Mạnh tay xử lý ‘sốt đất ảo’ đảm bảo an toàn cho người có nhu cầu thực

Sau một thời gian ngắn tạm lắng, tình trạng “sốt ảo” giá đất đi đôi với hoạt động đầu cơ đang có dấu hiệu quay trở lại ngay trong các tháng đầu năm 2022.
Mạnh tay xử lý ‘sốt đất ảo’ đảm bảo an toàn cho người có nhu cầu thực ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Mạnh Khánh/TTXVN)

Trước tình trạng một số nơi đang có dấu hiệu “sốt ảo” giá đất trở lại, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cần có phương án đồng bộ, xử lý kịp thời, mạnh tay hơn trước tình trạng gây nhiễu loạn thị trường từ các “cò đất, cò nhà,” để đảm bảo quyền lợi cho những người có nhu cầu thực.

Lo “sốt” đất ảo trở lại

Những ngày đầu tháng 3/2022, mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn clip ghi lại cảnh hàng trăm người tụ tập ở một khu đất trống có phần hẻo lánh trên địa bàn xã Triệu Ái (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) để giao dịch, mua bán đất.

Đáng nói là chỉ trong thời gian ngắn, các lô đất tại một khu làng có phần hẻo lánh của xã Triệu Ái đã được các “cò” đất thi nhau đẩy giá lên tới hàng trăm triệu đồng. Hoạt động trên xuất hiện trong nhiều đoạn clip được lan truyền trên mạng xã hội.

Theo hình ảnh clip ghi lại, khu đất trên mới được san ủi, phân thành một số lô đất. Xung quanh là rừng tràm và chỉ có thưa thớt vài nhà dân sinh sống nhưng lại xuất hiện rất nhiều ôtô, xe máy đậu kín đường, với hàng trăm người có mặt; trong đó có rất nhiều người được cho là “cò” đất ở nơi khác đến “lướt sóng” kiếm lời.

[Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sẽ làm rõ việc ‘hứa mua, hứa bán’ đất đai]

Trước đó, trong tháng 2/2022, mạng xã hội cũng xôn xao clip ghi lại cảnh nhộn nhịp giao dịch đất nền, chốt cọc chỉ trong vòng vài phút tại một góc đồi thuộc xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, đây chỉ là dự án “ma,” bởi trên địa bàn này không có bất kỳ dự án khu dân cư nào được cấp phép.

Theo dõi thực trạng trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết “sốt ảo” giá đất đi đôi với hoạt động đầu cơ đang có dấu hiệu quay trở lại ngay trong các tháng đầu năm 2022.

Đáng chú ý là ngay sau các cuộc đấu giá đất “phá vỡ” mặt bằng giá thị trường tại Thủ Thiêm, đã xuất hiện các hành vi lợi dụng giá trúng đấu giá “ảo” để “té nước theo mưa,” cũng như “thổi” giá đất, giá nhà tại nhiều địa phương hoặc để trục lợi.

Trong văn bản phản hồi ý kiến đóng góp về tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và xây dựng Luật đất đai (sửa đổi) mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng lưu ý rằng việc “thổi” giá đất là một trong những vấn đề gây bức xúc và thiệt hại cho một bộ phận người dân có nhu cầu sử dụng thực…

“Mạnh tay” xử lý “cò đất, cò nhà”

Trước thực tế trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng các địa phương cần mạnh tay hơn trong việc xử lý kịp thời tình trạng gây nhiễu loạn thị trường từ “cò đất, cò nhà,” để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Mạnh tay xử lý ‘sốt đất ảo’ đảm bảo an toàn cho người có nhu cầu thực ảnh 2Bảng giới thiệu về khu đất để hấp dẫn người mua. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Trong văn bản vừa gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường, phía Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đưa ra một số đề xuất sửa đổi Luật Đất đai theo phương án đảm bảo việc điều chỉnh đúng, phù hợp với thực tiễn quản lý, sử dụng đất; quy định xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm về đất đai; sớm hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, quản lý đất đai công khai, minh bạch, hiệu quả…

Để ngăn chặn tình trạng xuất hiện hành vi được cho là gây nhiễu loạn thị trường bất động sản, mới đây, một số địa phương cũng đã vào cuộc với tinh thần xử lý nghiêm.

Đơn cử như tại huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), ngày 4/3 vừa qua, ủy ban nhân dân huyện này đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính 100 triệu đồng đối với một doanh nghiệp địa ốc về hành vi “kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản đồng thời vừa là nhà môi giới, vừa là bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản.” Ngoài xử phạt hành chính, huyện này cũng đề xuất lập đoàn thanh tra toàn diện việc mua bán đất của doanh nghiệp địa ốc này.

Tại tỉnh Quảng Trị, liên quan đến những thông tin “sốt” trong hoạt động chuyển nhượng đất tại xã Triệu Ái, ngày 11/3, ủy ban nhân dân huyện Triệu Phong cũng đã tổ chức buổi họp khẩn với lãnh đạo xã Triệu Ái và các đơn vị liên quan để chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô bán nền tại địa bàn xã này.

Còn tại Vĩnh Phúc, mới đây, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh này cũng đã ký Chỉ thị số 10 về tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh. Theo Chỉ thị này, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc sẽ không xem xét giải quyết những đề xuất mới về chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại các dự án, bán nền tại các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở trên địa bàn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.