Năm 2024: Doanh nghiệp du lịch cần tranh thủ mọi cơ hội “xốc” lại hoạt động

Dù nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ban ngành, song lãnh đạo Hiệp hội Du lịch cho rằng các doanh nghiệp phải chủ động, tranh thủ mọi cơ hội “xốc” lại hoạt động trong năm tới.

Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch cho rằng các doanh nghiệp phải chủ động, tranh thủ mọi cơ hội “xốc” lại hoạt động trong năm 2024. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)
Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch cho rằng các doanh nghiệp phải chủ động, tranh thủ mọi cơ hội “xốc” lại hoạt động trong năm 2024. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Năm 2023, dù nhận được sự ủng hộ của Chính phủ cũng như hỗ trợ của các bộ, ban ngành tạo điều kiện cho du lịch phát triển, có cơ hội cạnh tranh với các nước trong khu vực, nhưng ngành kinh tế không khói vẫn chưa thể khắc phục được ngay thực trạng. Do đó, lãnh đạo Hiệp hội cho rằng các doanh nghiệp trực tiếp làm việc, trực tiếp phục vụ du khách, trực tiếp mang lại nguồn lợi cần phải chủ động, tranh thủ mọi cơ hội “xốc” lại hoạt động.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định như vậy tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023 và Triển khai công tác năm 2024 vào sáng nay, 22/12, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, ông Bình cho biết năm 2024, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp du lịch nỗ lực, phấn đấu hướng tới mục tiêu phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch trên tất cả các tiêu chí đã đạt được năm 2019. Các doanh nghiệp du lịch quyết tâm thu hút và phục vụ trên 20 triệu khách quốc tế đến Việt Nam.

Ngoài ra, Hiệp hội tiếp tục đề xuất, kiến nghị với các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương: giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp du lịch trong quá trình thực hiện Nghị quyết 82/CP của Chính phủ; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch mới; đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch; tiếp tục triển khai hiệu quả Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động kinh doanh du lịch” và các hoạt động hợp tác quốc tế...

vnp-hiep-hoi-du-lich-2-6633.jpg
Ông Vũ Thế Bình. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Nhìn nhận về kết quả của năm 2023, ông Bình đánh giá năm vừa qua là một năm đặc biệt của du lịch Việt Nam khi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, toàn ngành đã và đang cố gắng triển khai các hoạt động để phục hồi sau đại dịch COVID-19. Trên hành trình đó, "điểm sáng" là từ Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố đến các doanh nghiệp đều cố gắng sáng tạo sản phẩm du lịch mới, đào tạo nhân lực, tìm kiếm thị trường, từng bước đưa du lịch trở lại trước COVID-19.

"Những nỗ lực phục hồi thể hiện sức sống mạnh mẽ của ngành du lịch cũng như quyết tâm của các doanh nghiệp du lịch với mong muốn sớm đưa du lịch Việt phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nước nhà," ông Bình nói.

Theo số liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đến hết tháng 11/2023, Việt Nam đã đón 11,2 triệu lượt khách quốc tế (ước đạt 69% so với 2019), phục vụ 103,2 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 628,3 nghìn tỷ đồng. Trong số đó, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Nhật Bản là những thị trường gửi khách đến Việt Nam lớn nhất.

Bên cạnh đó, trong năm qua đã có hơn 5 triệu khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Số liệu tổng hợp từ các cơ quan du lịch các nước cho thấy Thái Lan đón hơn 800.000 khách Việt Nam, Hàn Quốc đón hơn 420.000 khách Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) là 350.000 lượt khách Việt Nam...

Góp phần vào kết quả này, Hiệp hội Du lịch luôn tích cực, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển du lịch. Nhiều kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội và các thành viên đã được đưa vào Nghị quyết 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng các đơn vị trực thuộc và Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông du lịch, đóng góp vào sự phát triển chung của du lịch nước nhà.

vnp-hiep-hoi-du-lich-3-9547.jpg
Đại diện UNDP trao giải Cuộc thi thiết kế ứng dụng quản lý rác thải nhựa. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Tiêu biểu như Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023 với chủ đề “Du lịch Văn hóa” với 452 gian hàng của 51 tỉnh, thành phố ở Việt Nam, 15 quốc gia/vùng lãnh thổ và trên 600 đơn vị kinh doanh. Ước tính có trên 60.000 khách đến tham quan, mua sắm tại hội chợ.

Mặt khác, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất và triển khai dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” được Chương trình Tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường Toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP/GEF-SGP) phê duyệt thực hiện trong hai năm 2023-2024. Dự án nhằm mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của ngành du lịch.

Trong khuôn khổ hội nghị này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã trao giải cuộc thi Thiết kế ứng dụng (apps) và Quản lý rác thải nhựa toàn ngành du lịch./.

Hiệp hội Du lịch kêu gọi các doanh nghiệp du lịch, Hiệp hội Du lịch các địa phương tập trung nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch mới; đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đã có phù hợp với xu thế, nhu cầu của khách du lịch, như các tour "Làng Cá Gỗ - Sau ánh hào quang," "Hành trình theo dấu chân Phật Hoàng" và "Du lịch nông thôn Lục Ngạn," "Thanh Lâm Đồng cổ - Bát cổ mùa hoa gạo”...

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục