Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong chiếu sáng đô thị Việt Nam

Các dự án cải tạo, xây dựng mới trong các lĩnh vực chiếu sáng đô thị và toà nhà công cộng được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện an toàn, cảnh quan đô thị; nâng cao chất lượng sống của người dân...
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Để triển khai các dự án cải tạo, xây dựng mới trong các lĩnh vực chiếu sáng đô thị và toà nhà công cộng tại 6 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ninh), các chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các địa phương đang đề xuất các cơ hội đầu tư dự kiến khoảng 160 triệu USD.

Việc triển khai các dự án trên nhằm góp phần cải thiện an toàn, cảnh quan đô thị; tạo việc làm và nâng cao chất lượng sống của người dân đồng thời làm giảm phát thải 1,32 triệu tấn CO 2 và tiết kiệm 245 triệu USD chi phí trong 10 năm tới...

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo tham vấn về Dự án “thành phố thông minh và hiệu quả năng lượng (SEECP) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng năng lượng trong chiếu sáng đô thị tại Việt Nam” do Cục Hạ tầng Kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng và ADB tổ chức ngày 27/4, tại Hà Nội.

[Phát triển cây xanh đô thị: Cần có chính sách thu hút các nguồn đầu tư]

Theo bà Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, chiếu sáng đô thị là một bộ phận cấu thành không thể thiếu trong hệ thống các công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị, góp phần quan cho việc bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường trật tự an ninh đô thị, làm đẹp cảnh quan môi trường, tăng tính thẩm mỹ cho đô thị.

Trong hơn 10 năm qua, hệ thống chiếu sáng tại các đô thị Việt Nam đã có những bước phát triển lớn. Việc chiếu sáng không những bảo đảm được yêu cầu về công năng chiếu sáng mà còn ngày càng bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm năng lượng.

Tuy vậy, hiện nay cũng có nhiều yếu tố mới đòi hỏi cần phải rà soát, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách để công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị, chiếu sáng thông minh và hiệu quả hơn.

Vì thế, sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của ADB đối với Bộ Xây dựng trong Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường quản lý chiếu sáng đô thị thông minh và hiệu quả tại Việt Nam” là rất quan trọng, góp phần thúc đẩy và quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh, hệ thống chiếu sáng đô thị thông minh và hiệu quả tại Việt Nam.

Về phía đối tác, bà Hyunjung Lee, chuyên gia kinh tế năng lượng cấp cao của ADB cho biết “tài chính khí hậu” là một phần quan trọng trong nỗ lực của ADB nhằm hỗ trợ các nước thành viên đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

“ADB sẵn sàng hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Các mục tiêu và hoạt động chính của dự án SEECP có thể đóng vai trò là mô hình cho những dự án năng lượng và khí hậu tiếp theo, nhằm góp phần vào mục tiêu không phát thải carbon của Việt Nam vào năm 2050,” bà Hyunjung Lee nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở xã hội hiện vẫn khan hiếm, chưa cải thiện nhiều là bài toán khó giải. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Thiếu nguồn cung, nhà ở xã hội vẫn xa đích

Với tiến độ thực hiện các dự án hiện nay thì mục tiêu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội được Chính phủ đặt ra trong năm 2024 rất khó đạt khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là kết thúc năm.