Mức phí các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư được tính toán ra sao?

Mức thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư được xây dựng trên cơ sở tính toán lợi ích của người sử dụng đường cao tốc và cơ bản bù đắp chi phí quản lý, vận hành thu phí, bảo trì tuyến đường.

Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 được đưa vào vận hành, khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Phương tiện lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 được đưa vào vận hành, khai thác. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Để chuẩn bị thu phí với các tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất mức thu phí đối với tùy từng nhóm xe và đảm bảo lợi ích cho người sử dụng.

Hơn 2.800 tỷ đồng nộp ngân sách nhờ thu phí cao tốc

Tại dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc của Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến các bộ, ban ngành, theo Luật Đường bộ số 35/2024/QH14, Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác, bao gồm đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công; đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước.

Về mức phí, phía Bộ Giao thông Vận tải nêu quan điểm, mức thu phí được xác định cơ bản bù đắp chi phí quản lý, vận hành thu phí, bảo trì đường cao tốc, có tính đến chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước đồng thời được xây dựng trên cơ sở tính toán lợi ích của người sử dụng đường cao tốc.

Hiện có các dự án, đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu đã đưa vào khai thác. Do vậy, mức phí được xây dựng trên cơ sở lợi ích của của chủ phương tiện đồng thời có tham khảo thông lệ quốc tế, theo đó người sử dụng đường cao tốc thường sẵn sàng chi trả mức chi phí tương đương với 50-70% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc.

Tại dự thảo nghị định, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất mức phí sử dụng cao tốc Nhà nước đầu tư như sau: mức phí sử dụng đường cao tốc áp dụng đối với đường cao tốc đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện triển khai thu phí (mức 1) tương đương với 70% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc (khoảng 1.300 đồng/xe.km).

Mức phí sử dụng đường cao tốc áp dụng đối với các dự án đường cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại Luật Đường bộ (mức 2) tương đương với 50% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc (khoảng 900 đồng/xe.km).

"Với mức phí đề xuất như đã nêu trên, dự kiến sau khi triển khai thu phí đối với 10 tuyến cao tốc (Hà Nội-Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Cam Lộ-La Sơn, La Sơn-Hòa Liên, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, Mỹ Thuận-Cần Thơ) đang khai thác, dự kiến số phí thu được 3.210 tỷ đồng/năm; số thu nộp ngân sách Nhà nước là 2.850 tỷ đồng/năm," phía Bộ Giao thông Vận tải đưa ra con số tính toán.

vnp_cao toc 27032024.jpg
Đường cao tốc đem lại lợi ích cho người tham gia giao thông cao hơn so với tuyến đường quốc lộ song hành. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ cao tốc sẽ chỉ được thực hiện sau khi công trình đường bộ cao tốc được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc; hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định; hoàn thành lắp đặt trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị đảm bảo công tác vận hành, phục vụ việc thu phí.

Đối với đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày 1/1/2025 mà chưa đáp ứng quy định tại Luật Đường bộ thì việc thu phí sẽ được triển khai sau khi đáp ứng điều kiện nêu trên.

Có xảy ra phí trùng phí?

Trước lo ngại việc thu phí cao tốc Nhà nước đầu tư có xảy ra phí trùng phí bởi hiện đã thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng đường cao tốc đem lại lợi ích cho người tham gia giao thông cao hơn so với tuyến đường quốc lộ song hành, người tham gia giao thông có quyền lựa chọn di chuyển trên quốc lộ (không phải trả thêm tiền sử dụng đường cao tốc) hoặc trả tiền sử dụng đường cao tốc để hưởng chất lượng dịch vụ và lợi ích cao hơn.

“Việc thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác không gây phí trùng phí,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải quả quyết.

Bên cạnh đó, mức thu tiền sử dụng đường cao tốc được xác định với nguyên tắc phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá lợi ích thu được, khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc và khấu trừ các loại thuế, phí đã thu liên quan.

vnp_ETC khong dung 09082023.JPG
Việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ tạo nguồn thu ngân sách để tiếp tục tái đầu tư hạ tầng giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến các dự án BOT, Bộ Giao thông Vận tải lý giải, trong số 10 dự án cao tốc Nhà nước đầu tư trước năm 2020, có thể xem xét thực hiện thu phí, có 3 đoạn tuyến có quốc lộ song hành là dự án BOT thu phí.

Theo dự báo về san sẻ lưu lượng giao thông sau khi có cao tốc, dự kiến doanh thu của các dự án BOT quốc lộ song hành sẽ vẫn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, so với khi chưa thu phí cao tốc Nhà nước đầu tư thời gian vừa qua, doanh thu BOT quốc lộ song hành sẽ có thể được cải thiện khoảng 20%.

“Việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước khi huy động kịp thời, hợp lý nguồn lực từ người sử dụng đường cao tốc, góp phần tạo nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, chi thực hiện công tác quản lý, bảo trì. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí tổ chức thu phí sẽ được nộp về ngân sách Nhà nước và được sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục