Mỹ cấm nhập khẩu các sản phẩm liên quan tới lao động cưỡng bức

Số hàng hóa này có xuất xứ từ 5 quốc gia, bao gồm hàng may mặc từ Trung Quốc, kim cương từ Zimbabwe, găng tay cao su từ Malaysia, vàng khai thác CHDC Congo và xương đen...
Mỹ cấm nhập khẩu các sản phẩm liên quan tới lao động cưỡng bức ảnh 1Kim cương từ Zimbabwe bị Mỹ nghi ngờ là sản phẩm do những người lao động cưỡng bức làm ra. (Nguồn: hararelive)

Giới chức Mỹ ngày 1/10 cho biết nước này đã cấm nhập khẩu các hàng hóa bị nghi ngờ là sản phẩm do những người lao động cưỡng bức làm ra.

Số hàng hóa này có xuất xứ từ 5 quốc gia, bao gồm hàng may mặc từ Trung Quốc, kim cương từ Zimbabwe, găng tay cao su từ Malaysia, vàng khai thác Cộng hòa Dân chủ Congo và xương đen, xương động vật bị đốt thành than từ Brazil. 

Theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ đường biên giới Mỹ (CBP), "một trong các nhiệm vụ chính của CBP là tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và du lịch hợp pháp, do đó những sản phẩm sử dụng lao động cưỡng bức sẽ bị đưa ra khỏi các kệ hàng của Mỹ."

Một đạo luật ban hành năm 2016 của Mỹ cũng đã quy định rõ việc nhập khẩu các hàng hóa do những lao động cưỡng bức làm ra, dù là hoàn toàn hoặc một phần, sẽ bị coi là bất hợp pháp tại nước này.

[Apple phủ nhận sử dụng lao động cưỡng bức, vi phạm luật ở Trung Quốc]

Mặc dù vậy, Viện nghiên cứu về các hoạt động buôn người - một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết mỗi năm, một lượng hàng hóa trị giá hơn 400 tỷ USD do những người lao động cưỡng bức làm ra vẫn được "tuồn" vào thị trường Mỹ.

Báo cáo của Quỹ Thomson Reuters hồi tháng 4 vừa qua cũng cho thấy chỉ có một lượng nhỏ hàng hóa trị giá khoảng 6,3 triệu USD bị "chặn cửa" vào Mỹ kể từ khi luật cấm nhập khẩu hàng hóa do người lao động cưỡng bức sản xuất được thông qua năm 2016.

Trước khi lệnh cấm mới này được đưa ra, CBP cũng đã "tuýt còi" đối với một số mặt hàng như các hợp chất hóa học, tỏi đã bóc vỏ, đồ chơi từ Trung Quốc và bông từ Turkmenistan. 

Động thái mới nhất này được xem lời cảnh báo rõ ràng đối với các công ty rằng họ cần thực hiện các thủ tục thẩm định tại chỗ để ngăn chặn lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của mình, nếu muốn bán sản phẩm ở Mỹ.

Bộ Lao động Mỹ cho biết trong năm 2018, bộ này đã đẩy mạnh cuộc chiến chống hàng hóa sản xuất từ lao động cưỡng bức để bảo vệ công ăn việc làm cho 325 triệu công dân Mỹ, cũng như bảo vệ những người lao động trên thế giới khỏi bị lạm dụng.

Theo số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trên thế giới hiện có khoảng 25 triệu người đang là nạn nhân của tình trạng lao động cưỡng bức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.