Ngăn chặn không để “Cái chết đen” xâm nhập vào Việt Nam

Điều đáng lo ngại là dịch hạch vắng bóng nhiều năm qua giờ dịch đã quay trở lại xuất hiện tại nhiều nước như Madagascar, Mỹ, Trung Quốc…
Ngăn chặn không để “Cái chết đen” xâm nhập vào Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN)

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho hay, bệnh dịch hạch được mệnh danh là "Cái chết đen” bởi người bệnh khi qua đời cơ thể thường trở nên đen sì.

Điều đáng lo ngại là dịch hạch vắng bóng nhiều năm qua giờ dịch đã quay trở lại xuất hiện tại nhiều nước như Madagascar, Mỹ, Trung Quốc…

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch hạch, do Bộ Y tế tổ chức chiều 2/12, với sự tham gia của đại diện của bộ ngành có liên quan.

“Cái chết đen” đang diễn ra ở nhiều nước

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch hạch thời gian qua rất đáng quan ngại. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đặt câu hỏi tại sao dịch hạch vắng bóng nhiều năm qua giờ dịch lại quay trở lại tại nhiều nước, trong đó có Trung Quốc - nước có đường biên giới với Việt Nam?

Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm A, tối nguy hiểm bởi diễn tiến bệnh nhanh, tốc độ lây lan mạnh và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh thuộc diện kiểm dịch và khai báo quốc tế theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới.

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trên thế giới, dịch hạch luôn luôn là một mối hiểm họa tiềm tàng bùng phát thành dịch lớn bởi vì mầm bệnh vẫn tồn tại rất rộng rãi trên các quần thể gặm nhấm hoang dã và có sự giao lưu rất thường xuyên giữa các loài gặm nhấm hoang dã này với quần thể chuột nhà.

Sau một thời gian dài lắng dịu và xảy ra rải rác ở một vài quốc gia, ngày 21/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo về dịch hạch xảy ra tại Madagascar. Ca bệnh đầu tiên được phát hiện vào ngày 31/8 vừa qua là bệnh nhân nữ, tử vong ngày 3/9. Đến ngày 16/11, nước này đã ghi nhận 119 trường hợp mắc trong đó có 40 trường hợp tử vong.

Tại Trung Quốc đã ghi nhận một trường hợp mắc bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ngày 17/7, Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Y tế Trung Quốc thông báo ghi nhận một bệnh nhân tử vong có kết quả dương tính với dịch hạch. Điều tra dịch tễ cho thấy bệnh nhân làm nghề chăm sóc vật nuôi và có tiền sử phơi nhiễm với một động vật thuộc loài gặm nhấm trước đó.

Theo Thứ trưởng Long, Việt Nam đã trải qua một số vụ dịch và trong 12 năm nay không có ca bệnh. Tuy nhiên, khó khăn ở chỗ Việt Nam từng lưu hành dịch, có đường biên dài với một số nước có ổ dịch cũ và gần Trung Quốc - nước đang xuất hiện ca bệnh mới, ổ dịch trên động vật... nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ các nước vào Việt Nam vẫn cao.

Ngăn chặn không để “Cái chết đen” xâm nhập vào Việt Nam ảnh 2Nhân viên y tế tiêu hủy gia cầm, gia súc bị bệnh. (Ảnh: TTXVN)

Khắc phục những “lỗ hổng” điều trị

Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng cho rằng điều kiện sinh cảnh, môi trường, vật chủ tại Việt Nam rất thuận lợi cho bùng phát và lan truyền bệnh dịch hạch. Lý do vì Việt Nam là nước nước từng lưu hành dịch tương đối nhiều và từ năm 2002 mới không có bệnh nhân.

Bên cạnh đó, Trung Quốc có hơn 1.300km đường biên giới với Việt Nam, trong khi nước này vẫn tồn tại các ổ dịch hạch trên các loài động vật hoang dã. Tỉnh Vân Nam sát biên giới phía Bắc và có giao lưu rộng rãi về hàng hóa với nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Theo ông Phu, dịch động vật có thể theo chuột và bọ chét mang vi khuẩn từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam như đã xâm nhập vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 mở ra tiến trình 100 năm bệnh dịch hạch ở Việt Nam. Dịch được ghi nhận lần đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1898 ở Nha Trang do tàu, thuyền từ HongKong xâm nhập vào.

Đến nay sau 12 năm không phát hiện ca bệnh trên người cũng như mầm bệnh trên chuột và bọ chét.

“Câu hỏi đặt ra là chúng ta nên đối phó, giám sát, điều trị như thế nào. 12 không gặp nên ngay các bác sỹ nhiều khi kiến thức về chuyên môn, xét nghiệm, điều trị không hẳn nhớ hết vì gần đây không có ca bệnh lâm sàng,” Thứ trưởng Long nhấn mạnh.

Về vấn đề điều trị, ông Đoàn Văn Chung, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lo ngại: “Hầu như các bác sỹ hiện nay đều quên về biểu hiện lâm sàng. Bản thân chúng tôi từng chống dịch đã từng gặp nhiều ca bệnh trước đây nhưng giờ đọc lại thông tin về bệnh này vẫn như mới. Về lý thuyết các bác sỹ vẫn được học về bệnh dịch hạch nhưng chỉ là ‘dạy cho có lệ, không có ca lâm sàng để thực hành nên chủ yếu là dạy mang tính lý thuyết.”

Vì thế, ông Trung đề nghị Bộ Y tế cần sớm có kế hoạch xây dựng phát đồ điều trị mới, cập nhật thuốc điều trị mới, bởi hiện nay nhiều loại thuốc điều trị bệnh này cách đây hơn chục năm không còn sử dụng. Do vậy, Bộ Y tế nên tổ chức tiến hành tập huấn lại cho nhân viên y tế về công tác chẩn đoán, điều trị bệnh dịch hạch.

Thứ trưởng Long yêu cầu hệ thống giám sát tại các tỉnh cần tập trung quyết liệt, đặc biệt là các tỉnh thành có nguy cơ xâm nhập, có cảng biển như Đà Nẵng, Hải Phòng… và những tỉnh có sân bay, cửa khẩu đường bộ trong đó trọng tâm lưu ý vào đường thủy.

Ngành y tế cũng khuyến cáo, nếu người dân phát hiện có hiện tượng chuột chết nhiều thì cần phải báo ngay cho cơ quan y tế và thú y để tiến hành giám sát và điều tra xem chuột chết vì nguyên nhân gì để có những phản ứng kịp thời./.

Bệnh dịch hạch do trực khuẩn Yersinia pestis gây nên và lưu hành trong quần thể động vật thuộc bộ gặm nhấm (Rodentia), chủ yếu là các loại chuột sống gần người và bọ chét ký sinh trên chúng, từ đó lây truyền sang các loại súc vật khác và sang người.

Lịch sử loài người đã ghi nhận ba vụ đại dịch vào các thế kỷ thứ VI, XIV và XIX với hàng trăm triệu người tử vong, đặc biệt đại dịch lần thứ hai với tỷ lệ tử vong lên tới 70-80% đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1/3 dân số Châu Âu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục