng máy bay tương ứng của các hãng hàng không Việt Nam là 255 máy bay vào năm 2020 và 384 máy bay vào năm 2025 (số liệu được tính toán trên cơ sở thực tiễn khai thác của các hãng hàng không Việt Nam trung bình là 250.000 khách/máy bay/năm).

Hiện tại, Việt Nam hiện có các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific, VASCO, Hải Âu, Bamboo Airways và mới đây đã có sự tham gia mạnh mẽ của các hãng bay đang xếp hàng chờ cơ hội cất cánh gồm Vietstar Airlines, Vinpearl Air, Vietravel Airlines và hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir).

Trong khi đầu tư cho hạ tầng hàng không đang gặp rất nhiều khó khăn và chưa theo kịp tốc độ gia tăng đội tàu bay mà điển hình là khai thác vượt công suất như sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng…, các hãng hàng không mới mở chỉ còn cách lách qua “khe cửa hẹp” bằng việc đặt sân bay căn cứ ở Phù Cát (Quy Nhơn), Chu Lai (Quảng Nam), Phú Bài (Huế) để mở các đường bay ngách, kết nối và phát triển kinh tế vùng.

Lý do được phía Cục Hàng không đưa ra bởi đường bay trục Tân Sơn Nhất-Nội Bài chiếm phần quan trọng trong mạng đường bay của các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác hiện đã vượt công suất nên việc gia tăng khai thác để đáp ứng nhu cầu của thị trường là rất hạn chế.

Dẫn chứng, năm 2018, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air khai thác đường bay Nội Bài-Tân Sơn Nhất chiếm tới 22,7% thị phần nội địa, với hệ số sử dụng ghế lên tới 90% (cứ 5 khách bay nội địa thì có 1 khách đi trên đường bay này).

Nhìn nhận dư địa cho ngành hàng không còn rất nhiều, trong 10-20 năm tới nhu cầu đi lại rất cao kể thị trường nội địa hay quốc tế, lãnh đạo một hãng hàng không cho rằng, có thêm hãng mới sẽ càng thêm cạnh tranh bởi nâng cao chất lượng dịch vụ và “thượng đế” sẽ là người có quyền lựa chọn.

"Khát nhân lực" giám sát viên an toàn

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều “gương mặt” mới rục rịch tham gia vào thị trường cũng như các hãng đề xuất nâng quy mô đội bay, việc bổ sung nhân lực giám sát viên bay là một nhiệm vụ cấp thiết đề ra cho ngành hàng không Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, từ năm 2019-2025, giám sát viên an toàn hàng không sẽ phải tăng từ 49 lên 86 người (tăng 37 người) vào năm 2025 để giám sát đội bay 384 máy bay, con số này được tính vừa khít với kế hoạch tăng trưởng đội bay của các hãng hiện đang hoạt động.

Cụ thể, Bamboo Airways đã được Chính phủ phê duyệt cho nâng quy mô đội bay từ 10 lên 30 máy bay ngay nửa đầu năm 2020 và đặt mục tiêu tiếp tục phát triển lên 100 máy bay vào năm 2024.

Trong khi đó, đội bay của Vietnam Airlines bao gồm cả VASCO dự kiến đạt 107 chiếc vào năm 2020, tăng lên 135 chiếc vào năm 2025. Đội máy bay của Jetstar Pacific đến năm 2020 là 22 chiếc và đến năm 2025 là 32 chiếc. Vietjet Air hiện đang xây dựng kế hoạch đạt 102 chiếc vào năm 2020, 200 chiếc vào năm 2025, tuy nhiên đang vấp phải khuyến nghị từ Cục Hàng không Việt Nam.

[Hạ tầng yếu kém, thêm hãng bay mới liệu có ‘vỡ trận’ hàng không?]

Có thể thấy rằng, nguồn nhân lực giám sát viên an toàn hàng không là bài toán hóc búa mà Cục Hàng không Việt Nam đang tìm giải pháp. Theo báo cáo từ Cục Hàng không, tổng số giám sát viên an toàn hàng không của Cục hiện nay là 49 người, bao gồm cả số giám sát viên bay và giám sát viên đủ điều kiện bay thuê theo hợp đồng, đảm bảo giám sát 256 máy bay.

‘Mảnh đất’ hàng không chật chội, khan hiếm giám sát viên an toàn ảnh 1Thị trường hàng không tăng trưởng nhanh trong thời gian qua đã gây áp lực lên hạ tầng hàng không và giám sát viên an toàn bay. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Để đảm bảo đủ số lượng nhân lực này, Cục Hàng không đã sử dụng các giám sát viên an toàn chuyên trách và kiêm nhiệm từ các hãng hàng không, các tổ chức bảo dưỡng tàu bay. Tuy nhiên, chỉ tính riêng 2019, nếu muốn có đủ 10 giám sát viên bay thì cần thêm 4 giám sát chuyên trách và 19 giám sát kiêm nhiệm (vì các giám sát kiêm nhiệm chỉ đáp ứng được 30% công việc).

“Có thể thấy, bổ sung giám sát viên an toàn hàng không (mà giám sát viên bay chỉ là một phần trong số này) là nhu cầu bức thiết nhất của ngành hàng không và là vấn đề về nhân lực chuyên ngành sẽ được ưu tiên giải quyết trong thời gian tới,” lãnh đạo Cục Hàng không nhìn nhận.

Để đảm bảo kế hoạch giám sát an toàn khai thác bay trong năm 2020, Cục Hàng không Việt Nam đang cần bổ sung thêm 7 giám sát viên an toàn để giám sát đội bay 295 chiếc. Trước yêu cầu đề ra này, hãng hàng không Bamboo Airways đã đề cử 2 giám sát viên để hỗ trợ nhân sự cho Cục Hàng không. Cùng với 6 giám sát viên đến từ các hãng hàng không đang trong giai đoạn xin cấp phép khác, các doanh nghiệp đã đề cử tổng số 8 giám sát viên bay cho Cục Hàng không.

Nhấn mạnh việc chủ động đề xuất bổ sung nhân sự nhằm đóng góp giảm tải phần nào áp lực về nhân sự giám sát viên bay cho cơ quan chức năng, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết: “Trong thời gian tới, Bamboo Airways có thể hỗ trợ cho Cục Hàng không từ 7 đến 10 giám sát viên bay, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Cục cũng như các tiêu chuẩn quốc tế nếu được huy động.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục