Nắng nóng kéo dài, bệnh nhi và người già nhập viện tăng cao

Tại các bệnh viện lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng người cao tuổi, trẻ em phải đến khám bệnh, nhập viện có xu hướng tăng cao hơn so với bình thường.
Nắng nóng kéo dài, bệnh nhi và người già nhập viện tăng cao ảnh 1Bệnh nhi đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Thời tiết Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân.

Tại các bệnh viện, số lượng người cao tuổi, trẻ em phải đến khám bệnh, nhập viện có xu hướng tăng cao hơn so với bình thường.

Các bác sỹ khuyến cáo, cần có những biện pháp phòng ngừa, bảo vệ hai đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết này.

Gia tăng trẻ em mắc bệnh mùa nắng nóng

Theo Bác sỹ Huỳnh Minh Thẩm, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1 tháng nay, trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận từ 4.000-4.400 lượt bệnh nhi tới khám bệnh, tăng khoảng 300-500 ca/ngày so với cùng kỳ năm 2022.

Trẻ đến khám chủ yếu mắc các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa và bệnh liên quan đến da.

Tỷ lệ trẻ có triệu chứng nặng phải nhập viện dao động từ 8-10%.

[Thành phố Hồ Chí Minh xử lý quyết liệt tình trạng “cò” khám bệnh]

“Thời tiết những tuần qua ở Thành phố Hồ Chí Minh nóng hơn hàng năm, trẻ dễ bị viêm hô hấp như viêm họng, amidan, viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi. Ngoài ra, còn có trẻ bị cảm do thay đổi nhiệt độ trong nhà và ngoài trời. Trẻ cũng dễ bị bệnh tiêu hóa do thời tiết nắng nóng, thực phẩm dễ hư hỏng. Bên cạnh đó, các bệnh lý viêm da mùa hè như rôm sảy, viêm da tiếp xúc với nắng, nhọt, chốc lở, viêm da cơ địa... cũng tăng hơn,” bác sỹ Huỳnh Minh Thẩm cho biết thêm.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, trẻ đến khám bệnh hô hấp, viêm da tập trung ở nhóm trẻ sơ sinh đến dưới 6 tuổi.

Các phòng khám ghi nhận một số trẻ bị rôm sảy dẫn đến bội nhiễm hoặc trẻ bị bỏng da độ 1 do tiếp xúc với ánh nắng mà không được che chắn.

Nắng nóng kéo dài, bệnh nhi và người già nhập viện tăng cao ảnh 2Bệnh nhi đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Ngoài ra, các ca COVID-19 có dấu hiệu xuất hiện trở lại. Do đó, bác sỹ cảnh báo cần thực hiện tốt nguyên tắc 2K (khẩu trang, khử khuẩn) trong đợt nghỉ lễ dài ngày tới đây.

Phụ huynh cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay, bổ sung nước, dinh dưỡng cho trẻ để phòng các bệnh lý dễ gặp trong giai đoạn nắng nóng này.

Người già cũng “vật vã” với nắng nóng

Khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất có 52 giường bệnh nhưng có những ngày quá tải bệnh nhân, buộc phải kê thêm giường bệnh ở hành lang.

Bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Duy Cường, Phó trưởng Khoa Hô hấp, cho biết gần hai tháng nay, số người cao tuổi nhập viện liên quan đến các bệnh lý hô hấp tăng khoảng 30% so với thời điểm đầu năm.

Các bệnh lý hô hấp người cao tuổi dễ mắc phải trong mua nắng nóng là viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi, viêm phế quản...

Nắng nóng kéo dài, bệnh nhi và người già nhập viện tăng cao ảnh 3Nhiều người cao tuổi chờ đến lượt khám bệnh tại Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

“Trong thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng khiến cơ thể người cao tuổi khó tự cân bằng, giảm sức đề kháng, đây là cơ hội để các bệnh lý mạn tính phát,” bác sỹ Nguyễn Duy Cường chỉ ra nguyên nhân.

Từ đầu mùa nắng nóng đến nay, bệnh lý về hô hấp như viêm phổi, viêm phổi tắc nghẹn mạn tính có xu hướng tăng, tỷ lệ bệnh nặng cũng tăng theo.

Để phòng bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người cao tuổi trong thời tiết nắng nóng, bác sỹ Nguyễn Duy Cường khuyến cáo, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ, bổ sung nước, chất điện giải, vi chất để nâng cao sức đề kháng.

Nắng nóng kéo dài, bệnh nhi và người già nhập viện tăng cao ảnh 4Trong ảnh: Nhiều người cao tuổi nhập viện tại Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN

Cùng với đó, không nên gây ra sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, khi nhiệt độ bên ngoài trời 36-37 độ C, nhiệt độ phòng của người cao tuổi chỉ nên dao động ở mức 27-28 độ C để tránh tình trạng sốc nhiệt khi từ trong phòng đi ra ngoài hoặc ngược lại.

Virus cúm, vi khuẩn phế cầu... là những thủ phạm gây ra tình trạng viêm phổi, nhiễm trùng hô hấp ở người cao tuổi, do đó, cần tiêm vaccine phòng ngừa các bệnh lý này.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có xu hướng gia tăng trong cộng đồng, người cao tuổi cần được tiêm vaccine đầy đủ, thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn tay, chế độ dinh dưỡng hợp lý và hạn chế đi ra ngoài trời nắng nóng, đến những nơi đông người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục