Mỗi năm Việt Nam có gần 24.000 người tử vong vì mắc ung thư phổi

Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương cho biết với ung thư phổi nếu như tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn sớm đạt 90% thì ở giai đoạn cuối tỷ lệ này chỉ còn dưới 10%.
Bác sỹ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) khám cho một bệnh nhân mắc ung thư phổi. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Bác sỹ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) khám cho một bệnh nhân mắc ung thư phổi. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Theo Tổ chức Ghi nhận ung thư Thế giới Globocan 2020, ung thư phổi là một trong ba loại ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các loại ung thư trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai về tỷ lệ mắc mới ,với hơn 26 000 ca cũng như tỷ lệ tử vong gần 24 000 ca hằng năm ở cả 2 giới, sau ung thư gan.

Thông tin trên được Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra tại Hội nghị khoa học Cập nhật tiến bộ trong sinh học phân tử, chẩn đoán và điều trị ung thư phổi diễn ra trong 2 ngày 9-10/3 tại Hà Nội.

[Khoảng 15% bệnh nhân phát hiện ung thư phổi ở VN còn sống sau 5 năm]

Phân tích về thực trạng bệnh ung thư được ghi nhận hiện nay, Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương cho biết bệnh ung thư ngày càng có xu hướng tăng, tỷ lệ ung thư ngày càng trẻ hóa và ung thư phổi cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Đáng lưu ý, thời gian gần đây, trong thực tế điều trị, các bác sĩ nhận thấy tỷ lệ trẻ hóa trong ung thư phổi nhiều hơn, đặc biệt tình trạng nữ giới mắc ung thư phổi cũng có dấu hiệu nhiều lên, trong khi với bệnh này lâu nay thường gặp ở nam giới hơn nữ giới.

Phó giáo sư Phương cho biết với ung thư phổi nếu như tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn sớm đạt 90% thì ở giai đoạn cuối tỷ lệ này chỉ còn dưới 10%.

Những năm gần đây, nhờ những tiến bộ trong chẩn đoán cũng như điều trị, bệnh ung thư phổi có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm, gia tăng tỷ lệ điều trị khỏi cũng như kéo dài thời gian sống, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ở giai đoạn muộn. Trước đây khoảng 10 năm, các bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn với các tổn thương ung thư di căn phổi, màng phổi, di căn xương, di căn gan, di căn não thường chỉ sống được hơn 6 tháng.

Theo các chuyên gia, để phòng ung thư phổi, mỗi người cần hạn chế các chất, tác nhân gây bệnh ung thư như thuốc lá, thực phẩm, hóa chất độc hại… Bên cạnh đó, người dân cũng cần duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, tập thể dục thể thao đều đặn và thường xuyên thăm khám sức khỏe định kỳ...

Mỗi năm Việt Nam có gần 24.000 người tử vong vì mắc ung thư phổi ảnh 1Hội nghị là dịp để các chuyên gia Việt Nam cập nhật nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị ung thư phổi. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Về dấu hiệu nhận biết ung thư phổi, các chuyên gia cho hay người bị ung thư phổi thường có các dấu hiệu báo động đỏ như: Ho nhiều, ho ra máu, đau ngực, thỉnh thoảng co giật, đặc biệt giảm cân rất nhanh. Có bệnh nhân giảm đến 10kg trong 3 tháng.

Vì vậy, hội nghị là dịp để các chuyên gia Việt Nam cập nhật nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị ung thư phổi. Đặc biệt, các tiến bộ này đã đi sâu đến sinh học phân tử, công nghệ gene, tế bào, từ đó đánh giá được người bệnh này mang những đột biến gen gì để từ đó có phương pháp điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch hiệu quả, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng điều trị của người bệnh.

Tại hội nghị, nhiều bài báo cáo khoa học mang tính chuyên sâu, cập nhật các tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị ung thư phổi của chuyên gia nước ngoài và các bệnh viện hàng đầu trong cả nước đã được trình bày như: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch, sinh học phân tử…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục