Dự kiến, công tác lắp đặt máy đào hầm đầu tiên (gọi tắt là TBM) cho tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội sẽ hoàn thành vào giữa tháng 1/2021, sau đó kiểm tra và chạy thử trong khoảng 2 tuần để kết thúc vào cuối tháng 1/2021.
Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), tháng 10/2020, máy TBM đã cập cảng Hải Phòng và chuyển về ga S9. Máy do hãng Herrenkecht (Đức) chế tạo theo công nghệ TBM (Tunnel Boring Machine) có chiều dài khoảng 90m, nặng khoảng 850 tấn với bộ phận khiên đào phía trước đường kính 6,55m; tốc độ đào hầm trung bình khoảng 10-12m/ngày và tối đa có thể đạt 18m/ngày
Cỗ máy tiếp theo dự kiến sẽ cập cảng Hải Phòng vào tháng 12/2020. Sau khi lắp ráp xong máy TBM sẽ bắt đầu khoan từ ga S9 tới ga S12-ga Hà Nội ở cuối đường Trần Hưng Đạo với tổng chiều dài 4km. Khoan đến đâu vỏ hầm sẽ được lắp đến đấy. Vỏ hầm có độ dày 30cm, chống thấm tuyệt đối. Giữa các khe của vỏ hầm được làm khít bằng gioăng cao su. Có 20 kỹ sư vận hành đến từ Hàn Quốc, Italy và Fecon thực hiện điều khiển TBM.
Máy TBM gồm nhiều bộ phận phức tạp như đầu cắt, khiên, khoang đào, cánh tay trộn, vỏ hầm, hệ thống vận chuyển đất thải... vì vậy việc vận chuyển và lắp đặt mất rất nhiều thời gian.
“Dự kiến công tác lắp đặt máy TBM thứ 1 sẽ hoàn thành vào giữa tháng 1/2021, sau đó kiểm tra và chạy thử trong khoảng 2 tuần để kết thúc vào cuối tháng 1/2021. Trong điều kiện lý tưởng, không gặp trở ngại hay sự cố gì thì việc đào hầm sẽ diễn ra đúng theo tiến độ của dự án,” ông Hiếu cho hay.
Mỗi robot đào hầm tương tự như dự án Nhổn-Ga Hà Nội có giá trị khoảng 10-15 triệu USD, tuy nhiên, khi đào hoàn thành xong dự án Nhổn- Ga Hà Nội, bộ phận khiên đào (đắt nhất của máy TBM) sẽ hết khấu hao và với dự án mới thì nhà thầu sẽ dùng máy mới hoàn toàn để đảm bảo chất lượng công trình.
[Máy đào hầm của tuyến metro Nhổn-ga Hà Nội đã về đến Việt Nam]
Đề cập đến tiến độ đào hầm, ông Hiếu thừa nhận, công trình ngầm khi thi công sẽ có nhiều tiềm ẩn nhưng phía MRB đã bám sát tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ để đưa đoạn đi ngầm của tuyến đường sắt này dài 4,5km còn lại sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2022.
Khẳng định khi khoan hầm thì khu vực địa chất nhà dân xung quanh sẽ không bị ảnh hưởng, ông Hiếu cho rằng, máy khoan có khiên đào cân bằng áp lực đất EPB (Earth Pressure Balance), điểm ưu việt của công nghệ EPB là tính ổn định cao, do đó trong khi đào không thay đổi địa chất nhiều.
“Trong quá trình robot đào hầm, sẽ đặt các bộ đo cảm biến ở phía trên, nếu các bộ đo cảm biến này cảnh báo về độ rung lắc… vượt mức cho phép thì lập tức máy TBM cũng sẽ tạm dừng đào để xử lý. Các đơn vị nhà thầu có thiết bị quan sát độ võng lún và đưa ra kịch bản biện pháp xử lý khi xảy ra khu vực có khả năng chuyển vị nền đất,” vị Phó Ban MRB nhấn mạnh.
Ông Vũ Thế Mạnh, Quản lý dự án của nhà thầu FECON thông tin, việc vận hành hai máy TBM đào hầm tại tuyến này sẽ do Fecon đảm nhiệm dưới sự giám sát và tham gia của các chuyên gia, kỹ sư nước ngoài, của nhà sản xuất TBM.
“Máy đào hầm TBM là loại tự cân bằng áp lực trong khi đào, không gây mất áp lực lòng đất nên việc xảy ra sụt lún công trình phía trên là hiếm. Fecon đã có kinh nghiệm xử lý sự cố với dự án metro Bến Thành- Suối Tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đường hầm của tuyến này chạy sát qua nhà hát lớn, chỉ cách khoảng 7m nhưng không gây sụt lún hay ảnh hưởng đến các công trình xung quanh,” ông Mạnh quả quyết.
Theo ông Mạnh, tại Việt Nam chưa có nhà thầu nào vận hành được robot đào hầm này. Fecon là đơn vị đầu tiên là duy nhất hiện nay nhưng để vận hành được vẫn cần phải có sự chỉ đạo của các chuyên gia nước ngoài bởi việc đào ngầm dưới lòng đất sâu rất phức tạp,” ông Mạnh tiết lộ./.
Dự kiến tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội sẽ khai thác thương mại trước đoạn trên cao dài 8,5km vào cuối năm 2021, bắt đầu từ Nhổn đến ga S8-Đại học Giao thông Vận tải; 4km đoạn đi ngầm còn lại sẽ khai thác vào cuối năm 2022. Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước. |