Mở rộng phạm vi hoạt động của người hành nghề y học cổ truyền

Theo dự thảo, người hành nghề lĩnh vực y học cổ truyền được đào tạo thêm các chuyên khoa, các kỹ thuật khác thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt bổ sung thêm phạm vi hoạt động.
Mở rộng phạm vi hoạt động của người hành nghề y học cổ truyền ảnh 1Nhân viên y tế chăm sóc điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối tượng hành nghề lĩnh vực y học cổ truyền.

Theo dự thảo, phạm vi hoạt động chuyên môn đối với người hành nghề là bác sỹ (bác sỹ y học cổ truyền, bác sỹ định hướng y học cổ truyền) như sau: Thực hiện sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu; kết hợp thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu với thuốc hóa dược; kê đơn thuốc hóa dược theo quy định của Bộ Y tế.

[Phát triển kinh tế dược liệu: “Kho báu” khởi đầu từ cộng đồng]

Dự thảo nêu rõ, trường hợp người hành nghề lĩnh vực y học cổ truyền được đào tạo thêm các chuyên khoa, các kỹ thuật khác thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt bổ sung thêm phạm vi hoạt động chuyên môn, kỹ thuật đã được đào tạo.

Người hành nghề y học cổ truyền có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền được sử dụng thuốc cổ truyền, dược liệu, thuốc dược liệu và được bào chế, sơ chế, sản xuất thuốc cổ truyền, dược liệu, thuốc từ dược liệu để kê đơn, điều trị tại cơ sở.

Ngoài ra, bác sỹ y học cổ truyền, bác sỹ định hướng y học cổ truyền còn tham gia tuyên truyền, tư vấn phòng bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Theo dự thảo, người hành nghề là lương y thực hiện sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, thực hiện kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu theo quy định của Bộ Y tế đồng thời, thực hiện kỹ thuật, thủ thuật chuyên ngành y học cổ truyền.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ phê duyệt danh mục kỹ thuật căn cứ vào danh mục kỹ thuật tuyến cơ sở và điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở.

Người hành nghề y học cổ truyền có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền được sử dụng thuốc cổ truyền, dược liệu, thuốc dược liệu và được bào chế, sơ chế dược liệu để kê đơn điều trị tại cơ sở. 

Phạm vi bào chế, sơ chế vị thuốc y học cổ truyền, dược liệu được theo quy định điều kiện giấy chứng nhận lương y; giấy chứng nhận, chứng chỉ khác về y dược cổ truyền và thời gian thực hành để cấp chứng chỉ về dược cổ truyền.

Lương y cũng tham gia tuyên truyền, tư vấn phòng bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục