Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tại Việt Nam, mỗi ngày có 24 người chết và 60 người thương tật suốt đời vì tai nạn giao thông. Ùn tắc giao thông vẫn xảy ra ở các thành phố lớn đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2016 vào sáng ngày 22/12.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhìn nhận, những thiệt hại to lớn mà tai nạn giao thông gây ra đối với sinh mạng, sức khỏe người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội là rất lớn.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng 1,25 triệu người và làm hơn 50 triệu người thương tật, nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 2,5% GDP (tương đương 1.500 tỷ USD). Đây là thách thức của mỗi quốc gia, chính phủ, tổ chức và công dân.
“Ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trong những năm vừa qua, tai nạn giao thông liên tục được kéo giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tai nạn giao thông tại các địa phương từng bước được khắc phục,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Khẳng định và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong đảm bảo an toàn giao thông, tuy nhiên, Phó Thủ tướng thừa nhận, tình hình trật tự an toàn giao thông và tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp. Mỗi ngày có 24 người chết và 60 người thương tật suốt đời vì tai nạn giao thông. Ùn tắc giao thông vẫn xảy ra ở các thành phố lớn, thậm chí hàng chục chuyến bay lần lượt chờ hạ cánh trên bầu trời ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, số lượng phương tiện giao thông ngày càng gia tăng nhanh chóng, thực tế này đòi hỏi nước ta phải thực hiện các giải pháp xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, xây dựng thể chế, có các giải pháp kiềm chế và đảm bảo an toàn giao thông…
Với 8 chủ đề của hội nghị, Phó Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học chỉ ra được gốc rễ, đưa ra giải pháp triệt để, hiệu quả tai nạn, ùn tắc giao thông đồng thời đề xuất các công trình nghiên cứu sửa đổi hoàn thiện Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông; công nghệ an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020 trong đó trọng tâm là hoàn thiện dữ liệu trật tự an toàn giao thông, cơ chế phối hợp chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị liên quan.
Ngoài ra, hội nghị cũng nghiên cứu các giải pháp toàn diện nâng cao an toàn giao thông cho những người dễ bị tổn thương như đi xe đạp, xe máy, đi bộ; nghiên cứu hiệu quả tuần tra kiểm soát an toàn giao thông; nghiên cứu các giải pháp kiểm soát kiềm chế kéo giảm ùn tắc giao thông đang là vấn đề bức xúc ở Việt Nam đặc biệt là 2 đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu tác động, thay đổi hành vi của ng tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ban thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổng hợp thành danh mục khoa học đã công bố gửi đến các địa phương triển khai xây dựng các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông./.
Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2016 bao gồm 8 chủ đề đó là quản lý an toàn giao thông đường bộ; hạ tầng và tổ chức giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; người tham gia giao thông; ứng phó sau tai nạn giao thông; an toàn giao thông đường sắt; an toàn giao thông đường thủy nội địa; phiên quốc tế với nội dung “Nghiên cứu các vấn đề về bảo hiểm trong giao thông vận tải Việt Nam: Những bất cập và giải pháp”.