Nam Bộ, ĐBSCL triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020

Các ngành hữu quan đã tập chung theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, dự báo tình hình mưa lũ, hạn, mặn, để có phương án ứng phó kịp thời.
Nam Bộ, ĐBSCL triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 11/10, tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giải pháp sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân 2018-2019 toàn vùng Nam Bộ đạt 1,687 triệu ha, tăng 33.500ha; năng suất ước đạt hơn 67 tạ/ha, giảm 0,99 tạ/ha do chuyển dịch cơ cấu nhóm giống lúa đặc sản tăng trên 11%; sản lượng ước đạt hơn 11 triệu tấn, tăng 62.800 tấn so với vụ Đông Xuân 2017-2018, sản lượng tăng là do diện tích tăng.

Nhận định khả năng thiếu nước cho sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 đã được các cơ quan chuyên môn báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từ rất sớm. Các ngành hữu quan đã tập chung theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, dự báo tình hình mưa lũ, hạn, mặn, để có phương án ứng phó kịp thời.

Các ngành bố trí nguồn lực để nạo vét kênh mương, tuần tra, kiểm tra, gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, các cửa cống ngăn triều cường, mặn và có kế hoạch vận hành các cống ngăn triều kịp thời, xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và xâm nhập mặn, kịp thời ứng phó khi có hạn, mặn thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô.

Bên cạnh đó, các ngành tăng cường hệ thống bẫy đèn, dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh kịp thời các đối tượng dịch hại như chuột, rầy nâu bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, rầy phấn trắng trên lúa…; giám sát tốt vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Khả năng hạn không chỉ vùng ven biển mà còn có thể xãy ra cục bộ trong toàn vùng, cho nên vấn đề chia sẻ nguồn nước cho sản xuất lúa và sinh hoạt của người dân cần được phối hợp chặt chẻ giữa các địa phương.

[Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống sớm vụ Đông Xuân để né hạn, mặn]

Để triển khai kế hoạch sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 đạt được kết quả tốt nhất, các ngành hữu quan đã đưa ra hai phương án. Theo đó, phương án của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng dựa trên các thông tin về thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất và khả năng xâm nhập mặn.

Cụ thể, vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ hơn 1,6 triệu ha, giảm 55.486ha; năng suất đạt 68,53 tạ/ha, tăng hơn 1 tạ/ha và sản lượng hơn 11 triệu tấn, giảm 174.341 tấn so với Đông Xuân 2018-2019.

Vùng Đông Nam Bộ gieo sạ 81.300ha, giảm 1.000ha; năng suất hơn 59 tạ/ha, tăng trên 1 tạ/ha và sản lượng 483.860 tấn, tăng 5.864 tấn so với Đông Xuân 2018-2019. Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ 1.550.000ha, giảm 54.486ha; năng suất 69 tạ/ha, tăng hơn 1 tạ/ha và sản lượng gần 11 triệu tấn, giảm 180.205 tấn so với Đông Xuân 2018-2019.

Đối với phương án thứ hai do các tỉnh phía Nam đề xuất dựa theo tình hình thực tế tại địa phương, Vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn vùng Nam Bộ gieo sạ 1,67 triệu ha, giảm 15.486ha; năng suất đạt hơn 68 tạ/ha, tăng hơn 1 tạ/ha và sản lượng gần 11,5 triệu tấn, tăng 97.038 tấn so với Đông Xuân 2018-2019.

Vùng Đông Nam Bộ gieo sạ 81.300ha, giảm 1.000ha; năng suất 59,52 tạ/ha, tăng hơn 1 tạ/ha và sản lượng 483.860 tấn, tăng 5.864 tấn so với Đông Xuân 2018-2019. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ gần 1,6 triệu ha, giảm 14.486ha; năng suất gần 69 tạ/ha, tăng hơn 1 tạ/ha và sản lượng gần 11 triệu tấn, tăng 97.038 tấn so với Đông Xuân 2018-2019.

Ngoài ra, tại hội nghị, các ngành hữu quan cũng đề ra những giải pháp, kế hoạch cụ thể để giảm thiểu tối đa những thiệt hại do hạn mặn gây ra như điều chỉnh triển khai sớm thời vụ gieo sạ vụ Đông Xuân trong tháng 10, đặc biệt với các vùng ven biển, nguy cơ hạn mặn sớm, và nặng nề; ưu tiên sử dụng các giống chịu hạn mặn, các giống ngắn ngày. Bên cạnh đó là công tác chuẩn bị các giải pháp tích nước ngọt, thực hành tưới tiêu nước tiết kiệm.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh sản xuất lúa muốn tăng sức cạnh tranh, ngoài việc nâng cao chất lượng, thì còn cần phải hạ giá thành, cần có phương án chuyển sang một số loại cây trồng khác để phòng ngừa hạn chế thiệt hại do hạn, mặn, khuyến khích một số nơi sản xuất lúa bấp bênh có thể chuyển đổi sang cây trồng khác.

Trên cơ sở kế hoạch tổng thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị kế hoạch và triển khai tốt các biện pháp chỉ đạo, tổ chức sản xuất thắng lợi.

Đặc biệt, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương khẩn trương cụ thể hóa kế hoạch trồng trọt trong vụ Đông Xuân 2019-2020 gắn với phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2020, không để thiên tai gây thiệt hại đối với sản xuất và đời sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.