Nâng cao ý thức giao thông khi trở lại trạng thái bình thường mới

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân tham gia giao thông, chuẩn bị cho các dịp nghỉ lễ cuối năm, Tết Nguyên đán.
Nâng cao ý thức giao thông khi trở lại trạng thái bình thường mới ảnh 1Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 15/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng và phương hướng nhiệm vụ quý 4/2021.

Hội nghị được tổ chức tại điểm cầu trụ sở Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí

Báo cáo tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết 9 tháng qua, toàn quốc xảy ra 8.161 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.175 người, bị thương 5.645 người.

So với cùng kỳ năm 2020, số vụ tai nạn giao thông giảm 2.527 vụ (23,64%), số người chết giảm 817 người (16,37%), số người bị thương giảm 2.337 người (28,38%).

Riêng quý 3/2021 xảy ra 1.790 vụ, làm chết 945 người, bị thương 1.152 người (so với cùng kỳ giảm 50,6% số vụ, giảm 42,7% số người chết, 57,5% số người bị thương).

Trong 9 tháng qua, 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có An Giang và Đồng Tháp giảm trên 50%.

Tuy nhiên, vẫn còn 9 tỉnh có chỉ số này tăng so với cùng kỳ năm 2020; hai tỉnh có số người chết tăng 10% trở lên là Điện Biên và Quảng Trị.

Riêng trong quý 3/2021 có 8 tỉnh có số người chết do tai nạn giao thông tăng; 5 tỉnh tăng trên 20% là: Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Nam, Đắc Nông, Điện Biên.

Về ùn tắc giao thông, theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông, 9 tháng qua, toàn quốc xảy ra 77 vụ ùn, tắc giao thông kéo dài trên các quốc lộ, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đó, xảy ra 41 vụ chống lại cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ, làm 9 đồng chí bị thương; trong đó, riêng tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 xảy ra 7 vụ, làm 3 đồng chí bị thương, 5 đối tượng đã bị bắt giữ.

Về điều tra, xét xử các vụ án liên quan tai nạn giao thông, đã khởi tố 3.523 vụ với 3.495 bị can (truy tố 2.559 vụ với 2669 bị can; xét xử 2.435 vụ với 2.516 bị cáo).

Ông Khuất Việt Hùng đánh giá, 9 tháng qua, tình hình trật tự an toàn giao thông tiếp tục có chuyển biến tốt, cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Mức độ giảm tai nạn giao thông chưa tương xứng

Theo ông Khuất Việt Hùng, có được kết quả trên là do nhiều nguyên nhân; trong đó nguyên nhân khách quan là từ giữa tháng 6 đến nay, việc thực hiện các quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại nhiều địa phương dẫn đến số lượng phương tiện và người tham gia giao thông giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chủ quan, theo ông Khuất Việt Hùng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp đã có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình trật tự an toàn giao thông và cấp độ phòng, chống dịch.

Nâng cao ý thức giao thông khi trở lại trạng thái bình thường mới ảnh 2Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cùng với đó, Công an và các lực lượng chức năng, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ, bảo đảm an toàn giao thông và phòng dịch cho người dân buộc phải rời vùng dịch về quê bằng phương tiện cá nhân.

Đồng thời, ngành giao thông vận tải quan tâm đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, bảo trì sửa chữa kết cấu hạ tầng, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; kịp thời đưa vào vận hành ứng dụng công nghệ nhận diện phương tiện bằng QRCode, tổ chức luồng xanh vận tải, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đồng thời đảm bảo kiểm soát tốt, hạn chế nguy cơ lây lan dịch COVID-19; chủ động xây dựng kế hoạch huy động phương tiện, người lái đáp ứng nhu cầu vận tải phòng, chống dịch, phục vụ sản xuất kinh doanh, đón, đưa người dân từ vùng dịch về quê an toàn.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh, thích ứng với tình hình dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, ngành y tế đã nỗ lực rất lớn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chủ trì công tác phòng, chống dịch, cứu chữa các bệnh nhân COVID-19 đồng thời làm tốt công tác cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng cũng nhận xét, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 9 tháng của năm 2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Mức độ giảm tai nạn giao thông chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông; tình hình vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ vẫn diễn ra khá phổ biến; tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ còn xảy ra tại các chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy nội địa tại một số địa phương; tình hình vi phạm tải trọng xe ô tô trên đường bộ diễn ra phức tạp tại một số địa phương.

[Gần 4.200 người tử vong vì tai nạn giao thông trong chín tháng]

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Về nguyên nhân khách quan, một bộ phận người dân còn thiếu kiến thức, kỹ năng về trật tự an toàn giao thông, không ít người cố tình vi phạm, cá biệt có đối tượng manh động tấn công người thi hành công vụ. Nguồn lực dành cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn còn hạn chế.

Về nguyên nhân chủ quan, các ý kiến cho rằng, cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, thiếu quyết liệt trong kết hợp công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông với phòng, chống dịch COVID-19.

Một số địa phương buông lỏng trong kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ; một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm ban hành so với yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Cùng với đó là sự hạn chế về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, chậm xây dựng và thiếu sự chia sẻ, kết nối về cơ sở dữ liệu ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quản lý hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách.

Giao thông an toàn trong "bình thường mới"

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá số vụ, số người tử vong và bị thương vì tai nạn giao thông vẫn là những con số lớn. Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân khách quan của việc 3 tiêu chí này giảm chủ yếu là do có thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.

Trong quý 4/2021, khi cả nước trở lại trạng thái bình thường mới, cần có các biện pháp hết sức quyết liệt để giữ được tính bền vững của việc giảm cả ba tiêu chí về an toàn giao thông; trong đó, sự phối hợp, chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; các cơ quan, ban, ngành, địa phương là yếu tố quan trọng.

Cùng với đó là việc kiểm tra, kiểm soát về chất lượng của các cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải, kiểm soát tải trọng... đặc biệt là vấn đề ý thức tham gia giao thông của người dân sau giãn cách xã hội.

Nâng cao ý thức giao thông khi trở lại trạng thái bình thường mới ảnh 3Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì Hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu từ nay đến cuối năm cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân tham gia giao thông, cùng với đó là quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, chuẩn bị cho các dịp nghỉ lễ cuối năm, Tết Nguyên đán.

Phó Thủ tướng Thường trực đã yêu cầu một số nội dung cụ thể đối với các cơ quan, ban, ngành trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Quyết định 2060 của Chính phủ về an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, Ủy ban cũng tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông phù hợp với thực tiễn từng tỉnh, thành.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức giao ban thường xuyên để kịp thời cập nhật tình hình đồng thời ban hành quy chế báo cáo gắn với bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo chức năng của các ngành và địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ theo các Công điện của Thủ tướng Chính phủ đối với dịp nghỉ lễ dài ngày.

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch của Bộ, trong đó chú trọng một số nhiệm vụ như: Hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ; Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; kiểm tra Nghị định 65 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều về Luật Đường sắt. Đồng thời, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong vấn đề kiểm soát trọng lượng, trọng tải của phương tiện tham gia giao thông theo Chỉ thị 32 về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.

Liên quan đến Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc Ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” áp dụng thống nhất trong toàn quốc, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, việc thực hiện theo Nghị quyết này cần được đồng bộ ở tất cả các địa phương trên cả nước, đặc biệt là với các nội dung liên quan đến vận tải hàng hóa, vận tải hành khách.

Đối với Bộ Công an, Phó Thủ tướng yêu cầu tổng hợp kết quả kiểm tra thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; tổ chức tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch số 90/KH-BCA-C08 về tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn."

Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai và tổng kết Chương trình an toàn giao thông cho nụ cười ngày mai, Chương trình an toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ. Bộ Quốc phòng khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt Đề án bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong quân đội giai đoạn 2021-2025.

Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu nghiên cứu, ban hành quy định trách nhiệm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo trong quản lý nhà nước, trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông các dịp cao điểm từ nay đến cuối năm và đặt trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát; đồng thời vẫn thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch COVID-19; đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ để thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an toàn giao thông vận tải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục