Theo các chuyên gia giao thông, việc cấm xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô phải phụ thuộc vào tốc độ phát triển của giao thông công cộng bởi nếu không tính toán đến thì người dân không có phương tiện đi lại.
Mặt khác, nhiều chuyên gia cũng lo lắng đến việc các phương thức vận tải công cộng như xe buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị, tàu điện ngầm không thể hoàn thành đúng với dự thảo lộ trình mà Hà Nội đưa ra hạn chế và tiến tới cấm xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô.
Cấm xe máy thì dân đi bằng gì?
Khẳng định việc hạn chế xe máy đã nhiều lần đặt ra và là tâm huyết của cơ quan quản lý Nhà nước và của một số chuyên gia, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, mục tiêu đó là đặt ra cái mốc để phấn đấu chứ không phải mệnh lệnh hành chính, phải căn cứ nhiều yếu tố như kinh tế xã hội, mức sống của người dân, nghiên cứu về xã hội học để đánh giá cụ thể chứ không thể làm theo tư duy nhiệm kỳ, hứng lên thì làm xong lại bỏ…
“Theo tính toán, số lượng phương tiện tăng lên mà hạ tầng không cải thiện thì người dân cũng không muốn tham gia giao thông. Bây giờ đi ra đường đã bị ùn tắc vài tiếng đồng hồ, đến năm 2025 mà vẫn như thế này thì người dân sẽ không thể di chuyển. Đến khi cấm phương tiện cá nhân thì người dân di chuyển bằng phương tiện gì? Trả lời được câu hỏi đó không đơn giản vì đất không “nở” ra mà người thì đông lên. Phải có phương tiện thay thế để người dân đi,” ông Liên nhìn nhận.
Ngoài ra, theo ông Bùi Danh Liên, thành phố phải giải được bài toán bố trí phương tiện thế nào để người dân đi lại thuận tiện nhất, khi đáp ứng được họ sẽ tự giác bỏ xe cá nhân để lựa chọn phương tiện công cộng.
Thừa nhận hiện nay không có chế tài để xử phạt việc cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội đô, ông Liên cho rằng, người các địa phương khác lên Hà Nội để học tập, sinh sống, họ phải có phương tiện đi lại. Nếu cấm xe địa phương thì họ lên Hà Nội mua xe biển Hà Nội để đi, chế tài xử lý là không có.
“Hơn nữa, việc cấm vào vành đai 1 thì người dân phía ngoài vào họ gửi xe ở đâu? Xe bây giờ còn đang để tràn ra ngoài hè phố, việc phát triển bãi đỗ xe hiện vẫn còn nằm trong tưởng tượng,” ông Liên đặt câu hỏi và ví von.
Dẫn chứng bài học kinh nghiệp ở Singapore, ông Liên được biết, mỗi sáng có hàng vạn người Malaysia sang làm việc thì nước sở tại có bãi gửi xe rộng như sân vận động. Ở Việt Nam, đến bao giờ mới có bãi đỗ xe như này?
Bày tỏ quan điểm lo lắng về mục tiêu phát triển giao thông công cộng của Hà Nội sẽ không đạt kịp, theo ông Liên, hiện phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được, không có vốn, đi vay cũng khó khăn bởi đơn cử như tuyến buýt nhanh (BRT) Kim Mã-Yên Nghĩa làm bao nhiêu năm nay chưa xong. Còn khi có hạ tầng giao thông tốt, người dân sẽ tự từ bỏ để lựa chọn vận tải công cộng.
“Do đó, việc cấm xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô là không khả thi, không có điều kiện thực tiễn để triển khai,” ông Liên quả quyết.
Không thể “ngăn sông, cấm chợ”
Cho rằng việc cấm xe máy phải phụ thuộc vào tốc độ phát triển của giao thông công cộng, ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho biết, để bùng nổ số lượng xe máy như vậy có lỗi của cơ quan chức năng, hay nói cách khác, là tầm nhìn của cơ quan chức năng chưa theo kịp với sự phát triển, chứ không phải lỗi của người dân.
Theo ông Thủy, việc cấm xe máy của người ngoại tỉnh vào nội đô lại càng không thực tế, không khoa học, không hợp lòng dân bởi thông thương là bình thường. Người ngoại tỉnh cũng làm dịch vụ, làm việc cho sự phát triển của Hà Nội. Họ từ xa đến, lưu thông vất vả mà lại cấm là không cần thiết, đó là tính chất "cát cứ" đã xảy ra cách đây vài chục năm.
“Giao thông là mạch máu lưu thông của nền kinh tế, bây giờ nếu ‘chặn’ lại thì làm sao phát triển? Mặt khác, cấm xe vào nội đô cũng ảnh hưởng đến công việc của hàng triệu người lao động. Mỗi ngày có 12-13 triệu người lưu thông ở Hà Nội trong đó, có tới 5-7 triệu người ngoại tỉnh. Nếu Hà Nội ‘ngăn sông cấm chợ’ như thế sẽ gây bức xúc về phân biệt vùng miền, thiếu công bằng và nhân văn,” ông Thủy phân tích thêm.
Đặt mục tiêu xe buýt BRT, tàu điện ngầm, đường sắt đô thị nhưng với tiến độ của Hà Nội thực hiện, ông Thủy cũng phủ nhận đến năm 2025, thủ đô không thể thực hiện được hệ thống giao thông công cộng như vậy.
“Có mỗi tuyến BRT làm 4-5 năm chưa xong, mỗi tuyến đường sắt trên cao cũng tới 6 năm chưa hoàn thành mà đòi có xe buýt, tàu điện ngầm hoàn thành vào năm 2025 là không thực tế. Nếu đã không có giao thông công cộng thì làm sao hạn chế được người dân sử dụng xe cá nhân. Cấm xe máy như vậy là không thực tế, không khoa học, không hợp lòng dân,” ông Thủy nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng đặt ra trường hợp khi “lệnh cấm” được triển khai, người dân ngoại tỉnh sẽ tìm đối sách “lách luật” bằng cách nhờ người đứng tên biển số Hà Nội.
Là đơn vị phối hợp với Sở Giao thông Vận tải xây dựng dự thảo đề án này, ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải cho rằng, thực tế, trong lộ trình quản lý và hạn chế phương tiện cá nhân, đơn vị có đề xuất một giải pháp là hạn chế phương tiện ngoại tỉnh với sinh viên và công nhân các khu công nghiệp, thời gian đề xuất thực hiện từ năm 2025-2030. Tuy nhiên, phương án này vẫn đang trong thời gian xin ý kiến.
Giải thích về lý do chọn hai đối tượng trên, ông Mười đánh giá, qua nghiên cứu thực tế cũng như kinh nghiệm của một số nước như Thái Lan, Trung Quốc… nhận thấy đây là hai đối tượng mình dễ quản lý nhất và chuyển sang hoạt động vận tải công cộng là dễ nhất vì nhu cầu sử dụng tần suất đều, không đổi, ít phát sinh.
“Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có hơn 20 trường đại học, chỉ cần 10-20% sinh viên ngoại tỉnh đi xe máy đến trường cũng đã là rất nhiều rồi. Nếu số này đi phương tiện công cộng sẽ giảm áp lực giao thông một cách đáng kể,” ông Mười nói./.
Theo dự thảo đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, lộ trình hạn chế xe máy ở thủ đô theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1: Từ năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, tết. Năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hàng ngày đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.
Giai đoạn 2: Từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2 đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).
Giai đoạn 3: Đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3. Ôtô cá nhân sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Ngoài ra, một số khu vực trung tâm cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí.