Tại buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định vào ngày 8/3, ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để phát sinh ổ dịch cúm A/H5N1 mới trên địa bàn tỉnh.
Đối với các ổ dịch chưa qua 21 ngày, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục giám sát chặt chẽ, khoanh vùng dập dịch, không để lây lan, phấn đấu công bố hết dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên địa bàn tỉnh Nam Định vào cuối tháng 3.
Kiểm tra thực tế tại các ổ dịch, ông Nguyễn Phùng Hoan thẳng thắn chỉ rõ, dịch cúm A/H5N1 bùng phát tại Nam Định có một phần nguyên nhân do chính quyền địa phương chưa sát sao trong việc hướng dẫn người dân thực hiện các quy định về phòng dịch, đặc biệt là chưa chú trọng tuyên truyền, vận động người dân chủ động tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia cầm.
[H5N1 bùng phát ở Nam Định, 70 người bị giám sát chặt chẽ]
Mặt khác, người chăn nuôi còn có tư tưởng chủ quan, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phòng dịch cũng như chưa áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường...
Để khống chế và không phát sinh thêm ổ dịch mới trong thời gian tới, ông Nguyễn Phùng Hoan yêu cầu, các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã hiện đang có ổ dịch hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, vận động người dân cùng tham gia giám sát dịch, giám sát các cơ sở giết mổ gia cầm.
Các trường hợp gia cầm ốm, chết cần được khai báo kịp thời cho cơ quan chuyên môn để kiểm tra, xác minh làm rõ và hướng dẫn biện pháp xử lý. Cùng với việc thực hiện các biện pháp dập dịch, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thực hiện các quy định chăn nuôi an toàn, phòng chống dịch bệnh; đồng thời phổ biến tính chất nguy hiểm, các biện pháp phòng chống dịch, vận động người chăn nuôi tự giác khai báo khi có dịch, không bán chạy, không vứt gia cầm chết ra môi trường.
Ông Nguyễn Phùng Hoan lưu ý, nhằm đảm bảo dịch bệnh không lây lan sang người, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, các trạm y tế xã thường xuyên thăm khám, nhắc nhở người dân tự bảo vệ và sử dụng các biện pháp khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường và khu vực chăn nuôi...
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, từ đầu năm 2017 đến nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã bùng phát ở 8 hộ chăn nuôi của 3 xã thuộc huyện Vụ Bản và Trực Ninh với tổng số gia cầm phải tiêu hủy gần 9.200 con.
Hiện Nam Định còn 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại các hộ chăn nuôi ở xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh chưa qua 21 ngày, địa phương đang nỗ lực khoanh vùng dập dịch. Những người ở các hộ chăn nuôi có gia cầm nhiễm cúm ốm, chết và những người có liên quan trong khu vực có dịch đã được các cơ sở y tế lập danh sách theo dõi tình hình sức khỏe theo quy định. Đến nay, những người này vẫn khỏe mạnh bình thường./.