Tiến sỹ Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho hay, từ đầu năm đến nay trên toàn thành phố đã ghi nhận 45 trường hợp mắc sởi, trong đó đã có 1 trường hợp tử vong.
[Nhiều nguy cơ với cộng đồng khi "lười" tiêm vắcxin cho trẻ nhỏ]
Đáng lưu ý, hiện nay tổng số trẻ chưa tiêm phòng bệnh sởi sau 5 năm trên địa bàn Hà Nội là 32.634 trẻ. Đây chính là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong mùa Đông Xuân.
Ông Cảm nhấn mạnh như vậy trong hội nghị tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa Đông Xuân khu vực phía Bắc 2017-2018 diễn ra sáng 3/11 tại Hà Nội.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tại Hà Nội, hiện nay bệnh sởi có xu hướng tăng trong các tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận 4-5 ca bệnh dương tính với sởi. Đặc biệt số ca bệnh tăng nhanh trong hai tháng 9 và 10; xuất hiện tại 40 xã phường của 21 quận huyện.
Tiến sỹ Trần Như Dương - Trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc cho biết, tính đến nay, toàn miền Bắc đã ghi nhận 99 ca bệnh sởi, chủ yếu ở Hà Nội (chiếm gần 50% số ca mắc toàn miền Bắc), Hải Dương, Nghệ An...
“Tuy số ca mắc chưa cao, không có ổ dịch lớn nhưng đáng chú ý là địa bàn phân bố ca bệnh rộng, rải rác trên nhiều địa bàn nên việc phòng chống dịch cũng cần hết sức lưu ý,” tiến sỹ Dương chỉ rõ.
Theo tiến sỹ Dương, đối với bệnh sởi, biện pháp quan trọng nhất để chủ động phòng bệnh là tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Nếu lơ là công tác tiêm chủng thì tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng giảm xuống, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao.
Để ứng phó với bệnh sởi trên địa bàn, Hà Nội đang tổ chức tiêm chủng bổ sung hàng tuần, tiêm chủng bổ sung cho đối tượng trẻ dưới 5 tuổi bị muộn, chậm so với lịch tiêm các vắcxin trong Tiêm chủng mở rộng. Thực hiện tiêm chủng thường xuyên hàng tuần tại các trạm y tế, mỗi tuần 1-2 ngày.
Năm 2014, dịch sởi bùng phát tại Hà Nội với hơn 1.700 ca, 14 người tử vong. Sau đó nhờ đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, số ca bệnh giảm dần.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, để chủ động phòng chống bệnh sởi cần rà soát ngay các xã, thôn có tỷ lệ tiêm vắcxin sởi thấp, tổ chức tiêm vắcxin bổ sung để chủ động phòng chống dịch, đạt tỷ lệ tiêm chủng 95% trở lên. Các địa phương cần rà soát và tổ chức tiêm vét hàng tháng cho toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm vắcxin sởi, rubella.
Với trẻ em, để phòng tránh mắc bệnh sởi, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh khi trẻ được 9 tháng tuổi./.