Năm 2017 ghi nhận số người ngộ độc rượu tăng đột biến

Ngộ độc rượu, bia đang là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán và lễ hội sắp tới. Trong năm 2017, có 10 vụ ngộ độc rượu khiến 119 người nhập viện và 11 người chết.
Năm 2017 ghi nhận số người ngộ độc rượu tăng đột biến ảnh 1Một trường hợp bị ngộ độc rượu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngộ độc rượu, bia đang là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán và lễ hội sắp tới.

Tiến sỹ Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục trưởng cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, năm 2017 là năm ghi nhận số lượng mắc ngộ độc rượu tăng đột biến, đặc biệt là rượu có pha methanol dù giai đoạn trước đó đã có dấu hiệu giảm.

50% bệnh nhân xơ gan do uống rượu bia

Tiến sỹ Nguyễn Hùng Long cho biết, trong năm 2017, cả nước đã ghi nhận 10 vụ ngộ độc rượu làm 119 người mắc, 11 người chết. Số vụ ngộ độc thực phẩm do rượu tập trung nhiều nhất tại khu vực miền núi phía Bắc.

[Uống nhầm rượu ngâm thuốc bóp chân, bảy người bị ngộ độc]

Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2017 đến nay đã có 40 trường hợp tại 12 quận/huyện bị ngộ độc rượu có chứa methanol.

Theo thống kê của Khoa tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai), vài năm gần đây, số lượng bệnh nhân bị xơ gan do bia rượu phải nhập viện điều trị tăng nhanh.

Tại khoa Tiêu hóa, ngày nào cũng tiếp nhận từ 5-7 trường hợp bệnh nhân xơ gan dù ban đầu họ chỉ bị gan nhiễm mỡ do uống quá nhiều rượu bia.

Theo bác sỹ Vũ Trường Khanh - Phó trưởng khoa tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai), khoảng 10 năm trước, bệnh nhân xơ gan chủ yếu do virus còn hiện nay, trung bình mỗi năm trong số 3.500-3.700 bệnh nhân tiêu hóa nội trú tại bệnh viện, 60% là bệnh gan, trong đó xơ gan chiếm chủ yếu, với khoảng 50% nguyên nhân là uống rượu bia.

Bệnh nhân chủ yếu là nam ở lứa tuổi 40-50, nhưng có không ít người mới ở tuổi ngoài 30.

Bên cạnh những lợi ích mang lại cho nền kinh tế thì việc lạm dụng rượu bia, vấn đề chất lượng, an toàn rượu bia và những hệ lụy của nó đang gây ra nhiều hậu quả cho cộng đồng như các tổn hại về mặt sức khỏe, tâm thần, tính mạng người tiêu dùng, trật tự xã hội, tai nạn giao thông và ngộ độc do rượu không bảo đảm an toàn.

Thống kê tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương cho thấy, tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5-6% số bệnh nhân tâm thần và vẫn đang có xu hướng gia tăng.

Năm 2017 ghi nhận số người ngộ độc rượu tăng đột biến ảnh 2

Rượu nào cũng hại gan

Theo đánh giá của WHO, rượu là nguyên nhân của 31% vụ đánh giết nhau, 33% vụ hiếp dâm, 18% tai nạn giao thông và gây ra 60 loại bệnh khác nhau.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, số ca nhâp viện do rượu tăng cao vào dịp trước và sau Tết, sau những liên hoan, gặp mặt triền miên.

Không ít bệnh nhân bất ngờ khi bác sỹ đọc kết quả bệnh. Điều này cũng xuất phát từ quan điểm sai lầm trong việc sử dụng rượu.

Nhiều người cho rằng uống rượu “xịn” hoặc rượu tự nấu sẽ không hại gan. Bác sỹ Nguyễn Văn Thủy - Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Cai nghiện (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) chỉ rõ, không có một loại rượu nào được xem là an toàn với người uống, kể cả với rượu bia đạt chuẩn cũng có tác hại đến sức khỏe nếu bị lạm dụng.

Chuyên gia này cũng cảnh báo việc tự ngâm rượu cho các loại cây, con được cho là vị thuốc bổ cũng không thực sự “bổ” như nhiều người nghĩ. “Riêng đối với gan, tất cả loại rượu đều gây tác động không tốt, chúng có thể gây xơ gan, ung thư gan...

Năm 2017 ghi nhận số người ngộ độc rượu tăng đột biến ảnh 3Lực lượng chức năng thu giữ hơn 1000 lít rượu không rõ nguồn gốc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Đáng chú ý, việc lạm dụng rượu về số lượng, chủng loại rượu, đặc biệt trong số đó có nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha chế, không có nguồn gốc xuất xứ, rượu không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, không nhãn mác và đặc biệt là rượu giả được sản xuất từ những nguyên liệu độc hại, bị cấm (cồn methanol) do gian lận thương mại đang gây gây ngộ độc cấp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng và an sinh xã hội.

Chẳng hạn như vụ ngộ độc rượu có hàm lượng methanol cao tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu xảy ra ngày 13/2/2017 làm 68 người mắc có 10 người chết; tại Hà Nội, rải rác trong năm 2017 đã có tới 9 người tử vong được chẩn đoán do rượu có methanol cao…

Theo các chuyên gia, không có một ngưỡng uống rượu bia nào được coi là tuyệt đối an toàn, đặc biệt là với những người đã có tổn thương ở gan. Do đó, người dân nên thực hiện lối sống lành mạnh, hạn chế các chất kích thích, bỏ hẳn hoặc hạn chế tối đa dùng rượu bia.

Trong trường hợp có sử dụng rượu bia cần lưu ý kiểm soát men gan, bảo vệ gan đúng cách, tránh để men gan cao gây tổn thương gan, suy giảm chức năng gan, gây nhiễm độc cho cơ thể. Bởi nhiễm độc này có thể mãn tính âm thầm, khi phát hiện thì đã muộn.

Để hạn chế ngộ độc rượu, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Tôi khuyến cáo người dân chỉ sử dụng rượu có nguồn gốc, xuất xứ, lượng vừa phải. Kêu gọi nhà sản xuất có lương tâm, trách nhiệm, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng rượu, đừng vì lợi nhuận mà rượu pha cồn gây ra những cái chết oan uổng."

Thời gian tới, lực lượng chức năng cảnh sát môi trường, công an, quản lý cần tăng cường thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu. Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra số mẫu, số xử phạt, tiền xử phạt, thông báo công khai truyền thông đại chúng cơ sở vi phạm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục