Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, sau 20 ngày triển khai thực hiện làm thẻ miễn phí đi xe buýt, đến nay đã có gần 100.000 người thuộc diện ưu tiên (gồm người cao tuổi, nhân khẩu hộ nghèo, người có công, người khuyết tật) nộp hồ sơ làm thẻ miễn phí đi xe buýt.
“Hiện, số lượng người cao tuổi đến nộp hồ sơ làm thẻ tuy có giảm dần nhưng vẫn quá tải tại một số điểm tiếp cận. Trung bình mỗi ngày có gần 10.000 người đến các điểm bán vé xe buýt để đăng ký, cao điểm nhất là các ngày từ 24-27/8. Trong số này, đa phần là người trên 60 tuổi - đối tượng mới được thành phố bổ sung sử dụng phương tiện công cộng miễn phí từ 1/9,” ông Hải cho hay.
Để giảm tải cho các điểm tiếp nhận hồ sơ và bộ phận sản xuất thẻ, tạo thuận lợi cho người cao tuổi có nhu cầu đi xe buýt miễn phí nhưng chưa đăng ký làm thẻ, người cao tuổi khi đi xe buýt tại Hà Nội chỉ cần xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân (bản chính) để kiểm tra, kiểm soát. Thời gian thực hiện đến hết ngày 31/10/2019.
[Từ ngày 1/9, Hà Nội miễn phí đi xe buýt cho người thuộc diện ưu tiên]
Theo số liệu của Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị, trước đây trên địa bàn thành phố có khoảng 20.000 người cao tuổi thường xuyên mua vé tháng để đi xe buýt. Giá vé hỗ trợ cho các đối tượng được làm thẻ là 100.000 đồng/người/tháng.
Các đối tượng được cấp thẻ xe buýt miễn phí trên địa bàn Hà Nội chỉ cần mang chứng minh thư và ảnh 3 x 4 đến 62 điểm làm vé xe buýt của thành phố Hà Nội và khai thông tin là được cấp thẻ.
Các điểm bán vé sẽ tiếp nhận hồ sơ và chuyển đến Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị. Trung tâm căn cứ vào hồ sơ tổ chức sản xuất thẻ và bàn giao thẻ miễn phí cho các điểm bán vé trên địa bàn thành phố. Các điểm bán vé sẽ thực hiện trả thẻ cho người được cấp thẻ.
Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị sẽ trả thẻ sau 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.
Thẻ đi xe buýt miễn phí có thời hạn sử dụng trong vòng 5 năm đối với các đối tượng người cao tuổi, người có công, người tàn tật và sử dụng trong 1 năm đối với đối tượng người thuộc hộ nghèo./.