Mục tiêu “siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” là một công cụ hữu hiệu trong công tác đảm bảo an toàn giao thông của mọi quốc gia, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ hạ tầng; đồng thời lập lại giá trị thực tế của hoạt động vận tải hàng hóa.
Với ý nghĩa đó, thời gian qua, công việc này đã được lực lượng liên ngành Công an và Giao thông vận tải phối hợp thực hiện, bước đầu đạt một số kết quả tích cực, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Song, quá trình phối hợp, xử lý vi phạm cũng nổi lên một số bất cập không nhỏ, cần sớm được khắc phục để nâng cao hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm này trong những tháng cuối của Năm An toàn giao thông năm nay.
Có mặt tại một số trạm cân trên cung đường 600km từ thủ đô Hà Nội vào đến tỉnh Quảng Bình, chúng tôi đã chứng kiến những vất vả, nỗ lực của lực lượng liên ngành Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông bất chấp khắc nghiệt của thời tiết, của thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc và đặc biệt là những vất vả phát sinh trong quá trình xử lý người và phương tiện vi phạm.
Ba lần lên cân, ba kết quả xa vời
11 giờ trưa 5/8, hơn 10 cán bộ chiến sỹ Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động và Thanh tra giao thông làm nhiệm vụ tại trạm cân liên ngành số 1 tỉnh Hà Nam (km 11, ĐT 494) - một trong những tuyến đường chính, cửa ngõ các nhà máy ximăng, mỏ vật liệu nối Hà Nam với Quốc lộ 1.
Đối diện trạm cân, một bãi đất trống vài ngàn mét vuông - điểm hạ tải cho các xe vi phạm, ngổn ngang những đống vật liệu xây dựng nằm rải rác…, theo một cán bộ Thanh tra giao thông Hà Nam, không thiếu những trường hợp, sau khi hạ tải, lái xe hoặc chủ xe bỏ hàng, không quay lại lấy bởi một thực tế nếu chở thêm chuyến nữa, hiệu quả kinh tế cao hơn là quay lại lấy hàng cho khách thuê. Chỉ cần một thời gian ngắn nữa, chính lực lượng chức năng phải bỏ kinh phí để dọn trống bãi hạ tải, lấy diện tích phục vụ việc hạ tải.
Phát hiện một xe tải biển kiểm sát 90C-01839 đi ra từ khu vực mỏ đá Kiện Khê, lực lượng Cảnh sát giao thông thổi còi hiệu lệnh yêu cầu xe tải dừng lại, chuẩn bị quy trình qua trạm cân. Lái xe xuất trình sổ đăng kiểm, cán bộ thanh tra giao thông nhập liệu vào phần mềm, nạp đủ thông số về tải trọng cho phép theo quy định, quy chuẩn thiết kế xe.
“Lên cân !,” một cán bộ thanh tra giao thông hô lớn và tiến sát chiếc xe tải, giơ tay làm hiệu cho lái xe căn chỉnh đúng vị trí tâm cân.
Kết quả lần cân thứ nhất, màn hình thông báo xe 90C-01839 quá tải 8,85 tấn tương đương 93,2%. Phản ứng với lực lượng chức năng, lái xe Lại Hùng Cường cho rằng, hàng của mình chưa vượt thùng, không thể quá tải và đề nghị được cân lại lần thứ hai, yêu cầu này của lái xe được tổ liên ngành chấp thuận.
Lần cân thứ hai, kết quả cho ra là quá tải 7,75 tấn (khoảng 79,7%). Không bằng lòng vì độ chênh lệch giữa hai lần cân lớn, Lại Hùng Cường tiếp tục yêu cầu cân lại lần thứ ba. Sau lần cân thứ ba, màn hình thông báo xe 90C-01839 vẫn quá tải nhưng lần này, phần trăm quá tải hạ xuống thấp hơn cả chỉ có 6,37 tấn, ở mức 67,1%.
Một cán bộ tại trạm cân cho biết, theo quy định, xe chở quá tải trên 50% với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên là có mức phạt như nhau, tuy nhiên, trong trường hợp này, mỗi lần cân đều có kết quả khác nhau do tài xế điều khiển xe với tốc độ không đồng đều nên kết quả không chính xác.
Thực tế cho thấy, cơ sở của việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông là phải có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông được pháp luật quy định.
Lực lượng chức năng có nghĩa vụ phải chứng minh được hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện, đảm bảo chính xác, khách quan, tuân thủ quy định của pháp luật mới có thể xử phạt hành chính. Trong trường hợp này, 1 xe được cân tới 3 lần và 3 lần cho kết quả với sai số vượt quá cho phép (chỉ là 5%) nên cơ sở để lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản, xử lý người vi phạm là rất mỏng và chưa thực sự thuyết phục.
Với 7 trạm cân, trong đó có 2 trạm liên ngành, theo Đại tá Trần Trọng Đạo, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt thuộc Công an tỉnh Hà Nam, sau hơn 3 tháng triển khai xử lý xe quá tải, đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là ý thức của các chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện đã tự giác cắt bỏ, tháo dỡ phần thùng xe cơi nới.
Kết quả sau hơn 3 tháng, lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nam đã kiểm tra 5.285 trường hợp; phát hiện, xử lý 637 trường hợp chở quá trọng tải cho phép; hơn 200 trường hợp tự ý cơi nới thành thùng xe và gần 300 trường hợp vi phạm khác. Song, chất lượng cân chưa có độ chính xác cao đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều khiếu nại, thắc nắc của chủ xe và người điều khiển phương tiện.
Đại tá Trần Trọng Đạo cũng cho biết thêm, trước đó, tại trạm cân (km 11, ĐT 494) cũng từng xảy ra trường hợp một xe cân hai lần, sai số tới hơn 10 tấn dẫn đến việc lực lượng chức năng cả Cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông “gặp khó” trong xử lý các trường hợp vi phạm.
Khó khăn trong xử lý vi phạm
Một ngày sau đó, trưa 6/8 vừa qua, chúng tôi có mặt tại trạm cân số 15 trên Quốc lộ 1 thuộc địa bàn Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Với 3 lần cân liên tiếp chiếc xe tải biển kiểm sát 76K-7904, trạm cân vẫn cho ra 3 kết quả khác nhau trên mức 5% với kết quả lần lượt là: 126,7%; 118,7% và lần 3 là 129,4%.
Trước những kết quả chênh lệch này, dù lực lượng chức năng mất rất nhiều thời gian giải thích nhưng lái xe vẫn nhất quyết không chịu ký vào biên bản vi phạm, thậm chí còn ghi hẳn vào biên bản lý do không chấp nhận kết quả cân.
Đối với Trạm cân liên ngành số 15, từ tháng Tư đến nay đã kiểm tra 1.672 lượt phương tiện nghi chở hàng quá khổ, quá tải, qua đó phát hiện, lập biên bản 1.274 trường hợp (đạt 76,2%), xử phạt 1.197 trường hợp ôtô chở hàng quá khổ, quá tải, tước giấy phép lái xe có thời hạn 940 trường hợp.
Tính đến hết tháng Hai năm nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bàn giao xong 63 bộ cân cho 63 địa phương trên cả nước để triển khai Công điện số 95/CĐ-TTg và Công điện số 1966/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện.”
Các địa phương sẽ tiến hành công tác kiểm tra bằng bộ cân đã được cấp, cân xách tay và các biện pháp khác, tập trung trên các Quốc lộ 1, 5, 51, 20, 14, 70 và các quốc lộ trọng điểm khác đi qua các địa phương trong cả nước.
Ngành giao thông vận tải cũng nhận thấy một số bất cập của việc triển khai xử lý xe quá tải như các khó khăn về biên chế, kinh phí, vị trí đặt cân và hạ tải; mặt đường không đảm bảo độ phẳng và cứng nên thiết bị cân giảm độ chính xác và dễ hư hỏng; bàn cân không chịu được độ ẩm khi có mưa nhỏ dẫn đến chập, kết quả cân sai quá lớn... Rõ ràng, chất lượng cân đang trở thành một vật cản lớn, làm khó lực lượng chức năng khi xử lý các hành vi vi phạm.
Để thực hiện mục tiêu giảm dần, tiến tới là chấm dứt tình trạng xe quá tải, quá khổ, ngành Giao thông vận tải cần nhanh chóng có biện pháp xử lý kỹ thuật để khắc phục bất cập này, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ./.