Chỉ tính riêng trên Instagram đã có gần 53 triệu post chứa hashtag #eatclean và con số này vẫn tăng lên liên tục với tốc độ chóng mặt hàng ngày. Có lợi cho sức khỏe, làm đẹp da, giảm cân, giữ dáng… là những điều người ta hay tuyên truyền về Eat Clean. Nhưng bạn đã thật sự hiểu về xu hướng này?
1. Eat Clean không có nghĩa là ăn kiêng
Trái với suy nghĩ của nhiều người, Eat Clean không phải là một chế độ ăn mà gắn nhiều hơn với sự lựa chọn thực phẩm cũng như cách nấu nướng. Khi thực hành Eat Clean, bạn cần ưu tiên chọn các loại thực phẩm sạch, theo mùa, chế biến tối thiểu sao cho giữ được tối đa dưỡng chất trong đó. Tiêu chí này có thể áp dụng cho mọi trường phái ăn uống, dù là paleo, low fat, low carb hay ăn chay…
2. Ta chọn gì khi ta “ăn sạch”?
Các nguồn thực phẩm chưa qua chế biến như rau củ quả tươi; các loại đậu (đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen…) khô; các loại hạt; các loại trứng tươi từ gia cầm nuôi thả.
Các nguồn thực phẩm qua chế biến tối thiểu như hạt ngũ cốc thô; rau củ quả đông lạnh; các loại thịt chỉ mới qua sơ chế (lưu ý, hạn chế ăn thịt động vật nuôi theo phương pháp công nghiệp); các chế phẩm từ sữa không sử dụng hormone; các loại dầu.
3. Phương pháp nấu nướng
Nấu nướng sẽ thay đổi cấu tạo của thực phẩm, tuy nhiên việc này không phải lúc nào cũng đem đến sự hạn chế. Một số loại chất như vitamin C sẽ bị mất trong quá trình nấu, một số chất khác lại được gia tăng hàm lượng, hoặc được chuyển hóa thành những dạng dễ hấp thụ hơn cho cơ thể, chẳng hạn như lycopene trong cà chua.
[Không cần đến phòng gym mà vẫn trẻ-khỏe-đẹp chỉ với 6 thói quen]
Bởi vậy khi Eat Clean, bạn nên đa dạng hóa cách chế biến để tối ưu hàm lượng dinh dưỡng trong mọi loại thực phẩm. Miễn rằng đừng xào, rán hoặc hầm quá lâu, thay vào đó, bạn có thể xào sơ, áp chảo hay nướng với nhiệt độ và thời gian tối thiểu. Hãy tìm hiểu các phương thức nấu tối ưu cho từng nhóm thực phẩm, đồng thời kết hợp các loại thực phẩm với nhau để có được những món ăn ngon lành nhất.
4. Đừng nhầm lẫn!
Dù áp dụng Eat Clean, bạn vẫn cần chú trọng vào khẩu phần cũng như tỷ lệ các loại chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể.
Bạn không nên suy nghĩ quá cực đoan, giới hạn ngặt nghèo danh sách thực phẩm dẫn đến việc cơ thể bị thiếu chất. Từ điển y học hiện nay đã có thêm một từ mới để nói về tình trạng này, đó là “orthorexia."
Bệnh rối loạn ăn uống, theo đó người bệnh bị ám ảnh bởi việc chỉ tiêu thụ thực phẩm “lành mạnh” căn cứ trên tiêu chuẩn họ tự đặt ra.
Hơn cả việc lựa chọn thực phẩm, Eat Clean phản ánh một cách sống, khi bạn luôn ưu tiên những lựa chọn tốt nhất cho bản thân mỗi ngày. Ăn uống một cách có suy nghĩ hơn, chúng ta tự khắc sẽ gần gũi với thiên nhiên và môi trường hơn. Bạn không cần phải đột ngột vứt bỏ mọi thứ để thực hành Eat Clean. Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng từng hành động nhỏ và tận hưởng niềm vui dọc con đường này nhé!/.
Bài: HANH CHU
Ảnh: TL